Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Quản lý vàng miếng nhìn từ thế giới

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/vef/106083/quan-ly-vang-mieng-nhin-tu-the-gioi.html


Tại Ấn Độ, giao dịch vàng thoi diễn ra ở thị trường bán lẻ phân tán khắp cả nước với trên 100.000 thợ kim hoàn và hơn 1 triệu cửa hàng bán lẻ.




Trên thế giới có một số nước cũng từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng.

Vàng được chia thành nhiều loại

Phóng viên: Thưa ông, nguyên tắc chung trong quản lý vàng miếng trên thế giới thế nào?

+ TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế-Luật: Theo nguyên tắc chung trong quản lý vàng và kinh nghiệm ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… đều đã tự do hóa thị trường vàng từ rất lâu. Thị trường vàng ở các nước này hoạt động theo các chuẩn mực rõ ràng, chủ yếu giao dịch các chứng chỉ vàng thông qua sàn giao dịch tập trung. Việc giao dịch vàng không qua sàn giao dịch (OTC) vẫn còn diễn ra sôi động ở Anh, Thụy Sĩ giữa các nhà bán buôn. Các giao dịch này được tổ chức rất quy củ, minh bạch và chủ yếu liên quan đến vàng lưu kho tại London thông qua thay đổi sở hữu vàng của các bên liên quan tại kho vàng này.

Vậy các quỹ tài chính ứng xử thế nào về vàng, thưa ông?

+ Vì vai trò đặc biệt của vàng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chia vàng ra làm hai loại: vàng tài chính là vàng được sử dụng như tài sản tài chính và vàng hàng hóa là vàng được nắm giữ phục vụ cho mục đích sản xuất (trang sức, công nghệ), tồn kho hoặc cất trữ giá trị.

Trong đó vàng tài chính được IMF tiếp tục được chia làm hai nhóm: thứ nhất gồm vàng tiền tệ là vàng được nắm giữ bởi các cơ quan quản lý tiền tệ như một phần của dự trữ chính thức của quốc gia và các tổ chức quốc tế như IMF, BIS; thứ hai vàng phi tiền tệ là vàng được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính trung gian, các nhà kinh doanh vàng cho mục đích kinh doanh, đầu tư. Và theo IMF, vàng phi tiền tệ phải được đối xử bình thường như với bất kỳ hàng hóa nào khác trong nền kinh tế (IMF, 2006).

Nhưng với các nước trong khu vực châu Á có truyền thống cất trữ vàng vật chất thì sao, thưa ông?

+ Một số các nước Trung Đông, châu Á mà dân chúng vốn có truyền thống cất trữ vàng cũng đã tổ chức rất thành công giao dịch vàng qua sàn giao dịch tập trung. Và sàn này bao gồm cả vàng vật chất và vàng tài khoản. Cụ thể như Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hong Kong.

Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới.

Thị trường vật chất tồn tại chung với phi vật chất

Cụ thể việc tổ chức quản lý vàng ở một số nước này thế nào thưa ông?

+ Chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới. Đồng thời đây cũng là hai quốc gia đã từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng trong quá khứ nhưng sau đó phải tiến hành cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa và họ đã đạt được các thành công đáng kể.

Tại Ấn Độ, với 90% lượng vàng tiêu thụ phải nhập khẩu. Đất nước này phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát vàng nhập khẩu để giảm thâm hụt cán cân thanh toán. Từ những năm 1963 đến 1964, Ấn Độ đã kiểm soát rất chặt thị trường vàng, cấm nhập khẩu vàng… Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm sau đó mặc dù việc nhập khẩu vàng phi chính thức diễn ra trầm trọng nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn từ 20% đến 50% so với giá vàng quốc tế. Tháng 6-1990, Ấn Độ thừa nhận sự thất bại trong chính sách quản lý vàng chặt chẽ khi bãi bỏ luật quản lý vàng 1963. Và ba năm sau đó bãi bỏ luật điều tiết ngoại hối 1964. Các hạn chế sở hữu tư nhân về vàng đã giảm đi, các thương nhân kinh doanh vàng không còn phải xin giấy phép, cho phép nhập khẩu vàng nhằm gia tăng tỉ trọng nhập khẩu vàng chính thức (giảm nhập lậu), tăng thu ngân sách thông qua việc thu được thuế nhập khẩu vàng, kích thích sản xuất nữ trang xuất khẩu, phát triển ngành sản xuất vàng và chế tác trang sức, khuyến khích tái chế vàng trang sức trong nước.

Sau đó Chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định ngân hàng nào đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu vàng. Các tổ chức này được phép mua bán vàng trong nước và quốc tế không giới hạn. Ngoài ra, họ còn được phép cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và cho vay liên quan đến vàng.

Giai đoạn từ 1998 đến 1999, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho phép các ngân hàng thương mại trả lãi tiền gửi vàng vật chất, phát hành các chứng chỉ vàng và các chứng chỉ này được phép chuyển nhượng, giao dịch trên thị trường thứ cấp với mục tiêu phát triển thị trường chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, việc triển khai đã thất bại khi sau 12 tháng triển khai chỉ huy động được tám tấn vàng so với 100 tấn theo kế hoạch. Điều này cho thấy dân chúng vẫn thích nắm giữ vàng vật chất hơn là chứng chỉ vàng.

Bởi vậy từ năm 2003, Ấn Độ cho phép các ngân hàng giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn trong nước hoặc quốc tế nhưng không được phép giao dịch với các tổ chức phi ngân hàng. Đến cuối năm 2011, có bốn sở giao dịch quốc gia thực hiện giao dịch vàng. Các sản phẩm phái sinh vàng được cho phép giao dịch từ năm 2006 và cho đến nay sản phẩm thông dụng nhất trong số các sản phẩm phái sinh vàng là ETF vàng.

Đến đầu năm 2012, ở Ấn Độ đã có 30 ngân hàng bao gồm cả ngân hàng nhà nước, ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài được phép nhập khẩu vàng, bạc để bán tại thị trường trong nước.

Nghĩa là hiện nay họ có cả hai thị trường vật chất và phi vật chất?

+ Đúng vậy, thị trường bán lẻ vàng thoi OTC diễn ra phổ biến rộng rãi giữa nhà đầu tư với các tổ chức kinh doanh vàng. Nhưng Ấn Độ không bắt buộc giao dịch vàng thoi phải diễn ra tại các sàn giao dịch mà có thể thực hiện ở thị trường bán lẻ phân tán khắp cả nước với trên 100.000 thợ kim hoàn và hơn 1 triệu cửa hàng bán lẻ.

Ngân hàng trung ương không đụng đến nhập khẩu, sản xuất vàng

Còn mô hình quản lý vàng ở Trung Quốc thì sao thưa ông?

+ Nhu cầu vàng ở Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ và chiếm khoảng 16% tổng cầu vàng trên thế giới. Mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 13% tổng cung vàng trên thế giới nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu vàng.

Trước năm 2002, thị trường vàng tại Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối bán lẻ. Giá vàng và hạn ngạch đã được quyết định bởi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) phối hợp với các cơ quan khác ở trung ương. PBOC cấp giấy xuất khẩu vàng và nhập khẩu vàng trang sức, mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu 60% ở năm 1996, giảm so với mức 100% trước đó. Từ năm 1996, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách, dần dần tự do hóa và sau đó đã bãi bỏ việc nhà nước độc quyền vàng, bãi bỏ hệ thống cấp phép bán lẻ, bán buôn, sản xuất và không còn kiểm soát giá vàng. Tháng 10-2002, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được thành lập để tổ chức giao dịch vàng thay thế cho PBOC.

Từ năm 2011 đến nay thị trường vàng của Trung Quốc diễn ra thế nào, thưa ông?

+ Kể từ khi mở cửa thị trường vàng và sau khi Sàn giao dịch Thượng Hải đi vào hoạt động, giá vàng tại Trung Quốc đã rất sát với giá vàng thế giới từ năm 2000. Từ năm 2006, Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng thương mại giao dịch các sản phẩm đầu tư vàng với nhà đầu tư cá nhân. Cũng trong năm này, hệ thống giao dịch vàng thoi hai giá cũng đã được triển khai. Và đến năm 2007, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch vàng thoi vật chất, được tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch Thượng Hải, Sàn giao dịch hàng hóa giao sau Thượng Hải.

Về thị trường bán lẻ, Trung Quốc chỉ được phép bán vàng trang sức qua các cửa hàng bán lẻ trang sức vốn chịu sự quản lý của chi nhánh PBOC tại địa phương. Tất cả giao dịch vàng thoi đều phải được thực hiện thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

Như vậy cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã từng trải qua giai đoạn kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng, độc quyền phân phối và kinh doanh vàng nhưng đã không đạt được thành công mong đợi, thưa ông?

+ Đúng vậy, sau cải cách, cơ quan nhà nước vẫn quản lý sản xuất, bán buôn, bán lẻ vàng nhưng đều được thực hiện theo cơ chế minh bạch và hoàn toàn không có sự độc quyền dù là độc quyền nhà nước hay tư nhân. Việc quản lý nhập khẩu vàng được thực hiện một cách linh hoạt trên cơ sở xử lý hài hòa giữa trạng thái cán cân thanh toán và tình trạng nhập lậu. Ngân hàng trung ương hoàn toàn không tham gia trực tiếp vào hoạt động nhập khẩu, sản xuất. Chính sách quản lý được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, thông thoáng nhằm tạo được sự liên thông thị trường trong nước với thị trường nước ngoài khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện.

Các quốc gia này cũng đã quản lý chặt chẽ chất lượng vàng kể cả vàng thoi và vàng trang sức, đồng thời xem xét để cấp phép giao dịch các sản phẩm vàng thoi theo tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất bởi các nhà sản xuất có uy tín theo danh sách công bố của Hiệp hội Vàng thoi London. Ngoài ra, các nước này cũng đã tổ chức nhiều sàn giao dịch vàng với cơ chế tổ chức theo thông lệ quốc tế với một số điều chỉnh để tương thích với đặc trưng của thị trường trong nước.

Xin cảm ơn ông.

(Theo PLTPHCM)
 
 

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

“Sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước

http://doanhnhan.vneconomy.vn.htm





Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2013 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. VnEconomy xin giới thiệu một số con số đáng chú ý trong báo cáo này.

Kế hoạch kinh doanh của 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước cho thấy, các chỉ tiêu vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đều dự kiến cao hơn so với thực hiện năm 2012, tuy nhiên, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm. 

Trong đó, chỉ tiêu vốn điều lệ năm 2013 tăng trên 13%, lương bình quân tăng 7,77% so với thực hiện 2012; còn chỉ tiêu doanh thu 2013 bằng 95,89% so với thực hiện năm 2012; chỉ tiêu lợi nhuận và nộp ngân sách 2013 lại chưa bằng 80% thực hiện của năm 2012.

Tính đến hết năm 2012, số lao động làm việc tại 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đạt 1,043 triệu người, với lương bình quân đạt 6,88 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, số lao động dự kiến tăng lên hơn 1,058 triệu người, lương bình quân mỗi tháng đạt 7,41 triệu/người, tăng 7,77% so với thực hiện năm 2012. 

Còn theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần), tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

“Sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước qua các con số 1

Tổng hợp tình hình hoạt động của 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước năm 2012 (đơn vị: tỷ đồng) và kế hoạch 2013 - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có kế hoạch tăng vốn đầu tư thêm khoảng 124 nghìn tỷ, tương đương tăng 32,46% so với năm 2012 lên 506.995 tỷ đồng.

Ngoại trừ doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý có kế hoạch giảm vốn đầu tư trong năm 2013 so với 2012, còn lại các ngành đều muốn tăng vốn đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải muốn tăng vốn đầu tư thêm 65,16%, kế đến là doanh nghiệp ngành Nông nghiệp (+45,94%), Công Thương (+19,96%), Xây dựng (+12,95%),....

“Sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước qua các con số 2
Vốn đầu tư thực hiện 2012 (đơn vị: tỷ đồng) và dự kiến kế hoạch đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo cơ quan quản lý - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước qua các con số 3
Vốn đầu tư năm 2012 (đơn vị: tỷ đồng) và dự kiến kế hoạch đầu tư của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước năm 2013 - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước qua các con số 4
Kết quả kinh doanh năm 2012 (đơn vị: tỷ đồng) và chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Việt Nam xuất khẩu gạo số 1 thế giới, hu hu!

http://thinhoi001-thinhoi001.blogspot.com/2012/11/viet-nam-xuat-khau-gao-so-1-gioi-hu-hu.html


Từ thuở hồng hoang, từ khi nông dân thay trâu kéo cày để làm ra hạt gạo, cho đến bây giờ, khi nông dân vẫn đầy tràn cực khổ, nhưng đây đó dăm ba nơi đã khỏi phải làm trâu vì có máy cày để làm ra hạt gạo, lần đầu tiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam ta đạt được kỳ tích không tiền khoáng hậu, một kỳ tích chói chang sử lịch, một kỳ tích hết sức… hết sức… (nghẹn ngào nói chẳng nên lời).

Đó là: Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới.

 
 
Tại sao Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo?
Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc hệ tại chức, chuyên tu cũng như theo các chuyên gia kinh tế hàng “kế đầu” thuộc hệ chuyên tu, tại chức: Sở dĩ Việt Nam vượt qua mặt Thái Lan khỏi cần bóp kèn trong xuất khẩu gạo, là do sai lầm trong chính sách lúa gạo của Bà Thủ tướng Thái Lan.

“Sai lầm của Bà Thủ Tướng Thái Lan là đã quá quan tâm đến quyền lợi của nông dân, nên đưa ra một mức giá mua lúa cho nông dân quá cao lên đến 500 đô la Mỹ/tấn, khiến cho giá bán gạo của Thái Lan lên đến gần 600 đô la Mỹ/tấn, làm giảm tính cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường thế giới”.

Đó là phân tích đầy uyên bác của các chuyên gia hàng đầu và “kế đầu” thuộc hệ chuyên tu và tại chức của ViệtNam.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu và hàng “kế đầu” này của Việt Nam, đã tìm ra một qui luật hết sức quan trọng, có tính quyết định trong việc bán gạo xuất khẩu đó là: Bán gạo giá rẻ dễ hơn bán gạo giá cao.

Thật là một phát kiến vĩ đại về kinh tế, xứng đáng nhận lãnh giải Nobel về kinh tế, phát kiến này đã nâng cấp các chuyên gia chuyên tu, tại chức lên tầm cao mới, và là  một bài học cho những ai còn mang nặng thành kiến “dốt chuyên tu, ngu tại chức”.

Chính phủ lãnh đạo quá sáng suốt.
Với phát kiến vĩ đại này, Chính phủ không cần phải nhọc công tìm cách bán gạo Việt Nam tiệm cận với giá gạo Thái Lan.
Áp dụng phát kiến vĩ đại này vào việc buôn bán gạo, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cực kỳ sáng suốt khi cho phép phép Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bán gạo giá rẻ ra thị trường thế giới để chiếm lĩnh thị trường gạo thế giới.
Chúng ta hãy xem cái cách mà Chính phủ áp dụng thành công phát kiến vĩ đại của các chuyên gia chuyên tu, tại chức.
Theo trang mạng STOX.VN:
Ngày 1/11/2012 Thái Lan bán gạo 5% tấm giá 555-565 đô la Mỹ/tấn. Việt Nam sáng suốt bán gạo 5% tấm giá 450-460 đô la Mỹ/tấn.
Ngày 31/10/2012 Thái Lan bán gạo 5% tấm giá 555-565 đô la Mỹ/tấn. Việt Nam anh minh bán gạo 5% tấm giá 450-460 đô la Mỹ/tấn.
Ngày 28/8/2012 Thái Lan bán gạo 5% tấm giá 575-585 đô la Mỹ/tấn. Việt Nam khôn ngoan bán gạo 5% tấm giá 445-455 đô la Mỹ/tấn.
Chỉ với 3 tháng điển hình nêu trên, chúng ta thấm thía sự sáng suốt của Chính phủ, khi đưa con tàu xuất khẩu gạo Việt Nam cặp bến số 1 thế giới.

VFA thực hiện quá tài tình.

 
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo cũng tài tình và sáng suốt của lãnh đạo VFA, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được bán với giá cực kỳ cạnh tranh – nói theo nông dân là bán rẻ như bèo – và nhờ giá rẻ như cho không này, VFA đã bán gạo đứng số 1 thế giới và còn phá kỷ lục về xuất khẩu gạo, khi dự kiến năm 2012 này sẽ bán đến 7,5 triệu tấn gạo so với 7,1 triệu tấn năm 2011.
VFA xuất khẩu gạo theo kiểu ăn lời đầu tấn, tức là cứ một tấn gạo xuất đi sẽ lời một số đô la Mỹ, xuất khẩu gạo càng nhiều VFA lời đầu tấn càng to, với 400.000 tấn gạo vượt kỷ lục, túi tiền VFA thêm rủng rỉnh.

Số 1 thế giới, sao nông dân không tự hào mà lại muốn khóc hu hu?
VFA ăn lời đầu tấn nên chẳng cần quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu. Còn nông dân, tiếc thay, lợi nhuận lại phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu.
Bán gạo xuất khẩu gía rẻ, thì chỉ cần về to nhỏ với Chính phủ, là VFA được Chính phủ cho phép mua lúa của nông dân giá cực rẻ với chiêu bài tạm trữ.
Cuối Năm 2011, lúa OM 4900 tươi nông dân bán giá 7.000 đồng/kg, năm 2012 này giá mua tạm trữ OM 4900 tươi chỉ còn có 5000 đồng/kg, tức giảm 2.000 đồng/kg lúa, hay  là giảm giá khoảng 28,5%.
Năm 2012 này vật giá cái gì cũng tăng, chỉ có lúa của nông dân là đại hạ giá!
Ngẫm ra, mỗi  kỳ tích phải có cái giá của nó: để Chính phủ đạt thành tích vẻ vang, để VFA lời to, nông dân cần phải hy sinh quyền lợi của mình.
Nông dân nên tự hào vì đã một mình nai lưng gánh hết kỳ tích xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
Điều quan trọng nhất, quyết định nhất là chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, mọi cái khác còn lại không quan trọng.
Chỉ buồn, hôm rồi, mất mấy ngày chạy ngược, chạy xuôi  mượn tiền bà con gởi lên cho con ăn học ở thành phố, tối về bà xã càm ràm:
-        Xuất khẩu gạo số 1 thế giới  để làm gì hả ông, mà lúa giá 7.000 đồng/kg năm ngoái năm nay chỉ  còn có 5.000 đồng/kg, rồi đây tiền đâu tiêu xài, tiền đâu mà lo cho con ăn học?
Tự hào? Ai tự hào? Tự hào cái chi? Cái chi đáng tự hào?
Số 1? Số 1 để làm gì?
Mà khi nhìn đến túi tiền nông dân chỉ hu hu muốn khóc.

Hoàng Kim


(Đồng Tháp)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/42416

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Thị trường Việt Nam sẽ là “bãi phế thải” của Trung Quốc?

2012-10-05
Ngoài thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng bị nới rộng, thì chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước này bấy lâu vẫn bị xem là không đạt tiêu chuẩn và ngầm ý phá hoại nền sản xuất nội địa Việt Nam, thế nhưng vì sao hiện tượng này vẫn dai dẳng diễn ra và hệ lụy của nó là gì?
RFA file/tuanvietnam.net
Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam

Tải xuống - download
Mặc dù trong 9 tháng đầu năm, tính trung bình, Việt Nam xuất siêu được hơn 30 triệu đô la, nhưng việc nhập siêu chỉ với riêng thị trường Trung Quốc lại lên tới 11,3 tỷ đô la. Nếu tính riêng lượng hàng từ Trung Quốc, Việt Nam đã nhập gần 21 tỷ đô la, chiếm xấp xỉ 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, vượt cả mục tiêu của năm 2015.
Ngày càng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Đây quả là một điều bất lợi và đáng lo ngại, bởi theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc lớn hơn vào thị trường Trung Quốc “lệ thuộc đầu vào đã là bất lợi và nhập siêu lớn từ một thị trường lại càng bất lợi hơn.” Nhất là nếu nhìn vào cơ cấu mặt hàng thì Việt Nam nhập khẩu đến 2/3 nguyên phụ liệu cho sản xuất như dệt may và nhiều mặt hàng khác để phục vụ sản xuất trong nước từ máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại và các thiết đi kèm cho tới máy tính, sắt thép… đáng chú ý là trong những mặt hàng này, thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 10%, đứng thứ 5 về kim ngạch nhập khẩu, trong khi thép trong nước thì tồn kho hàng trăm ngàn tấn, riêng mặt hàng điện thoại và các linh kiện thì trong nửa đầu năm nay tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kính mát giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Coach, Dior đều nguồn gốc từ Trung Quốc với giá vô cùng rẻ.
Kính mát giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Coach, Dior đều nguồn gốc từ Trung Quốc với giá vô cùng rẻ.
Nhận xét về những nghịch lý này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, không khỏi lo lắng:
Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm máy móc về
T.S Lê Đăng Doanh
Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm máy móc về. `Điển hình là Việt Nam xuất cao su sang Trung Quốc rồi nhập vỏ và ruột xe. Tình hình này không những làm các nhà chuyên môn mà trong đông đảo nhân dân rất lấy làm lo ngại.
Những gì T.S Lê Đăng Doanh không chỉ khiến người ta lo ngại về bản chất của chuyện giao thương hai chiều như một sự khai thác tài nguyên rồi xuất sang Việt những thành phẩm, kiểm soát thị trường Việt Nam từ A - Z. Điều khiến người ta quan ngại hơn lại là chất lượng của hàng nhập về từ Trung Quốc. Theo nhận xét của các chuyên gia thì Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các loại hàng kém chất lượng và câu chuyện Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ “thượng vàng hạ cám” của Trung Quốc vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ từ bấy lâu nay.
Trong một phân tích được tờ Tiền phong Online trích dẫn hôm 3/10, T.S Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang tạo ra 2 mối nguy cho Việt Nam: trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng, thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ của họ.
Báo chí cả trong nước lẫn quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: gạo giả, sữa bột giả, trứng giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu, thịt đông lạnh hư thối… cho tới cả tiền giả đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách âm ỉ và có hệ thống.
Với lợi thế giá rẻ và không bị ràng buộc về mặt chất lượng, nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây “Made in China” được nhập về Việt Nam một cách thoải mái qua con đường tiểu ngạch, tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 1,000 tấn trái cây
Một cửa hàng ở Hà Nội bán toàn đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc. RFA photo
Một cửa hàng ở Hà Nội bán toàn đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc. RFA photo
được nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn.
Nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ của họ.
T.S Nguyễn Minh Phong
Cuộc chiến không cân sức
Trao đổi với chúng tôi, chị Quỳnh Trang một chuyên viên phân tích thị trường ở Hà Nội cho biết những gì diễn biến hàng ngày tại Việt Nam:
Tôi thấy là Trung Quốc cái gì cũng có và cái gì cũng có thể làm giả được, từ những cái nhỏ nhặt nhất như cái tăm, sợi chỉ, hay những thứ lớn hơn như kiểu xe cộ, đồ ăn thức uống, hay là quần áo, giày dép, túi xách… từ những cái rẻ tiền nhất, những thứ bình dân, hoặc họ có thể làm nhái, làm giả, những thứ cao cấp, đắt tiền hơn để bán cho những người tầng lớp cao cấp hơn. Rất là rẻ, rẻ hơn so với những cái thực chất hay hàng nhập từ các nước khác, hoặc hàng Việt Nam. Người dân bây giờ hầu như cứ dùng tràn lan, đâu đâu cũng có hàng Trung Quốc.
Điều mà chị Quỳnh Trang phản ánh có lẽ cũng là những lo ngại của nhiều hãng xưởng khi thấy hàng hóa trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu, cuộc chiến không cân sức với hàng Trung Quốc có thể “tiêu diệt” nền sản xuất nội địa, rồi từ đó, Trung Quốc thả sức “tung hoành” biến Việt Nam vốn đã lệ thuộc nay trở thành “sân sau” tiêu thụ hàng hóa do họ kiểm soát chất lượng.
Quay lại với câu hỏi tại sao Việt Nam bị Trung Quốc khống chế trên lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, bà Phạm Chi
Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010.
Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010. Courtesy baocongthuong.com.vn
Lan, chuyên gia kinh tế từng cho chúng tôi biết nguyên nhân Trung Quốc thường dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam:
Doanh nghiệp Việt Nam lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu, cuộc chiến không cân sức với hàng Trung Quốc có thể “tiêu diệt” nền sản xuất nội địa
Thực tế là năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trên một loạt lĩnh vực là hơn Việt Nam, các sản phẩm cùng chủng loại thường phong phú hơn về mẫu mã và có sự thay đổi rất thường xuyên. Hơn nữa, họ có thể sản xuất với giá thành rất thấp do họ có lợi thế quy mô sản xuất, cũng như khả năng sản xuất tất cả các nguyên nhiên phụ liệu cần thiết và tổ chức sản xuất có hiệu quả cao.
Trong một lần phát biểu với báo chí trong nước, ông Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổng kết “… Chúng ta cứ hình dung 100 đồng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay, chưa tính buôn lậu thì khoảng 55 đồng là nguyên nhiên liệu hàng đầu và trung gian, khoảng 35 đồng là thiết bị máy móc và dưới 10 đồng là hàng thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng trung gian từ Trung Quốc về chỉ có một phần để xuất khẩu, phần còn lại được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa và tiêu thụ ở Việt Nam.”
Qua con số mà T.S Võ Trí Thành đưa ra, có thể thấy chính Việt Nam đã vô hình chung tự biến mình thành nơi trung gian tiêu thụ hàng hóa cho Trung Quốc, điều mà lẽ ra chúng ta vẫn có thể tránh được nếu có các chính sách quản lý nhập khẩu rõ ràng.
Vậy không lẽ chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được “gọng kìm” của Trung Quốc? Câu trả lời có lẽ chỉ có chính các doanh nghiệp Việt Nam và các cấp quản lý vĩ mô trả lời, bởi lẽ khi Việt Nam đã có cam kết hội nhập thì không thể phân biệt đối xử với hàng của Trung Quốc.
Điều mà T.S Võ Trí Thành đề xuất là Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua những chính sách về hỗ trợ nghiên cứu công nghệ, đầu tư… Việt Nam cần có chính sách để thoát khỏi “bẫy thương mại tự do,” nghĩa là Việt Nam không thể chỉ có thể dựa vào lợi thế tĩnh, lao động giá rẻ, mà phải nâng cao trình độ sản xuất của cả nền kinh tế thông qua lực lao động có chất xám và tay nghề cao.

 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-lw-qlty-go-con-chi-10052012061842.html

.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Sự ra đi của các tập đoàn nhà nước

http://danlambaovn.blogspot.com/2012/10/su-ra-i-cua-cac-tap-oan-nha-nuoc.html#.UHiQ7a6qDKR



Vũ Hoàng (RFA) -  Quyết định cắt giảm số lượng các tập đoàn kinh tế có 100% vốn Nhà nước đang được xem là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. 
Tái cơ cấu DNNN 
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hồi đầu tháng trước, phía Bộ xây dựng đề nghị ngừng tổ chức thí điểm hai tập đoàn là Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Như vậy, danh sách chính thức các tập đoàn kinh tế Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đang dừng ở con số 9. 
Tuy thế, cùng với lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, có thể nhận thấy con số này sẽ giảm xuống còn 7, với nhiều nhận định hai tập đoàn khác sẽ bị rút tên là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin). 
Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thì “Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn với một số ít hơn các tập đoàn” trong khi đó, các đơn vị khác sẽ được tổ chức lại, trao quyền trực tiếp cho các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp, điều này có thể quy định rõ hơn trách nhiệm cho từng bộ ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước. 

Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội bị phá hủy để xây mới ngày 25 tháng 11 năm 2007 gây lãng phí rất lớn. AFP photo
Mặc dù trên thực tế, số lượng các tập đoàn kinh tế có thể đạt được đúng như chỉ tiêu Chính phủ đề ra là chỉ còn từ 5 – 7 tập đoàn gồm các đơn vị lớn và quan trọng với quốc kế dân sinh, như dầu khí, điện lực, viễn thông…nhưng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc giảm số lượng các doanh nghiệp này phải đi đôi với việc chấp nhận để các doanh nghiệp này vận hành theo cơ chế thị trường, nghĩa là cắt hẳn sự bảo hộ của Nhà nước đối với các đơn vị đó. 
Trong một bài phỏng vấn gần đây được VEF trích lại, T.S Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu từ Viasa Fund tại Hong Kong nhận định chừng nào Việt Nam còn duy trì tập đoàn, tổng công ty thì chừng đó Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục “chạy theo trả nợ.” T.S Alan Phan giải thích rằng kinh doanh của các tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam cũng giống như việc người ta đi đánh bạc không bằng tiền của mình, sinh lời mình hưởng, còn thua lỗ người khác lãnh dùm. 
Ông nói rằng khó để “nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền” khi mỗi ngày, một cá nhân đại diện phải quyết định cả triệu đô la nhưng không phải tiền của mình, người đó không đủ kỹ năng quản trị, không có thời gian giám sát công việc… có lẽ câu nói “đồng tiền liền khúc ruột” không còn đúng đối với phía chính phủ Việt Nam, khi nguồn vốn phân bổ cho nhiều tập đoàn đã bị họ sử dụng sai mục đích, hay những đồng vốn là tiền thuế đóng góp của người dân bị những nhóm lợi ích “xâu xé,” phải chăng câu nói “tiền mất tật mang” xem ra là hợp lý hơn nếu áp dụng vào một số “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam. 
Độc quyền, kém hiệu quả 
Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Photo courtesy of vinabull.com 
Cái sự “tiền mất tật mang” đó vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người, lớn thì có Vinashin, Vinalines, nhỏ thì có Tập đoàn Sông Đà. Vậy đâu là nguồn gốc dẫn đến những câu chuyện thua lỗ của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi, T.S Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam giải thích:

Từ năm 2006 khi chính phủ Việt Nam bắt đầu thí điểm các tập đoàn thì tôi đã đưa ra ý kiến và báo chí Việt Nam có đăng hẳn hoi là việc tập trung vào nguồn lực kinh tế quá nhiều và để cho nhà nước trực tiếp làm là không đúng và chắc chắn là sẽ thất bại. Cái quan trọng nhất không phải tại vì lỗi của Vinashin và không phải lỗi của Vinalines mà lỗi tại đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đường lối ấy của đại hội lần trước nữa đã đặt ra phải xây dựng những tập đoàn như thế, đường lối ấy hết sức là sai lầm. Có thể xây dựng những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh nhưng không phải cách như Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tự làm và dùng nguồn lực của đất nước để tự mình làm. Chính cái đường lối ấy nó dẫn đến Vinashin, Vinalines và nó sẽ còn dẫn đến những đổ bể như thế nữa và đấy là những nguyên nhân chính. 
Quan điểm trên của T.S Nguyễn Quang A cũng có điểm tương đồng với tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” được hai tác giả Tô Trung Thành và Nguyễn Ngọc Anh đề cập đến trong báo cáo Kinh tế vĩ mô “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cấu trúc.”
Theo đó hai tác giả cho rằng chính “tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo” đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực kinh tế tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng. 
Ngoài ra, bản báo cáo này cũng nhắc đến việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn làm công cụ điều tiết vĩ mô sẽ là thiếu cơ sở vì nó tạo ra sự độc quyền, kém hiệu quả, giá cả bị bóp méo và đầu tư ngoài ngành tràn lan, đồng thời đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để các cá nhân lợi dụng. 
Phải cải cách từ đâu? 
Cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình cùng các giám đốc điều hành khác của Vinashin tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 30/3/2012. AFP 
Câu hỏi đặt ra là cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước, mà cụ thể là cơ cấu lại các tổng công ty 91, tập đoàn kinh tế nên được thực hiện theo hướng nào, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận xét:
Một là không thể cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu không cải cách chính bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là cái đã đẻ ra chủ trương, đã đứng ra cho phép các doanh nghiệp hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ thì doanh nghiệp ấy trước đó phải có người cho phép lập ra, rồi phải có người cho phép vay vốn nước ngoài, bây giờ không trả được nợ thì phải lấy ngân sách nhà nước ra để mà trả. 

Tôi nghĩ rằng hiện nay đã hình thành lợi ích nhóm giữa một số quan chức nhất định nào đấy trong bộ máy nhà nước với một số quan chức trong doanh nghiệp nhà nước, và những người này họ không muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách mạnh mẽ và có hiệu quả. Họ vẫn muốn có sự can thiệp mặc dù Việt Nam từ rất lâu đã yêu cầu là phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước tức là quản lý bằng pháp luật, quản lý đối với mọi công dân, đối với mọi doanh nghiệp, với chức năng quản lý của chủ sở hữu và quản lý của bộ và bộ quản lý ngành. 
Có thể nói qua những gì T.S Lê Đăng Doanh phân tích thì chính những “nhập nhằng” giữa vai trò quản lý và vai trò làm kinh tế của Nhà nước đang tạo ra những kẽ hở, sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong hệ thống “xương sống của nền kinh tế.”
Nhìn vào con số tổng kết tính đến tháng 9 năm ngoái, số dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước là hơn 415,000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa số nợ này đã thuộc về 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (chiếm xấp xỉ 218,000 tỷ đồng), bản thân PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phải thừa nhận nhiều tập đoàn “đã bị phá sản về mặt kỹ thuật.” 
Đề án cơ cấu và sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ còn được thực hiện trong một vài năm sắp tới, việc giữ lại những tập đoàn chính nhằm đảm bảo quốc kế dân sinh sẽ là hợp lý và hiệu quả hơn nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh tế đơn thuần, khi không có các mục tiêu chính trị, lợi ích cá nhân đan xen và hi vọng câu nói “cạnh tranh là nguồn gốc của sự phát triển” sẽ được hiểu đúng nghĩa và đúng chỗ.
2012-10-11 
 
 
.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Sự thất bại của mô hình Tập đoàn kinh tế

http://caunhattan.net/2012/10/05/su-that-bai-cua-mo-hinh-tap-doan-kinh-te/

TS Nguyễn Quang A – Giải pháp cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là chúng phải thuộc quyền quản lý của một Công ty quản lý tài sản quốc gia, thực hiện quản lý DNNN như một ông chủ tư nhân, Công ty này hoạt động theo một luật riêng do QH đưa ra, có trách nhiệm giải trình trước CP, trước QH và quan trọng nhất là trước công chúng. TS Nguyễn Quang A trao đổi với Lao động xung quanh việc 2 Tập đoàn VNIC và HUD kết thúc mô hình tập đoàn.


PV: Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD)đã kết thúc hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế. Thưa TS, đây là một biểu hiện cho thấy sự thất bại của mô hình tập đoàn kinh tế? Hay đây là vấn đề quản lý tập đoàn?
TS Nguyễn Quang A: Đây là thất bại của mô hình tập đoàn (TĐKT), nói trắng ra là sự thất bại mô hình Thủ tướng chủ quản, để trở lại mô hình Bộ chủ quản dù cả 2 cơ chế đều dở cả. Từ năm 2006, tôi đã có ý kiến đặt vấn đề sự hợp pháp hay không của mô hình, và dự đoán thế nào mô hình này cũng thất bại. Tất nhiên, sự thất bại của HUD và VNIC có nguyên nhân từ việc quản lý, nguyên nhân này cũng lớn nhưng không phải là nguyên nhân chính.

PV: Thiếu sự cạnh tranh phải chăng là nguyên nhân chính cho sự thất bại của VNIC, của HUD nói riêng và mô hình DNNN nói chung, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Tập đoàn là việc học tập theo kiểu sao chép các mô hình TĐKT từ những năm 60 thế kỷ trước của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản là TĐKT Nhật, Hàn đều là những công ty tư nhân phải cạnh tranh. Yếu tố tư nhân khiến các TĐKT Nhật, Hàn có động lực về lợi nhuận, động lực phát triển rất lành mạnh. Và điều quan trọng là chúng phải cạnh tranh, cả trong và ngoài nước. TĐKT Việt Nam thì không những không phải cạnh tranh mà còn “được” ràng buộc bởi ngân sách mềm. Thiếu vốn thì được cấp vốn. Nợ nần thì được khoanh, giãn nợ. Thua lỗ thì được “tái cơ cấu”. Sai thì được sửa. Điều này tạo cho TĐKT tư tưởng, suy nghĩ luôn có thể nhờ vả. Nói hình tượng, nó giống với đứa con hư của một nhà trọc phú.
Về lý thuyết, DN sẽ không hiệu quả khi không phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách mềm. Lý thuyết này người ta đã viết thành sách từ 50 năm nay và cũng được kiểm chứng cả nửa thế kỷ rồi.
Tất nhiên, ngay cả khi có cạnh tranh lành lạnh, bị ràng buộc ngân sách cứng thì cũng chưa đủ cho đảm bảo cho DNNN hoạt động hiệu quả. Chúng vẫn có thể thất bại vì nếu vấn đề quản lý kém. Nếu DN không những ít bị áp lực cạnh tranh, có ràng buộc ngân sách mềm và cùng với quản lý kém thì thất bại là dễ hiểu (có DNNN phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách cứng có thể hoạt động hiệu quả, thí dụ điện thoại di động).
Về mặt thực tế, từ 10-15 năm trước người ta phản đối mạnh cơ chế bộ chủ quản, Bộ vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý ngành dọc. Đây là cơ chế không hay vì tất cả quan chức đi làm kinh tế trong khi động lực của họ là động lực chính trị chứ không phải động lực kinh tế. Bộ chủ quản tức cơ quan hành pháp lại đi làm kinh tế, nên hỏng từ gốc. Nhưng thà để TĐKT chuyển về mô hình bộ chủ quản, vì dẫu sao chúng còn chịu sự quản lý của Bộ, hơn là mô hình TĐKT khi chức năng giám sát kiểm tra quản lý của các Bộ khác bị vô hiệu hóa.

PV: Thưa TS, vấn đề tái cơ cấu DNNN đang được bàn thảo tại Hội nghị TƯ 6, DNNN cần quản lý thế nào để chúng thực sự mang lại hiệu quả?
TS Nguyễn Quang A: Muốn giải quyết cần có một Công ty quản lý tài sản quốc gia, thực hiện quản lý DNNN như một ông chủ tư nhân, hoạt động theo một luật riêng do QH đưa ra, có trách nhiệm giải trình trước CP, trước QH và quan trọng nhất là trước công chúng. Tại sao nhà nước phải nắm các DN xây dựng, xi măng, dệt may? Theo tôi, những gì Nhà nước không cần phải nắm thì cần tư nhân hóa một cách triệt để. Bởi tư nhân hóa không có nghĩa là giao, mà là bán một cách sòng phẳng cho tư nhân, đưa tiền vào kho bạc để NN trả nợ, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế. Những gì Nhà nước nắm thì cũng phải buộc các DNNN thực hiện như DN tư nhân. Ông chủ làm đúng chức năng ông chủ. Cơ bản nhất là cơ chế để DNNN phải cạnh tranh, thậm chí thôn tính nhau, bởi chỉ có cạnh tranh mới có thể tạo ra động lực và phải buộc chúng đối mặt với ràng buộc ngân sách cứng.

PV: Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn hôm qua đã đánh giá: Việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn này “khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy”. Trong bối cảnh “Quan hệ sản xuất đi trước một bước nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công? Vấn đề là tính thời điểm, thưa ông?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một cách nhìn khó có thể thấy rõ được nguyên nhân thất bại của mô hình nói chung, chứ không phải chỉ 2 TĐKT này. Việc phát triển thành TĐKT là quá trình phát triển tự nhiên của DN, quá trình này phải gắn kèm với phát triển quy mô và đào tạo nhân lực, chứ không thể Nhà nước muốn ép thế nào cũng được. Muốn gọi là gì thì gọi, nhưng đó là việc của DN chứ không phải của Chính phủ.

PV: Phát biểu trước QH, ĐBQH Lê Thị Nga đánh giá: Ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm mô hình TĐKT trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế. Ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, ngay cả khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới được thành lập. Phải chăng Chính phủ đã quá nóng vội, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Nếu xét thêm quan điểm kinh tế- chính trị học điều này không khó lý giải. Chính phủ muốn tạo ra các quả đấm, muốn nắm được nhiều quyền lực kinh tế càng tốt. Về phía DN, họ cũng muốn thuộc quyền Thủ tướng để có tiếng nói, có nguồn lực…Vấn đề đáng lẽ phải có sự kiềm chế, giám sát, kiểm soát và cân bằng chứ không thể để quyền lực kinh tế tập trung như vậy. 13 TĐKT hiện nay chiếm bao nhiêu nguồn lực quốc gia, bao nhiêu tín dụng, bao nhiêu đất đai. Chắc ½ của DNNN rồi.

PV: Thưa TS, mô hình Ban KT TƯ đang được xúc tiến tài lập, liệu đây có phải là một kênh kiểm soát hữu hiệu?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một mô hình “đặc thù Việt Nam” dù trên thế giới, đảng nào cũng có bộ phận nghiên cứu kinh tế. Theo tôi, nếu lập lại mô hình này và nó hoạt động tốt sẽ tạo ra được một kênh kiểm tra, giám sát, và như thế sẽ tốt hơn là không có nó. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ là một Ban của Đảng, không có quyền kiểm tra, giám sát, đề xuất thì việc thành lập cũng vô nghĩa.
Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Quang A


Đào Tuấn (thực hiện)
http://anhbasam.wordpress.com/2012/10/05/1290-su-that-bai-cua-mo-hinh-tap-doan-kinh-te/

.

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

"Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường

http://vn.news.yahoo.com/


"Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, một cá nhân đã sở hữu nhiều hơn số vốn theo quy định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng. Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chức năng đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các hành vi thâu tóm" - đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo chiều 5.9 tại Hà Nội.


Sacombank, ngân hàng bị “sáp nhập” trên thị trường tài chính VN trong thời gian vừa qua - Ảnh: Diệp Đức Minh

Không chỉ thâu tóm ngân hàng (NH), "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn.

Quyền lực giấu mặt
 

Bản chất của tội phạm thâu tóm ngân hàng
Trao đổi với báo chí về khái niệm tội phạm thâu tóm NH trong cuộc họp báo ngày 5.9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định đó chỉ là cách nói, còn bộ luật Hình sự không ghi chính xác câu chữ loại tội phạm này. Tuy nhiên, bản chất của tội phạm thâu tóm NH nằm trong quy định tội kinh doanh trái phép, đầu cơ... Tội này theo ông Đam có thể nhằm mục tiêu thâu tóm các NH trái pháp luật.

Nhằm tránh việc cá nhân sở hữu NH dẫn đến thao túng, gây đổ vỡ như đã từng xảy ra ở một số nước trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, luật Tổ chức tín dụng quy định, cá nhân sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ trong một NH. Với tỷ lệ này, có thể khẳng định, không cổ đông cá nhân nào có thể "sai khiến" NH. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều NH thương mại cổ phần (TMCP) hiện nay là "sân sau" của những cổ đông lớn.

Làm thế nào để các cá nhân này sử dụng NH như một công cụ rót vốn cho những dự án, những phi vụ riêng của mình, để thực hiện các vụ thâu tóm với lượng vốn khổng lồ như đã xảy ra trong thời gian qua? Đó là vì họ đã gián tiếp sở hữu NH. Cụ thể, "chẻ nhỏ" tỷ lệ sở hữu bằng cách chuyển sang một công ty đầu tư tài chính do họ lập ra. Công ty này mua CP của NH và trở thành cổ đông lớn của NH. Đây là con đường đưa các cá nhân trở thành cổ đông lớn, thậm chí là ông chủ của NH. Điều này lý giải vì sao, rất nhiều cá nhân có quyền lực cực lớn trong NH dù tỷ lệ sở hữu trực tiếp rất nhỏ.

Sau khi hoàn tất việc trên, các công ty đầu tư tài chính sử dụng NH như một công cụ rót vốn vào "sân sau" của họ thông qua các hợp đồng cho vay ủy thác (Thanh Niên đã có bài Bí ẩn khoản phải thu khác phân tích về vấn đề này). Đặc biệt, các công ty này tiếp tục đi mua CP ở các NH khác, rồi lại lập ra công ty đầu tư tài chính để sử dụng vốn của các NH này qua con đường ủy thác đầu tư... Cứ như vậy, "ma trận" sở hữu rối rắm này tạo thành các "vòi bạch tuộc" có sức mạnh tài chính cực lớn để thực hiện việc thâu tóm, nắm quyền kiểm soát ở các NH, các doanh nghiệp khác.



 


Không chỉ thâu tóm ngân hàng, "vòi bạch tuộc" còn vươn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản... "Ma trận" sở hữu chéo tạo ra những cuộc thôn tính đình đám nhưng "ông chủ" thật sự luôn bí ẩn



Đơn cử như trong vụ sáp nhập NH Sacombank cách đây vài tháng, các cổ đông lớn gồm Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Exim và ông Trần Phát Minh chỉ lộ diện khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có văn bản xử phạt hành chính. Điều đáng nói là quan hệ chằng chịt của 3 cổ đông này.

Ông Trần Phát Minh trước đó là Phó chủ tịch HĐQT của Eximbank nhưng cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu. Công ty Sài Gòn Á Châu cũng mua CP của Eximbank dù theo giấy phép kinh doanh, công ty này không có lĩnh vực đầu tư tài chính. Rồi ông Minh và Sài Gòn Á Châu cùng Eximbank đi “sáp nhập” Sacombank và hiện tại, ông Trần Phát Minh là Chủ tịch HĐQT của NH TMCP Kiên Long. Rõ ràng, nhờ sở hữu chéo, họ đã dồn phiếu cho một người để làm một cuộc “sáp nhập” thành công. Việc này thể hiện rõ nhất, quyền lực trung gian của các công ty đầu tư tài chính. Hay nói chính xác là quyền lực của chính các ông chủ công ty này, quyền lực cá nhân của họ ở các NH.

Thao túng vàng, bất động sản
 

Gây rối loạn thị trường
Theo một chuyên gia tài chính, không chỉ NH mà hầu như các tổng công ty nhà nước đều có loại hình công ty đầu tư tài chính để quản lý phần vốn của các công ty con bên dưới, thậm chí khi CP hóa họ cũng không bàn giao vốn về cho SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) mà vẫn giữ để quản lý vốn của các công ty con. Do không bị quản lý bởi bất cứ luật chuyên ngành nào nên các công ty này đầu tư bừa bãi, thiếu hiệu quả, gây rối loạn thị trường. Điển hình nhất là vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới bắt nguyên Giám đốc và Trưởng phòng Tín dụng của Công ty TNHH MTV Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước... ” do đầu tư thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành và nợ ngập đầu. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy, các công ty đầu tư này được thành lập nhan nhản. Nếu không nhanh chóng có giải pháp thì hậu quả khó lường.

Không dừng lại ở thị trường tài chính, các công ty đầu tư tài chính này đã và đang vươn "vòi bạch tuộc" sang thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản. Liên tục mấy năm gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều thời điểm, giá vàng trở nên điên loạn và câu hỏi "ai thao túng giá vàng" chỉ được trả lời chung chung, đó là giới đầu cơ. Nhưng giới đầu cơ nào đủ vốn, đủ tiềm lực để xoay chuyển giá trên thị trường khi mỗi phiên có tới vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượng vàng được giao dịch? Chỉ có công ty đầu tư tài chính với nguồn vốn cực lớn nhờ sự "bơm" vốn từ phía sau của các NH mới đủ sức làm việc này.

Mọi chuyện càng rõ ràng hơn sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thì 3 công ty mà ông trùm này sở hữu đều có hoạt động liên quan đến bất động sản, du lịch và vàng bạc đá quý. Hệ quả của sự thao túng này là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1-3 triệu đồng gây rủi ro cho người mua; tạo những cơn khan hiếm giả khiến NHNN phải cho nhập khẩu vàng dù lượng vàng trong nước rất lớn, áp lực lên thị trường ngoại tệ từ việc nhập khẩu vàng... Sự rối loạn này đã tạo ra những cơ hội kiếm lợi cực lớn cho các công ty này.


Tương tự đối với thị trường bất động sản. Một chuyên gia đang thực hiện xử lý bán tài sản thế chấp cho một số NH cổ phần tiết lộ, rất nhiều dự án thế chấp là từ các công ty đầu tư tài chính. Các công ty này cho vay dự án thông qua nguồn vốn ủy thác của NH. Sau đó họ lại mang chính các dự án này quay trở lại thế chấp NH lấy vốn mua CP ở các dự án khác. Rồi lại lấy "dự án khác" thế chấp để vay tiếp... Nên một phần không nhỏ nợ xấu của các NH cổ phần hiện nay là từ các công ty tài chính. Đó là lý do, các NH đã và đang tạo áp lực mua nợ xấu, thực chất là giải vây cho chính các ông chủ của họ. "Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng các công ty đầu tư tài chính sử dụng vốn ủy thác từ NH, mua CP và làm chủ các công ty một cách dễ dàng" - chuyên gia này nói.

Công ty đầu tư tài chính này "đẻ" ra công ty khác, công ty khác liên kết với NH này, doanh nghiệp nọ... để tiếp tục sản sinh ra các công ty cháu, chắt. “Vòi bạch tuộc” sở hữu này càng dài, càng chồng chéo thì vốn từ các NH chảy ra qua đường này càng lớn, các thương vụ thâu tóm, lũng đoạn càng nhiều. Nếu phanh phui tất cả nguồn vốn đã chảy theo hệ thống chân rết "sân sau" nói trên, vốn thực sự của các NH còn lại bao nhiêu? Đây là vấn đề cần được làm rõ nếu thực sự muốn tái cấu trúc hệ thống NH.

3 loại sở hữu chéo đáng lo ngại trong Ngân hàng
1. Sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NH TMCP: Hiện có gần 8 NH TMCP có quan hệ CP với 5 NHTM nhà nước. Tiêu biểu là Vietcombank hiện đang sở hữu 11% tại NH Quân đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương Đông, 5,3% tại NH Sài Gòn.
2. Sở hữu lẫn nhau giữa các NH TMCP: Hiện tượng này khá phổ biến ở Việt Nam. Hiện có ít nhất 6 NH TMCP có cổ đông là một NH TMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại NH Việt Á.
3. Sở hữu NH TMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NH TMCP. Hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NH TMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NH có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.
Nguồn Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nguyên Hằng