Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Thị trường Việt Nam sẽ là “bãi phế thải” của Trung Quốc?

2012-10-05
Ngoài thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng bị nới rộng, thì chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước này bấy lâu vẫn bị xem là không đạt tiêu chuẩn và ngầm ý phá hoại nền sản xuất nội địa Việt Nam, thế nhưng vì sao hiện tượng này vẫn dai dẳng diễn ra và hệ lụy của nó là gì?
RFA file/tuanvietnam.net
Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam

Tải xuống - download
Mặc dù trong 9 tháng đầu năm, tính trung bình, Việt Nam xuất siêu được hơn 30 triệu đô la, nhưng việc nhập siêu chỉ với riêng thị trường Trung Quốc lại lên tới 11,3 tỷ đô la. Nếu tính riêng lượng hàng từ Trung Quốc, Việt Nam đã nhập gần 21 tỷ đô la, chiếm xấp xỉ 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, vượt cả mục tiêu của năm 2015.
Ngày càng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Đây quả là một điều bất lợi và đáng lo ngại, bởi theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc lớn hơn vào thị trường Trung Quốc “lệ thuộc đầu vào đã là bất lợi và nhập siêu lớn từ một thị trường lại càng bất lợi hơn.” Nhất là nếu nhìn vào cơ cấu mặt hàng thì Việt Nam nhập khẩu đến 2/3 nguyên phụ liệu cho sản xuất như dệt may và nhiều mặt hàng khác để phục vụ sản xuất trong nước từ máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại và các thiết đi kèm cho tới máy tính, sắt thép… đáng chú ý là trong những mặt hàng này, thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 10%, đứng thứ 5 về kim ngạch nhập khẩu, trong khi thép trong nước thì tồn kho hàng trăm ngàn tấn, riêng mặt hàng điện thoại và các linh kiện thì trong nửa đầu năm nay tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kính mát giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Coach, Dior đều nguồn gốc từ Trung Quốc với giá vô cùng rẻ.
Kính mát giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Coach, Dior đều nguồn gốc từ Trung Quốc với giá vô cùng rẻ.
Nhận xét về những nghịch lý này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, không khỏi lo lắng:
Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm máy móc về
T.S Lê Đăng Doanh
Quan hệ thuơng mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thuỷ sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm máy móc về. `Điển hình là Việt Nam xuất cao su sang Trung Quốc rồi nhập vỏ và ruột xe. Tình hình này không những làm các nhà chuyên môn mà trong đông đảo nhân dân rất lấy làm lo ngại.
Những gì T.S Lê Đăng Doanh không chỉ khiến người ta lo ngại về bản chất của chuyện giao thương hai chiều như một sự khai thác tài nguyên rồi xuất sang Việt những thành phẩm, kiểm soát thị trường Việt Nam từ A - Z. Điều khiến người ta quan ngại hơn lại là chất lượng của hàng nhập về từ Trung Quốc. Theo nhận xét của các chuyên gia thì Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các loại hàng kém chất lượng và câu chuyện Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ “thượng vàng hạ cám” của Trung Quốc vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ từ bấy lâu nay.
Trong một phân tích được tờ Tiền phong Online trích dẫn hôm 3/10, T.S Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang tạo ra 2 mối nguy cho Việt Nam: trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng, thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ của họ.
Báo chí cả trong nước lẫn quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: gạo giả, sữa bột giả, trứng giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu, thịt đông lạnh hư thối… cho tới cả tiền giả đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách âm ỉ và có hệ thống.
Với lợi thế giá rẻ và không bị ràng buộc về mặt chất lượng, nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây “Made in China” được nhập về Việt Nam một cách thoải mái qua con đường tiểu ngạch, tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 1,000 tấn trái cây
Một cửa hàng ở Hà Nội bán toàn đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc. RFA photo
Một cửa hàng ở Hà Nội bán toàn đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc. RFA photo
được nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn.
Nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ của họ.
T.S Nguyễn Minh Phong
Cuộc chiến không cân sức
Trao đổi với chúng tôi, chị Quỳnh Trang một chuyên viên phân tích thị trường ở Hà Nội cho biết những gì diễn biến hàng ngày tại Việt Nam:
Tôi thấy là Trung Quốc cái gì cũng có và cái gì cũng có thể làm giả được, từ những cái nhỏ nhặt nhất như cái tăm, sợi chỉ, hay những thứ lớn hơn như kiểu xe cộ, đồ ăn thức uống, hay là quần áo, giày dép, túi xách… từ những cái rẻ tiền nhất, những thứ bình dân, hoặc họ có thể làm nhái, làm giả, những thứ cao cấp, đắt tiền hơn để bán cho những người tầng lớp cao cấp hơn. Rất là rẻ, rẻ hơn so với những cái thực chất hay hàng nhập từ các nước khác, hoặc hàng Việt Nam. Người dân bây giờ hầu như cứ dùng tràn lan, đâu đâu cũng có hàng Trung Quốc.
Điều mà chị Quỳnh Trang phản ánh có lẽ cũng là những lo ngại của nhiều hãng xưởng khi thấy hàng hóa trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu, cuộc chiến không cân sức với hàng Trung Quốc có thể “tiêu diệt” nền sản xuất nội địa, rồi từ đó, Trung Quốc thả sức “tung hoành” biến Việt Nam vốn đã lệ thuộc nay trở thành “sân sau” tiêu thụ hàng hóa do họ kiểm soát chất lượng.
Quay lại với câu hỏi tại sao Việt Nam bị Trung Quốc khống chế trên lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, bà Phạm Chi
Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010.
Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010. Courtesy baocongthuong.com.vn
Lan, chuyên gia kinh tế từng cho chúng tôi biết nguyên nhân Trung Quốc thường dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam:
Doanh nghiệp Việt Nam lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu, cuộc chiến không cân sức với hàng Trung Quốc có thể “tiêu diệt” nền sản xuất nội địa
Thực tế là năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trên một loạt lĩnh vực là hơn Việt Nam, các sản phẩm cùng chủng loại thường phong phú hơn về mẫu mã và có sự thay đổi rất thường xuyên. Hơn nữa, họ có thể sản xuất với giá thành rất thấp do họ có lợi thế quy mô sản xuất, cũng như khả năng sản xuất tất cả các nguyên nhiên phụ liệu cần thiết và tổ chức sản xuất có hiệu quả cao.
Trong một lần phát biểu với báo chí trong nước, ông Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổng kết “… Chúng ta cứ hình dung 100 đồng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay, chưa tính buôn lậu thì khoảng 55 đồng là nguyên nhiên liệu hàng đầu và trung gian, khoảng 35 đồng là thiết bị máy móc và dưới 10 đồng là hàng thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng trung gian từ Trung Quốc về chỉ có một phần để xuất khẩu, phần còn lại được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa và tiêu thụ ở Việt Nam.”
Qua con số mà T.S Võ Trí Thành đưa ra, có thể thấy chính Việt Nam đã vô hình chung tự biến mình thành nơi trung gian tiêu thụ hàng hóa cho Trung Quốc, điều mà lẽ ra chúng ta vẫn có thể tránh được nếu có các chính sách quản lý nhập khẩu rõ ràng.
Vậy không lẽ chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được “gọng kìm” của Trung Quốc? Câu trả lời có lẽ chỉ có chính các doanh nghiệp Việt Nam và các cấp quản lý vĩ mô trả lời, bởi lẽ khi Việt Nam đã có cam kết hội nhập thì không thể phân biệt đối xử với hàng của Trung Quốc.
Điều mà T.S Võ Trí Thành đề xuất là Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua những chính sách về hỗ trợ nghiên cứu công nghệ, đầu tư… Việt Nam cần có chính sách để thoát khỏi “bẫy thương mại tự do,” nghĩa là Việt Nam không thể chỉ có thể dựa vào lợi thế tĩnh, lao động giá rẻ, mà phải nâng cao trình độ sản xuất của cả nền kinh tế thông qua lực lao động có chất xám và tay nghề cao.

 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-lw-qlty-go-con-chi-10052012061842.html

.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Sự ra đi của các tập đoàn nhà nước

http://danlambaovn.blogspot.com/2012/10/su-ra-i-cua-cac-tap-oan-nha-nuoc.html#.UHiQ7a6qDKR



Vũ Hoàng (RFA) -  Quyết định cắt giảm số lượng các tập đoàn kinh tế có 100% vốn Nhà nước đang được xem là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. 
Tái cơ cấu DNNN 
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hồi đầu tháng trước, phía Bộ xây dựng đề nghị ngừng tổ chức thí điểm hai tập đoàn là Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Như vậy, danh sách chính thức các tập đoàn kinh tế Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đang dừng ở con số 9. 
Tuy thế, cùng với lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, có thể nhận thấy con số này sẽ giảm xuống còn 7, với nhiều nhận định hai tập đoàn khác sẽ bị rút tên là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin). 
Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thì “Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn với một số ít hơn các tập đoàn” trong khi đó, các đơn vị khác sẽ được tổ chức lại, trao quyền trực tiếp cho các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp, điều này có thể quy định rõ hơn trách nhiệm cho từng bộ ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước. 

Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội bị phá hủy để xây mới ngày 25 tháng 11 năm 2007 gây lãng phí rất lớn. AFP photo
Mặc dù trên thực tế, số lượng các tập đoàn kinh tế có thể đạt được đúng như chỉ tiêu Chính phủ đề ra là chỉ còn từ 5 – 7 tập đoàn gồm các đơn vị lớn và quan trọng với quốc kế dân sinh, như dầu khí, điện lực, viễn thông…nhưng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc giảm số lượng các doanh nghiệp này phải đi đôi với việc chấp nhận để các doanh nghiệp này vận hành theo cơ chế thị trường, nghĩa là cắt hẳn sự bảo hộ của Nhà nước đối với các đơn vị đó. 
Trong một bài phỏng vấn gần đây được VEF trích lại, T.S Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu từ Viasa Fund tại Hong Kong nhận định chừng nào Việt Nam còn duy trì tập đoàn, tổng công ty thì chừng đó Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục “chạy theo trả nợ.” T.S Alan Phan giải thích rằng kinh doanh của các tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam cũng giống như việc người ta đi đánh bạc không bằng tiền của mình, sinh lời mình hưởng, còn thua lỗ người khác lãnh dùm. 
Ông nói rằng khó để “nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền” khi mỗi ngày, một cá nhân đại diện phải quyết định cả triệu đô la nhưng không phải tiền của mình, người đó không đủ kỹ năng quản trị, không có thời gian giám sát công việc… có lẽ câu nói “đồng tiền liền khúc ruột” không còn đúng đối với phía chính phủ Việt Nam, khi nguồn vốn phân bổ cho nhiều tập đoàn đã bị họ sử dụng sai mục đích, hay những đồng vốn là tiền thuế đóng góp của người dân bị những nhóm lợi ích “xâu xé,” phải chăng câu nói “tiền mất tật mang” xem ra là hợp lý hơn nếu áp dụng vào một số “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam. 
Độc quyền, kém hiệu quả 
Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Photo courtesy of vinabull.com 
Cái sự “tiền mất tật mang” đó vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người, lớn thì có Vinashin, Vinalines, nhỏ thì có Tập đoàn Sông Đà. Vậy đâu là nguồn gốc dẫn đến những câu chuyện thua lỗ của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi, T.S Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam giải thích:

Từ năm 2006 khi chính phủ Việt Nam bắt đầu thí điểm các tập đoàn thì tôi đã đưa ra ý kiến và báo chí Việt Nam có đăng hẳn hoi là việc tập trung vào nguồn lực kinh tế quá nhiều và để cho nhà nước trực tiếp làm là không đúng và chắc chắn là sẽ thất bại. Cái quan trọng nhất không phải tại vì lỗi của Vinashin và không phải lỗi của Vinalines mà lỗi tại đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đường lối ấy của đại hội lần trước nữa đã đặt ra phải xây dựng những tập đoàn như thế, đường lối ấy hết sức là sai lầm. Có thể xây dựng những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh nhưng không phải cách như Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tự làm và dùng nguồn lực của đất nước để tự mình làm. Chính cái đường lối ấy nó dẫn đến Vinashin, Vinalines và nó sẽ còn dẫn đến những đổ bể như thế nữa và đấy là những nguyên nhân chính. 
Quan điểm trên của T.S Nguyễn Quang A cũng có điểm tương đồng với tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” được hai tác giả Tô Trung Thành và Nguyễn Ngọc Anh đề cập đến trong báo cáo Kinh tế vĩ mô “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cấu trúc.”
Theo đó hai tác giả cho rằng chính “tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo” đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực kinh tế tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng. 
Ngoài ra, bản báo cáo này cũng nhắc đến việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn làm công cụ điều tiết vĩ mô sẽ là thiếu cơ sở vì nó tạo ra sự độc quyền, kém hiệu quả, giá cả bị bóp méo và đầu tư ngoài ngành tràn lan, đồng thời đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để các cá nhân lợi dụng. 
Phải cải cách từ đâu? 
Cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình cùng các giám đốc điều hành khác của Vinashin tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 30/3/2012. AFP 
Câu hỏi đặt ra là cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước, mà cụ thể là cơ cấu lại các tổng công ty 91, tập đoàn kinh tế nên được thực hiện theo hướng nào, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận xét:
Một là không thể cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu không cải cách chính bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là cái đã đẻ ra chủ trương, đã đứng ra cho phép các doanh nghiệp hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ thì doanh nghiệp ấy trước đó phải có người cho phép lập ra, rồi phải có người cho phép vay vốn nước ngoài, bây giờ không trả được nợ thì phải lấy ngân sách nhà nước ra để mà trả. 

Tôi nghĩ rằng hiện nay đã hình thành lợi ích nhóm giữa một số quan chức nhất định nào đấy trong bộ máy nhà nước với một số quan chức trong doanh nghiệp nhà nước, và những người này họ không muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách mạnh mẽ và có hiệu quả. Họ vẫn muốn có sự can thiệp mặc dù Việt Nam từ rất lâu đã yêu cầu là phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước tức là quản lý bằng pháp luật, quản lý đối với mọi công dân, đối với mọi doanh nghiệp, với chức năng quản lý của chủ sở hữu và quản lý của bộ và bộ quản lý ngành. 
Có thể nói qua những gì T.S Lê Đăng Doanh phân tích thì chính những “nhập nhằng” giữa vai trò quản lý và vai trò làm kinh tế của Nhà nước đang tạo ra những kẽ hở, sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong hệ thống “xương sống của nền kinh tế.”
Nhìn vào con số tổng kết tính đến tháng 9 năm ngoái, số dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước là hơn 415,000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa số nợ này đã thuộc về 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (chiếm xấp xỉ 218,000 tỷ đồng), bản thân PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phải thừa nhận nhiều tập đoàn “đã bị phá sản về mặt kỹ thuật.” 
Đề án cơ cấu và sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ còn được thực hiện trong một vài năm sắp tới, việc giữ lại những tập đoàn chính nhằm đảm bảo quốc kế dân sinh sẽ là hợp lý và hiệu quả hơn nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh tế đơn thuần, khi không có các mục tiêu chính trị, lợi ích cá nhân đan xen và hi vọng câu nói “cạnh tranh là nguồn gốc của sự phát triển” sẽ được hiểu đúng nghĩa và đúng chỗ.
2012-10-11 
 
 
.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Sự thất bại của mô hình Tập đoàn kinh tế

http://caunhattan.net/2012/10/05/su-that-bai-cua-mo-hinh-tap-doan-kinh-te/

TS Nguyễn Quang A – Giải pháp cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là chúng phải thuộc quyền quản lý của một Công ty quản lý tài sản quốc gia, thực hiện quản lý DNNN như một ông chủ tư nhân, Công ty này hoạt động theo một luật riêng do QH đưa ra, có trách nhiệm giải trình trước CP, trước QH và quan trọng nhất là trước công chúng. TS Nguyễn Quang A trao đổi với Lao động xung quanh việc 2 Tập đoàn VNIC và HUD kết thúc mô hình tập đoàn.


PV: Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD)đã kết thúc hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế. Thưa TS, đây là một biểu hiện cho thấy sự thất bại của mô hình tập đoàn kinh tế? Hay đây là vấn đề quản lý tập đoàn?
TS Nguyễn Quang A: Đây là thất bại của mô hình tập đoàn (TĐKT), nói trắng ra là sự thất bại mô hình Thủ tướng chủ quản, để trở lại mô hình Bộ chủ quản dù cả 2 cơ chế đều dở cả. Từ năm 2006, tôi đã có ý kiến đặt vấn đề sự hợp pháp hay không của mô hình, và dự đoán thế nào mô hình này cũng thất bại. Tất nhiên, sự thất bại của HUD và VNIC có nguyên nhân từ việc quản lý, nguyên nhân này cũng lớn nhưng không phải là nguyên nhân chính.

PV: Thiếu sự cạnh tranh phải chăng là nguyên nhân chính cho sự thất bại của VNIC, của HUD nói riêng và mô hình DNNN nói chung, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Tập đoàn là việc học tập theo kiểu sao chép các mô hình TĐKT từ những năm 60 thế kỷ trước của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản là TĐKT Nhật, Hàn đều là những công ty tư nhân phải cạnh tranh. Yếu tố tư nhân khiến các TĐKT Nhật, Hàn có động lực về lợi nhuận, động lực phát triển rất lành mạnh. Và điều quan trọng là chúng phải cạnh tranh, cả trong và ngoài nước. TĐKT Việt Nam thì không những không phải cạnh tranh mà còn “được” ràng buộc bởi ngân sách mềm. Thiếu vốn thì được cấp vốn. Nợ nần thì được khoanh, giãn nợ. Thua lỗ thì được “tái cơ cấu”. Sai thì được sửa. Điều này tạo cho TĐKT tư tưởng, suy nghĩ luôn có thể nhờ vả. Nói hình tượng, nó giống với đứa con hư của một nhà trọc phú.
Về lý thuyết, DN sẽ không hiệu quả khi không phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách mềm. Lý thuyết này người ta đã viết thành sách từ 50 năm nay và cũng được kiểm chứng cả nửa thế kỷ rồi.
Tất nhiên, ngay cả khi có cạnh tranh lành lạnh, bị ràng buộc ngân sách cứng thì cũng chưa đủ cho đảm bảo cho DNNN hoạt động hiệu quả. Chúng vẫn có thể thất bại vì nếu vấn đề quản lý kém. Nếu DN không những ít bị áp lực cạnh tranh, có ràng buộc ngân sách mềm và cùng với quản lý kém thì thất bại là dễ hiểu (có DNNN phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách cứng có thể hoạt động hiệu quả, thí dụ điện thoại di động).
Về mặt thực tế, từ 10-15 năm trước người ta phản đối mạnh cơ chế bộ chủ quản, Bộ vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý ngành dọc. Đây là cơ chế không hay vì tất cả quan chức đi làm kinh tế trong khi động lực của họ là động lực chính trị chứ không phải động lực kinh tế. Bộ chủ quản tức cơ quan hành pháp lại đi làm kinh tế, nên hỏng từ gốc. Nhưng thà để TĐKT chuyển về mô hình bộ chủ quản, vì dẫu sao chúng còn chịu sự quản lý của Bộ, hơn là mô hình TĐKT khi chức năng giám sát kiểm tra quản lý của các Bộ khác bị vô hiệu hóa.

PV: Thưa TS, vấn đề tái cơ cấu DNNN đang được bàn thảo tại Hội nghị TƯ 6, DNNN cần quản lý thế nào để chúng thực sự mang lại hiệu quả?
TS Nguyễn Quang A: Muốn giải quyết cần có một Công ty quản lý tài sản quốc gia, thực hiện quản lý DNNN như một ông chủ tư nhân, hoạt động theo một luật riêng do QH đưa ra, có trách nhiệm giải trình trước CP, trước QH và quan trọng nhất là trước công chúng. Tại sao nhà nước phải nắm các DN xây dựng, xi măng, dệt may? Theo tôi, những gì Nhà nước không cần phải nắm thì cần tư nhân hóa một cách triệt để. Bởi tư nhân hóa không có nghĩa là giao, mà là bán một cách sòng phẳng cho tư nhân, đưa tiền vào kho bạc để NN trả nợ, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế. Những gì Nhà nước nắm thì cũng phải buộc các DNNN thực hiện như DN tư nhân. Ông chủ làm đúng chức năng ông chủ. Cơ bản nhất là cơ chế để DNNN phải cạnh tranh, thậm chí thôn tính nhau, bởi chỉ có cạnh tranh mới có thể tạo ra động lực và phải buộc chúng đối mặt với ràng buộc ngân sách cứng.

PV: Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn hôm qua đã đánh giá: Việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn này “khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy”. Trong bối cảnh “Quan hệ sản xuất đi trước một bước nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công? Vấn đề là tính thời điểm, thưa ông?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một cách nhìn khó có thể thấy rõ được nguyên nhân thất bại của mô hình nói chung, chứ không phải chỉ 2 TĐKT này. Việc phát triển thành TĐKT là quá trình phát triển tự nhiên của DN, quá trình này phải gắn kèm với phát triển quy mô và đào tạo nhân lực, chứ không thể Nhà nước muốn ép thế nào cũng được. Muốn gọi là gì thì gọi, nhưng đó là việc của DN chứ không phải của Chính phủ.

PV: Phát biểu trước QH, ĐBQH Lê Thị Nga đánh giá: Ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm mô hình TĐKT trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế. Ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, ngay cả khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới được thành lập. Phải chăng Chính phủ đã quá nóng vội, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Nếu xét thêm quan điểm kinh tế- chính trị học điều này không khó lý giải. Chính phủ muốn tạo ra các quả đấm, muốn nắm được nhiều quyền lực kinh tế càng tốt. Về phía DN, họ cũng muốn thuộc quyền Thủ tướng để có tiếng nói, có nguồn lực…Vấn đề đáng lẽ phải có sự kiềm chế, giám sát, kiểm soát và cân bằng chứ không thể để quyền lực kinh tế tập trung như vậy. 13 TĐKT hiện nay chiếm bao nhiêu nguồn lực quốc gia, bao nhiêu tín dụng, bao nhiêu đất đai. Chắc ½ của DNNN rồi.

PV: Thưa TS, mô hình Ban KT TƯ đang được xúc tiến tài lập, liệu đây có phải là một kênh kiểm soát hữu hiệu?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một mô hình “đặc thù Việt Nam” dù trên thế giới, đảng nào cũng có bộ phận nghiên cứu kinh tế. Theo tôi, nếu lập lại mô hình này và nó hoạt động tốt sẽ tạo ra được một kênh kiểm tra, giám sát, và như thế sẽ tốt hơn là không có nó. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ là một Ban của Đảng, không có quyền kiểm tra, giám sát, đề xuất thì việc thành lập cũng vô nghĩa.
Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Quang A


Đào Tuấn (thực hiện)
http://anhbasam.wordpress.com/2012/10/05/1290-su-that-bai-cua-mo-hinh-tap-doan-kinh-te/

.