Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tái cơ cấu kinh tế: Chưa đào tận gốc vấn đề

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phan-tich-du-bao/tai-co-cau-kinh-te-chua-dao-tan-goc-van-de.nd5-dt.151692.113121.html



Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án này vẫn chưa có nét mới đột phá.
Chưa có điểm mới?
Hơn hai mươi năm trước, chúng ta đã thực hiện cấu trúc lại nền kinh tế để tạo nên sự đổi mới. Tuy nhiên, trong một thế giới liên tục thay đổi, những năm qua nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế. Tái cấu trúc lại được đặt ra với mong muốn tạo nên bước đột phá. Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực canh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020", đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án được hy vọng tạo ra nét đột phá mới nhưng lại chưa thể hiện được gì mới.
Theo ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu Giám đốc Ngân hàng Bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cũng giống như các nước châu Âu, Việt Nam 10 năm qua chạy theo kinh tế ảo với phát triển dựa trên biến động giá cả thị trường, nói cách khác tức là đầu cơ. Điều này gây ra nhiều nguy hiểm, có thể dẫn tới sự suy sụp. Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới đã mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng được cả thế giới đánh giá cao.
"Chúng tôi mong đợi và hy vọng rất nhiều ở Đề án tái cấu trúc nền kinh tế lần thứ 2 này, tuy nhiên mới đây khi Đề án được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra, xem xong, không khỏi thất vọng", ông Phạm Nam Kim nói.
Bởi, đề án tái cấu trúc nền kinh tế với kỳ vọng đột phá mới nhưng thực ra chẳng có gì là mới cả, vẫn đi theo chiều hướng cũ, thiếu quán triệt điểm cơ bản là kinh tế thị trường.
Trong số các ngành sản xuất cần tái cơ cấu, không thấy nói gì đến điện (ảnh Phạm Hải).

Theo ông Kim, trước hết Việt Nam cần phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Điều này rất quan trọng bởi có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh công bằng.
Khi đã có được thị trường đúng nghĩa tức là có "luật chơi" sòng phẳng thì việc tái cơ cấu các ngành nghề như tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đầu tư công... cũng phải thực thi theo "luật chơi" này, có như vậy mới đảm bảo sự đổi mới thực sự.
Đáng tiếc là trong đề án này, các nhà soạn thảo vẫn chưa quán triệt điều này nên chỉ nói: "hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước" mà không coi nó là nền tảng cơ bản để đổi mới nền kinh tế.
Lấy ví dụ về cơ cấu DNNN, hiện nay 60% GDP là do DNNN làm ra. DNNN lại sống nhờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, thị trường được bảo vệ, vốn nhà nước sử dụng thiếu hiệu quả... Quy chế người lãnh đạo DNNN lại do Nhà nước quy định, giống như của một công chức thì dù có thay đổi thế nào đi nữa, cũng không có gì thay đổi, bởi vẫn là tư duy công chức. Mọi việc lại xin quyết định từ trên cao, người thi hành rất thoải mái do không phải là người quyết định, đẩy trách nhiệm lên trên, vì vậy tái cấu trúc phải đặt trọng tâm vào thay đổi là quy chế quản lý DNNN để đảm bảo DN phải tuân thủ "luật chơi" thị trường, không có sự bảo hộ của nơi khác. Muốn vậy, như đã nói, phải xây dựng được thị trường đúng nghĩa của nó đã.

Thiếu mũi nhọn
Ông Kim cho rằng, việc tái cấu trúc các ngành nghề là rất tốt, tuy nhiên hơi dàn trải và không thấy đâu là mũi nhọn của kinh tế đất nước. Kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các quốc gia phải tìm chỗ đứng cho mình. Sẽ không có chỗ đứng nếu không có thế mạnh. Những ngành mà Đề án tái cấu trúc đưa ra lịêu có phải là thế mạnh của Việt Nam và nó đang ở đâu? Tất cả vẫn chưa rõ ràng. Tái cấu trúc các ngành sản xuất phải xét trên thực tế nó có thế mạnh, tạo ra cho đất nước lợi nhuận cao và tăng trưởng bền vững.
Đối với sản xuất,  việc tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh, điều này không có gì là mới cả. Ngay từ năm 1991, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tới 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp với khả năng làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực tự sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Muốn vậy cần phải nhanh chóng rời bỏ mô hình phát triển theo kiểu gia công, đưa vào mô hình kỹ nghệ tiên tiến, đảm bảo tạo ra sự khác biệt với các quốc gia khác. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 20 năm nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô, lao động rẻ, chưa hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh phụ kiện, xuất khẩu tinh, trong khi đó thời gian còn lại quá ít, 8 năm nữa liệu có thể tiến tới làm chủ công nghệ với việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao?  Vấn đề là làm như thế nào để đưa nó trở thành hiện thực mới là quan trọng thì không thấy đề cập đến.
Có thể nói, đề án này sẽ khó thực hiện, nếu có thực hiện cũng không đưa đến một cái gì mới mẻ, không có sự cải cách gì và không đem lại hiệu quả.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, năm 2009, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chuyển Quốc hội Việt Nam 1 tài liệu dày 200 trang về tái cấu trúc nền kinh tế, đến nay trải qua mấy năm rồi tái cấu trúc đến đâu, có làm hay không, không thấy nói đến, nay lại tiếp tục tái cấu trúc. Đề án này khác với trước là nó chỉ có 14 trang, đã tóm gọn không còn dàn trải kể lể mà không có giải thích.
Nhận xét về đề án, ông Thành cho biết, nó vẫn không đặt ra vấn đề phát triển căn bản của nền kinh tế, nó mang tính chất kỹ thuật thì đúng hơn là đề án tái cấu trúc. Ông nhận xét: "Tôi không thấy có một đường hướng cụ thể nào. Chẳng hạn, nếu nói định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải nói định hướng nó là cái gì, phát triển ra sao, trung hạn, dài hạn như thế nào".
Không thấy nêu ra nhưng vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, vậy thì ngân hàng trung ương làm cái gì, sẽ như thế nào, là tổ chức độc lập hay thuộc Chính phủ?
Hay trong số các ngành sản xuất, không thấy nói gì đến điện. Theo tổng sơ đồ điện VII, thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt tổng công suất nguồn phát khoảng 75.000 MW gấp 3 lần hiện nay và đến năm 2030 khoảng 146.800 MW, gấp 6 lần hiện nay mới đủ đáp ứng nhu cầu cả  nước. Thời gian không còn nhiều, vậy có giải quyết được không, cần bao nhiều nguồn tài nguyên, vốn để đáp ứng? Nếu không thực hiện được thì giải pháp như thế nào? Điện không phát triển thì nói gì đến phát triển kinh tế, quan trọng như thế mà không thấy nêu ra.
Với các ngành khác như đóng tàu, thì phải cụ thể nó nằm trong khung công nghệ nào, phần nào là công nghệ cao, phần nào là công nghệ thấp, hướng đi ra sao, đào tạo như thế nào... chưa thấy đề cập đến.
Nói tóm lại, đề án mới chỉ "rờ" tới những cái lá, chưa thấy nói chuyện gốc. Từ gia công đi lên công nghệ cao, từ gia công đến sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đi như thế nào không thấy nói. Có lẽ mới chỉ là kỳ vọng thôi, mà kỳ vọng ảo hay kỳ vọng thật cũng chưa rõ, vẫn còn rất mơ hồ.

(Theo VEF)

Doanh nghiệp Nhà nước đang “chủ đạo” như thế nào?

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/tin-quoc-hoi/doanh-nghiep-nha-nuoc-dang-chu-dao-nhu-the-nao.nd5-dt.151671.113205.html

Các văn kiện của Đảng và Chính phủ một mặt luôn luôn khẳng định rằng mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước.

Trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước được thực hiện qua vai trò chủ đạo của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mà những “đỉnh cao chỉ huy” của hệ thống này là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Một câu hỏi đặt ra là cho đến nay, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang đóng vai trò chủ đạo này như thế nào?

Chiếm nhiều nguồn lực

Để góp phần trả lời câu hỏi trên, người viết sử dụng các nguồn số liệu thống kê chính thức để đánh giá mức độ sử dụng nguồn lực và đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, trong mối quan hệ so sánh với khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Về phương diện sử dụng nguồn lực, theo số liệu thống kê chính thức, tỷ trọng vốn đầu tư và tín dụng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã giảm một cách đáng kể lần lượt từ 57% và 37% trong giai đoạn 2001-2005 xuống 45% và 31% trong giai đoạn 2006-2010.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhưng quan trọng hơn là do khu vực dân doanh đã lớn mạnh không ngừng kể từ Luật Doanh nghiệp 1999 và do dòng vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam cùng với tiến trình Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư và tín dụng theo số liệu chính thức có lẽ chưa thực sự phản ánh đầy đủ thực trạng sử dụng nguồn lực của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Về phương diện đầu tư, nhiều khoản đầu tư của nhà nước cho các doanh nghiệp Nhà nước không nằm trong ngân sách, đồng thời nhiều khoản đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là của các tập đoàn và tổng công ty, được thực hiện qua các công ty con, và do vậy không được phản ánh một cách đầy đủ vào tổng đầu tư của khu vực này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, hàng không, viễn thông, được sử dụng cơ sở hạ tầng từ nguồn đầu tư trực tiếp của nhà nước.

Tương tự như vậy, về phương diện tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước nhận được nhiều tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển trước đây và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay nhưng không nằm trong cơ sở dữ liệu của hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tín dụng dành cho các công ty con, công ty sân sau (kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa) của nhiều tập đoàn và tổng công ty cũng không được thống kê đầy đủ.

Đấy là chưa kể đến một thực tế hiển nhiên là khu vực doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi so với các khu vực còn lại. Cụ thể là doanh nghiệp Nhà nước được nhà nước được cấp đất kinh doanh, hoặc nếu phải thuê thì với mức giá không đáng kể so với giá trị thị trường, sau đó được sử dụng đất thuê để thế chấp vay vốn ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân không có lựa chọn này.

Các doanh nghiệp Nhà nước, với sự hậu thuẫn của Nhà nước, cũng được ưu tiên tiếp cận tín dụng (trong nhiều trường hợp thông qua tín dụng chỉ định) và ngoại tệ khan hiếm với giá thấp hơn giá thị trường.

Đóng góp hạn chế

Mặc dù được hưởng nhiều biệt đãi về phương diện tiếp cận nguồn lực, đồng thời trong nhiều trường hợp được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, nhưng đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cho nền kinh tế lại rất hạn chế, không những thế lại đang trên đà đi xuống.

Đầu tiên, hãy xem xét tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cho GDP, vốn là mục tiêu kinh tế quan trọng nhất trong hệ thống mục tiêu kinh tế của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ thường dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho rằng doanh nghiệp Nhà nước tạo ra khoảng một phần ba GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên điều này chưa hẳn chính xác vì đây là tỷ lệ đóng góp của toàn bộ khu vực nhà nước - trong đó doanh nghiệp Nhà nước chỉ là một bộ phận. Sau khi trừ đi GDP tạo ra từ các hoạt động của khu vực nhà nước nằm ngoài doanh nghiệp Nhà nước (như quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, hoạt động đoàn thể…) thì trong giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung bình chỉ tạo ra khoảng 28% GDP, giảm từ mức 30% của giai đoạn 2001-2005.

So sánh tỷ lệ sử dụng nguồn lực (cụ thể là đầu tư) và đóng góp cho nền kinh tế (cụ thể là GDP) của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh cho thấy hai bức tranh hoàn toàn tương phản. Trong giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP; trong khi đó khu vực doanh nghiệp dân doanh chỉ chiếm 28% đầu tư nhưng lại tạo ra tới 46% GDP.

Tương tự như vậy, đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước vào tăng trưởng GDP đã giảm rất nhanh từ mức 33% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 19% trong giai đoạn 2006-2010, trong khi đó đóng góp của khu vực doanh nghiệp dân doanh tăng từ 45% lên 54% trong cùng thời kỳ.

Nguyên nhân chính của những sự thay đổi này là do tốc độ tăng GDP của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ 7,6% trong giai đoạn 2001-2005 xuống 4,0% trong giai đoạn 2006-2010 - tức là chỉ bằng một nửa so với khu vực dân doanh.

Thứ hai, đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cho ngân sách cũng đi theo xu hướng tương tự. Trong 10 năm trở lại đây tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cho ngân sách quốc gia (ngoài dầu mỏ) trung bình chưa tới chưa tới 20% và ngày một giảm so với chính mình cũng như so với khu vực tư nhân (bao gồm khu vực doanh nghiệp dân doanh và FDI).

Nếu như trong giai đoạn 2001-2005, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 19,6% cho ngân sách, cao gần gấp rưỡi so với khu vực tư nhân, thì trong giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 17,6%, tức là chỉ bằng 4/5 so với khu vực tư nhân.

Thứ ba, về phương diện lao động - việc làm, kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm rất nhanh từ mức 44% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 23% trong giai đoạn 2006-2009.

Không những thế, tỷ lệ tạo ra việc làm mới cũng giảm một cách tương ứng từ -4% xuống -13%, tức là doanh nghiệp Nhà nước không những không tạo ra việc làm mới mà còn cắt giảm lao động, do vậy đặt gánh nặng tạo việc làm mới hoàn toàn trên vai của khu vực tư nhân, chủ yếu là của khu vực dân doanh.

Đã đành việc cắt giảm lao động là hệ quả khó tránh khỏi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhưng nếu doanh nghiệp Nhà nước thực sự ngày một lớn mạnh thì chúng cũng phải có khả năng tạo ra việc làm mới, một yêu cầu tối quan trọng đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh và có lực lượng lao động trẻ dồi dào như Việt Nam để có thể đáp ứng nhu cầu lao động của trên dưới 1,5 triệu lao động mới hằng năm.

Thứ tư, nếu nhìn vào hoạt động sản xuất công nghiệp, lĩnh vực trung tâm trong chiến lược phát triển theo hướng công nghiệp hóa của Việt Nam, thì vai trò của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng hết sức khiêm tốn.

Nếu như vào năm 1995, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước và tư nhân là 50%-50%, thì đến năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn là 25%-75%. Không những thế, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước (theo giá cố định) đã giảm từ 29% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn chưa đến 12% trong giai đoạn 2006-2010. Trong khi đó, đóng góp của khu vực dân doanh tăng từ 34% lên 43% trong cùng thời kỳ.

Thứ năm, có bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp một cách khiêm tốn cho kim ngạch xuất khẩu nhưng lại là tác giả của một tỷ lệ lớn kim ngạch nhập khẩu. Vì các nguồn số liệu chính thức hiện nay không tách bạch số liệu xuất - nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh nên kết quả xuất - nhập khẩu của hai khu vực này chỉ có thể được ước tính một cách gần đúng.

Cụ thể là sau khi trừ dầu thô, than và khoáng sản thì doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo ra khoảng 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về phương diện nhập khẩu, số liệu còn hạn chế hơn nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các dự án lớn như Dung Quất, Vinashin, và những hoạt động thâm dụng vốn và công nghệ (chủ yếu có được nhờ nhập khẩu) của doanh nghiệp Nhà nước thì tỷ trọng nhập khẩu của doanh nghiệp Nhà nước chắc chắn rất cao.

Kết hợp hai thực tế, một là khu vực FDI xuất siêu (nên khu vực trong nước nhập siêu) và hai là kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm dưới 20%, trong khi nhập khẩu rất nhiều, có thể thấy rằng doanh nghiệp Nhà nước là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng nhập siêu ngày một cao ở Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa là một số vấn đề vĩ mô như thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và sức ép giảm giá VND sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không thay đổi chính sách buộc các doanh nghiệp Nhà nước trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn.

Những tính toán và phân tích trên đây cũng phù hợp với một số đánh giá trước đây về hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Theo bài “Đánh giá hiệu quả đầu tư” (2009) của tác giả Bùi Trinh, dù tính theo vốn đầu tư thực hiện nay theo tích lũy tài sản thì hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước cũng cao gấp rưỡi hệ số ICOR chung của toàn nền kinh tế.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong năm 2008, 56/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 15%, tức là thậm chí còn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong năm 2008, là năm có chỉ số CPI trung bình lên tới 20%.

Điều này có nghĩa là nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ thua lỗ.

Tương tự như vậy, theo số liệu của Bộ Tài chính, vào năm 2010, tỷ lệ ROE của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là 16,5% - tức là tương đương với lãi suất vai thương mại phổ biến trên thị trường trong năm ấy. Kết hợp với một thực tế là đến 80% trong tổng lợi nhuận của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đến từ 5 tập đoàn lớn (bao gồm Petro Vietnam, EVN, VNPT, Viettel, và TKV) thì đa số các tập đoàn và tổng công ty còn lại có tỷ lệ ROE thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất thương mại của thị trường.

Đồng thời, cũng có thể lập luận thêm rằng ngay cả khi những tập đoàn và tổng công ty có lãi thì chủ yếu là nhờ vào vị thế độc quyền trên thị trường nội địa hay hàng rào thuế quan cao và/hoặc được trợ cấp bằng vốn, đất đai, hay tài nguyên thiên nhiên rẻ, hay được ưu đãi bằng các hợp đồng béo bở.

Cần bình đẳng với dân doanh

Nói tóm lại, khu vực nhà nước ở Việt Nam hiện chiếm hữu rất nhiều nguồn lực nhưng sử dụng chúng một cách kém hiệu quả, đóng góp rất khiêm tốn cho ngân sách, tăng trưởng GDP, tạo việc làm mới, phát triển công nghiệp, và xuất khẩu.

Trong khi đó, khu vực dân doanh hiệu quả hơn, đang ngày một trưởng thành và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế lại bị chèn lấn, thiếu nguồn lực, và phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Ở một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, luôn luôn khát vốn và có áp lực tạo việc làm mới lớn như Việt Nam thì năng lực sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là những tiền đề thiết yếu để giúp đất nước phát triển. Để đạt được những điều này, theo người viết, đầu tiên cần từ bỏ quan điểm chọn trước một khu vực nào đó là “xương sống” hay “chủ đạo”, bất chấp kết quả hoạt động của khu vực này.

Thay vào đó, Nhà nước cần cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp cho khu vực dân doanh ngày một trưởng thành tương xứng với tiềm tăng và những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế quốc dân.


.

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Tín dụng méo mó

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120405/tin-dung-meo-mo.aspx

Lãi suất cao, có nguyên nhân từ sự méo mó của thị trường tín dụng. 
Lạm phát được coi là nguyên nhân lớn nhất đẩy lãi suất (LS) lên cao. Nhưng ngay cả khi lạm phát giảm, LS vẫn không thể hạ nhiệt.

Do chính ngân hàng
LS cao, một phần do tình hình lạm phát, phần do một số ngân hàng (NH) cạnh tranh đẩy lên cao, châm mồi cho những bất ổn khác. Từ việc một số người sử dụng NH làm cơ sở hợp pháp để huy động vốn cục bộ. Sau đó đưa số vốn này đầu tư vào cổ phiếu, vào thị trường vàng, bất động sản (BĐS), thông qua các DN “gia đình”. Khi các thị trường này gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường BĐS làm cho nợ quá hạn tăng cao dẫn đến NH mất thanh khoản. Châm ngòi cho cuộc chạy đua tăng LS huy động. Việc cạnh tranh LS, làm rối loạn thị trường thể hiện qua nhiều hình thức đối phó với pháp lý. Ví dụ, trên sổ sách kế toán cho thấy khi ký hợp đồng tiền gửi với khách hàng vẫn ở mức 13%-14%/năm, nhưng NH có thể làm hồ sơ để người gửi cam kết không rút ra giữa chừng hoặc với chế độ riêng sẽ được chi thêm 3%-4%. Hoặc NH bù đắp dưới hình thức chủ động chịu phạt vì trả lãi cho người gửi tiền chậm.

Do huy động với LS cao nên cho vay phải cao. Để bù đắp khoản chênh lệch này, NH hợp thức hóa bằng cách người đi vay phải gửi lại cho NH một khoản tiền ít hơn số tiền mà khách hàng vay, với LS thấp đủ để cân đối khoản chênh lệch này.

Việc một số NH tập trung nguồn vốn vào cho vay ở thị trường  liên NH thay vì cung cấp vốn cho DN đã làm cho DN sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn khó tiếp cận được nguồn cung cấp tín dụng từ một số NH. Khi tình hình sản xuất kinh doanh càng khó khăn thì các tiêu chí phê duyệt tín dụng của các NH ngày càng chuyên nghiệp và chặt chẽ hơn, nên nếu DN có vay được cũng phải vay với LS rất cao.



Lãi suất huy động đã về 13%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao - Ảnh: Đ.N.T

"Bóng đen" quyền lực ngầm
Dòng vốn vay lòng vòng trên thị trường liên NH đã tạo điều kiện cho các NH yếu kém đang mất khả năng chi trả thoát khỏi sự kiểm soát đặc biệt của NHNN để được đánh giá xếp loại NH khá, được tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng... Chính vì thế, một số NH càng ra sức dùng những thủ thuật này để đối phó, làm cho thị trường tín dụng méo mó. Ngoài ra một số “ông chủ” NH đã sử dụng quyền hạn của mình để cho các “chiến hữu” vay qua lại lẫn nhau thông qua các “DN gia đình” hàng trăm tỉ, cá biệt có trường hợp cả ngàn tỉ đồng. Một số NH đã không làm đúng chức năng là một kênh huy động vốn của xã hội để đưa vào sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho đất nước, mà lại sử dụng công cụ này để chi phối sự kiểm soát và thôn tính lẫn nhau thông qua việc vay, cho vay qua lại lẫn nhau, để thu gom cổ phiếu ở các DN, các NH mà các thế lực này cần nắm giữ... những biểu hiện đó trên thực tế liệu có hình thành một bóng đen quyền lực ngầm sau hệ thống tín dụng Việt Nam hay không?

Hiện nay tuy LS huy động có giảm, nhưng LS cho vay vẫn ở mức cao, các DN sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn rất khó tiếp cận. Chính việc tập trung nguồn vốn huy động cho vay ở thị trường liên NH đã góp phần đẩy DN sản xuất đang gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn, thậm chí bế tắc. Chẳng khác nào DN bị sẩy chân té xuống giếng, nguồn cung ứng tín dụng cho DN của NH không những không thả được sợi dây để cứu, mà với mức LS cao như hiện nay, như hòn đá ném bồi xuống. Trách nhiệm của NHNN là xây dựng và tạo ra công cụ kiểm soát tính minh bạch của dòng vốn lưu thông trên thị trường, nhưng trên thực tế công cụ kiểm soát của NHNN liệu đã phát huy được vai trò kiểm soát đến đâu?



Ngân hàng lãi “khủng”
 Mặc dù lãi suất cao được xem như yếu tố “hãm” tăng trưởng và lợi nhuận của các nhà băng khi mà bình quân 70% lợi nhuận ngân hàng đến từ tín dụng, nhưng khép lại 2011, đa số ngân hàng vẫn lãi “khủng”, còn số DN phá sản, đóng cửa cứ tăng lên theo cấp số nhân.


Đồ họa: Hồng Sơn
A.V



Doanh nghiệp “chết” vì lãi suất cao
Theo tổng kết của Cục Thuế TP.HCM, số lượng doanh nghiệp (DN) ngưng nghỉ, DN khai lỗ năm 2011 tăng lên hơn 15% so với năm 2010; tình hình nợ thuế và nợ dây dưa kéo dài có chiều hướng tăng, số nợ xấu không có khả năng thu cũng tăng, điều đáng lo nhất là có những DN trước đây nộp thuế tốt, đề cao chữ tín nhưng cuối năm rồi cũng lâm vào tình trạng nợ thuế. Nhìn chung năm 2011, dù đã thu được số thuế cao hơn so với năm trước nhưng vẫn chủ yếu “nhờ vào” lạm phát; quan trọng là do cơ quan thuế tăng cường quản lý chống gian lận thuế, qua công tác kiểm tra, thanh tra thuế, đặc biệt trong chống chuyển giá, đã góp phần tăng số thu đó.
Những tháng đầu năm 2012 chiều hướng không khả quan hơn; số thu quý 1 năm 2012 so với quý 1 năm 2011 giảm hơn 10%, số DN nợ thuế tăng gần 20% và số nợ khó thu tăng 1,74%. Số DN xin giải thể, ngưng nghỉ tăng lên.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng rõ nhất là bởi sức mua giảm, các chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là trong chi phí tài chính, cơ cấu dòng vốn lưu thông trên thị trường của DN bình quân, vốn chủ sở hữu của DN chỉ chiếm 1/4 trên tổng vốn hoạt động (1 đồng vốn của DN thì cần 3 đồng vốn vay). Nhưng hiện có rất ít DN tiếp cận được ngồn vốn vay của các ngân hàng nhưng nếu có vay được thì cũng với lãi suất rất cao. Trước đây, nguồn tín dụng ngân hàng là trợ thủ cho DN thì nay lại là tai họa vì vay càng nhiều càng chết bởi lãi suất quá cao.

Nguyễn Trọng Hạnh
Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM

Người Việt mua nhà ở Mỹ có dễ dàng?

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120407/nguoi-viet-mua-nha-o-my-phai-qua-nhieu-tram.aspx

Sự kiện doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM, trở thành người Việt Nam mua cả một thị trấn Buford (Mỹ) cho thấy có một số người Việt tìm kiếm cơ hội mua bất động sản (BĐS) ở Mỹ.

Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe trong việc chuyển tiền ra nước ngoài đã khiến cho việc mua BĐS tại Mỹ diễn ra âm thầm, không chính thức.

Chuyện không bất ngờ
Sau khi biết thông tin hai người Việt mua lại thị trấn Buford với giá 900.000 USD, ông P. (sống tại TP.HCM, có 2 căn nhà tại Mỹ) không tỏ ra bất ngờ lắm, bởi theo ông, không những người Việt mà các nhà đầu tư cá nhân trên thế giới đều muốn mua BĐS tại Mỹ.


Thị trấn Buford đã về tay một người Việt - Ảnh: Reuters 

Tại Mỹ, tùy theo BĐS ở từng bang, có vị trí gần trường học tốt hay không… mà có giá cả dao động từ vài trăm ngàn USD đến cả triệu USD. Đặc điểm của những căn nhà tại Mỹ là nhà thường có diện tích rộng, trong đó sân vườn chiếm diện tích hết ½…

Ở Mỹ, mỗi căn nhà đều có lý lịch rất rõ ràng như đã được xây dựng bao nhiên năm, đã qua bao nhiêu đời chủ, giá bán gần nhất là bao nhiêu, giá thị trường hiện nay là bao nhiêu… Chính vì vậy mà người mua sau lúc nào cũng mua được giá “tầm tầm”.

Trong vài năm trở lại đây (đặc biệt từ năm 2008 đến nay), tình hình kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn nên có thời điểm giá BĐS giảm thấp xuống còn phân nửa, thị trường BĐS không có người mua vì không có ngân hàng cho vay (tại Mỹ, ngươi mua nhà thường vay ngân hàng từ 70-80% giá trị nhà và thực hiện trả góp trong vòng vài chục năm). Chính vì vậy, những người có tiền mặt đi mua BĐS thường gặp nhiều thuận lợi hơn tại Mỹ.


Mua thị trấn khó sinh lời
Một số người trong giới đầu tư BĐS tại TP.HCM tỏ ra khá ngạc nhiên và lấy làm lạ với quyết định của mua thị trấn Buford của doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM.
Theo phân tích của một số người trong giới kinh doanh BĐS, thì đây là thị trấn không có người dân sinh sống, không có đường xe lửa qua nên có hạn chế về giao thông. Mua BĐS ở Mỹ rẻ nhưng bán cũng rẻ, hơn nữa thị trường BĐS vào Mỹ giai đoạn này cũng không mấy sôi động. Do đó việc đầu tư BĐS vào Mỹ thời điểm này không hẳn có lợi khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự hồi phục, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm tại Việt Nam lại đang ở mức cao.
Ông P. còn cho biết, theo ông thì giá BĐS ở Mỹ rẻ hơn ở VN, chẳng hạn một căn nhà tại Việt Nam khoảng 10 tỉ đồng, có thể chỉ khoảng 100m2 nhưng tại Mỹ có thể vài trăm m2, có 7-8 phòng ngủ…

Tuy nhiên, so sánh này cũng chỉ là tương đối bởi nước Mỹ rộng lớn, nhiều bang, nhiều vùng nhà cửa khá thưa thớt, trong khi tại các đô thị VN thì đất chật người đông. Hơn nữa, ở Mỹ mua nhà giá rẻ thì sau này giá bán cũng rẻ theo.

Chuyển tiền mua nhà rất khó
Theo Ngân hàng Nhà nước VN, chỉ cho các cá nhân người Việt chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích sau: học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng; trả các loại phí, lệ phí; trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư; các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Trong trường hợp chuyển tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, phải có giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông P. cho hay, người VN thường mua BĐS tại Mỹ khi muốn định cư, con đi du học… nhưng để có được BĐS ở Mỹ, người Việt phải qua rất nhiều “trạm” như chuyển tiền thanh toán, thuế…, trong đó quy định ngặt nghèo nhất đó là chuyển tiền.

Tại VN, rất khó chuyển tiền cho mục đích mua nhà ở nước ngoài. Theo quy định thì cá nhân phải có dự án cụ thể mới được cơ quan chức năng cho chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, chứ không phải mang tiền mặt như VN. Còn Mỹ lại kiểm soát các dòng tiền rất chặt để chống rửa tiền. Do đó, nếu người Việt không có người thân tại Mỹ thì rất khó có thể mua nhà.

Theo cách trả lời báo chí của doanh nhân Phạm Đình Nguyên, để hoàn thành việc mua thị trấn Buford, sắp tới ông sẽ phải trả 800.000 USD. Nếu người thân của ông Nguyên ở bên Mỹ không có tiền mặt sẵn để cho vay thì ông phải xin giấy phép đầu tư trong vòng 30 ngày để còn kịp chuyển tiền.

Theo ông P., những người mua được nhà tại Mỹ đa số chuyển tiền “chui” hoặc lách dưới hình thức hỗ trợ người thân nhưng khoản tiền chuyển đi rất nhỏ, không thể lên đến vài chục ngàn hoặc vài trăm ngàn bằng giá trị BĐS.

Còn chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền "chui” thì cũng khó hợp thức hóa được nguồn tiền này trong tài khoản tại Mỹ (mua bán BĐS phải thanh toán qua tài khoản), nếu không chứng minh được nguồn gốc tiền, số tiền này có thể bị tịch thu vì Mỹ đã có luật Chống rửa tiền.

Hiện tại, BĐS ở Mỹ cho phép người nước ngoài vào mua để thu hút nguồn vốn, do vậy nhiều ý kiến cũng cho rằng VN cũng nên có những quy định dễ dàng hơn cho người nước ngoài sở hữu BĐS, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay thị trường BĐS VN đang khá trầm lắng. Chính nguồn vốn này rót vào vào sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn, Nhà nước thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.


Một doanh nhân là Tổng giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho biết, cách đây vài năm ông có dịp gặp ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) trong dịp gặp gỡ doanh nhân TP.HCM.
Theo vị Tổng giám đốc này, ông Nguyên còn rất trẻ (khoảng 37 - 38 tuổi) từng học Đại học Kinh tế TP.HCM và từng làm việc ở Coca Cola. Ông Nguyên hiện sống tại TP.HCM nhưng có người thân trong gia đình định cư bên Mỹ.
Công ty của ông Nguyên chuyên về nhập khẩu và phân phối, quy mô vừa, chủ yếu là đại diện phân phối sản phẩm cho các công ty. Theo đánh giá của vị tổng giám đốc này, ông Nguyên là người rất có kinh nghiệm trong phân phối hàng, chủ yếu phân phối mặt hàng hóa mỹ phẩm cho các siêu thị. (Hoàng Việt)

Thanh Xuân

Phá sản vì sống nhờ ngân hàng

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120408/pha-san-vi-song-nho-ngan-hang.aspx


Nguồn vốn tích lũy kém, lệ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng (NH) trong khi lãi suất (LS) quá cao, tiền tệ bị siết... Đó là lý do khi NH lâm bệnh, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đứng bên bờ vực phá sản.

90% doanh nghiệp phụ thuộc 100% vốn NH
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), có nhiều nguyên nhân khiến các DN thủy sản trong nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay, nhưng đáng kể nhất vẫn là việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay NH. Trước đây, các NH đua nhau cho DN thủy sản vay để xây dựng nhà xưởng ồ ạt. Đến khi kinh tế bị khủng hoảng, họ đồng loạt rút vốn về khiến DN lâm vào hoàn cảnh sống không nổi, chết không xong. Ông Minh cũng thừa nhận, trên thực tế hiện có đến 90% các DN chế biến thủy sản VN hoạt động dựa 100% vào nguồn vốn vay NH, từ chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn cố định, vốn lưu động... Do đó, khi NH thu vốn về thì các DN này chỉ còn nước đóng cửa.

Ở lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, "mô hình" chung của các DN hiện nay chỉ có vốn từ 10% - 30%, số còn lại phụ thuộc vào nguồn vay NH và tiền đầu tư của khách hàng. Do đó khi thị trường BĐS bị đóng băng, NH không cho vay thì các DN cũng không có đường xoay xở. TS Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng bên cạnh việc LS chính thức đang cao ngất ngưởng, họ phải chịu thêm từ 3% - 5% LS phi chính thức. Mức LS phi chính thức phụ thuộc vào mối quan hệ của từng DN với NH tùy theo thời điểm cụ thể. Hồi cuối năm 2011, có DN cho biết tổng mức LS cả chính thức và phi chính thức lên đến gần 30%.

Ông Hồ Thanh Hiển, giám đốc một DN sản xuất ngành thép ở TP.HCM cho hay kể từ năm ngoái, công ty ông không tiếp tục vay NH, chấp nhận không đầu tư mới và tập trung vào trả hết các khoản vốn vay trước đó. “Đặc thù của DN sản xuất trong nước là vốn đầu tư vào nhà máy quá lớn, nhập khẩu toàn bộ máy móc thiết bị của nước ngoài với giá cao, đổ vốn xây dựng nhà xưởng cùng phí thuê đất hoặc mua đất xây nhà xưởng đắt đỏ, mua xe vận chuyển hàng hóa... cùng những chi phí xăng dầu tăng, điện tăng... khiến cho việc tích lũy vốn không dễ dàng. Trong khi các nguồn vốn khác như chứng khoán, đầu tư gián tiếp lại vô cùng hạn chế, nên bắt buộc DN trong nước hầu hết phải lệ thuộc vào nguồn vốn của NH”, ông Hiển nói.

Nhiều doanh nhân thú nhận, vấn đề của DN Việt Nam là từng có một thời gian dài đầu tư dàn trải. Vốn tự có chỉ 1 đồng nhưng vay tới 4 đồng để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư vào BĐS... Nhiều DN có cái nhìn ngắn hạn, tích lũy được 30 tỉ đồng đã vội vàng vay 20 tỉ để mua đất đai, đến lúc thị trường đất đai đóng băng không thể thu hồi vốn, không chỉ mất 30 tỉ tích lũy mà còn phải trả nợ cả gốc lẫn lãi vốn NH. Nếu tình trạng này tiếp diễn, trong khi thị trường mở cửa, DN nước ngoài mạnh vốn vào Việt Nam ngày càng nhiều thì sẽ mất hoàn toàn thị trường.

Hậu quả của sự phụ thuộc quá lớn vào vốn NH là hơn 50.000 DN phá sản trong năm 2011 và 12.000 DN ngưng hoạt động trong quý 1 năm nay khi vốn tín dụng bị siết lại và LS quá cao. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao có vốn và vốn rẻ cho DN.



Nguồn vốn vay ngân hàng có vai trò sống còn với nhiều doanh nghiệp trong nước - Ảnh: D.Đ.M
Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp
Không vay được cũng chết mà vay được cũng chết, đó là tình trạng của các DN do tín dụng bị siết chặt và LS quá cao hiện nay. Vì vậy, để giảm LS, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần khống chế chênh lệch chi phí đầu vào - đầu ra và nhà nước cần xem LS là mặt hàng cần bình ổn giá. Đường đi của NH Nhà nước thời gian qua hoàn toàn đúng nhưng thị trường cần các bước đi nhanh hơn. Theo số liệu thống kê đến ngày 20.3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,44% so với cuối năm 2011, tổng số dư huy động tăng 1,56%, còn tổng dư nợ tín dụng liên tục giảm 3 tháng liên tiếp và giảm 2,13% so với cuối năm 2011. Tín dụng giảm thì không có lý do gì giữ LS ở mức cao. Nếu xử lý nhanh các vấn đề như nợ xấu, thanh khoản..., LS huy động giảm được về 10%/năm, lúc đó LS cho vay về khoảng 14%/năm từ tháng 6 trở đi.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học NH TP.HCM lại cho rằng, ngoài việc giảm LS, nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm thuế, tạo ra các thị trường khác để giúp DN tìm kiếm nguồn vốn rẻ. Bản thân các DN cũng cần đa dạng nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng từ NH như hiện nay. Phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng là một kênh phổ biến trong thời gian qua. Ngoài cổ phiếu, các DN hiện nay còn chưa quan tâm nhiều đến việc phát hành trái phiếu vì thời hạn dài. Do đó cần tạo một thị trường giao dịch trái phiếu DN để khi họ mua xong, cần bán thì có thể bán lại được cho người khác để khơi thông nguồn vốn này.


Thâm dụng vốn
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, điểm yếu rất lớn của DN VN và toàn nền kinh tế là “thâm dụng vốn”. Thâm dụng thể hiện ở 2 góc độ, một là sử dụng vốn quá nhiều để tạo ra giá trị hàng hóa, hai là dựa vào vốn vay lớn, với mức vay bình quân có thể lên đến 60% - 70% tổng vốn kinh doanh.
Đối với các nước phát triển, ở đó thị trường vốn phát triển đầy đủ với các kênh huy động vốn đa dạng, uyển chuyển, thì khi DN gặp phải tình cảnh khó khăn từ nguồn vốn NH, họ có thể tiếp cận nhiều nguồn khác như trái phiếu, thuê - mua, tái thế chấp, M&A... của các định chế tài chính như NH đầu tư, công ty thuê mua tài chính, công ty mua - bán nợ, quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm... còn tại VN hiện nay NH thương mại vẫn là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho DN. Do vậy các phương cách tái cấu trúc vốn cho DN VN bị hạn chế rất nhiều, khiến DN Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn khó khăn vốn hiện nay.
Chí Nhân

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Doanh nghiệp nhà nước: “Hư không sợ bị đòn!”

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/doanh-nghiep-nha-nuoc-hu-khong-so-bi-don.nd5-dt.151471.113209.html



Cùng với đúc kết của TS. Nguyễn Đình Cung về doanh nghiệp nhà nước “lời ăn, lỗ dân chịu”, khá nhiều nhận xét mang tính đúc rút tiếp tục được dành cho doanh nghiệp nhà nước, tại một diễn đàn về kinh tế vĩ mô đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Báo cáo mở đầu tại phiên thứ hai về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung khi nói về đặc quyền và lợi thế của các doanh nghiệp này đã phát triển thêm nhận xét của chính mình. Là, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước “lời ăn, lỗ cũng ăn và dân chịu”.

Được mời phản biện tham luận của TS. Cung, TS. Vũ Đình Ánh nhắc lại 5 đặc quyền đặc lợi hay “lợi thế tuyệt đối” điển hình của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam đã được ông Cung khái quát. Đó là không sợ phá sản cho dù thua lỗ kéo dài, hay là “khó có người giúp”; biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, hay là “quyền biến thành tiền”; tận dụng cơ chế xin - cho, hay là “xin có người cho”; ưu đãi tiếp cận vốn tín dụng, hay là “vay không lo trả”; ít bị kiểm tra giám sát, hay là “hư không sợ bị đòn”!

Một số đặc quyền đặc lợi của doanh nghiêp nhà nước, nhất là của tập đoàn, tổng công ty  nhà nước, theo ông Ánh cần được phân tích kỹ hơn như quyền định giá đối với hàng hoá dịch vụ quan trọng (xăng dầu, điện, nước...), quyền “lời ăn, lỗ nhà nước chịu”, quyền tiếp cận đất đai giá “rẻ bất ngờ”, quyền ghi thu ghi chi, nợ thuế, xin bổ sung vốn sau khi làm mất vốn do thua lỗ, quyền “mua đắt bán rẻ” máy móc thiết bị, quyền có thu nhập cao vượt nhiều lần quy định của Nhà nước bất chấp hiệu quả kinh doanh, quyền bổ nhiệm cán bộ không căn cứ vào khả năng trình độ quản lý kinh doanh...

Ông Ánh còn đặc biệt nhấn mạnh việc ôm đồm trong quản lý tập đoàn, tổng công ty, phân cấp quản lý vượt quá khả năng quản lý trong khi không gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo ra tình trạng vừa chồng chéo vừa bỏ trống và “quyền lực ảo” trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Tạm dừng khi thời gian làm việc buổi chiều ngày 8/4 đã hết, song phiên thảo luận cũng đã ghi nhận khá nhiều ý kiến "phê" doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, quan điểm được khá nhiều ý kiến đồng thuận là cần tư duy lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này VnEconomy xin được đề cập sâu hơn ở một bài viết sau.

Đầu giờ ngày thứ hai của diễn đàn, phiên thảo luận về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục sôi nổi với điểm nhấn là phát biểu của "người trong cuộc", Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trần Xuân Hòa.

"Xin phát biểu nhưng hơi lo lắng với cương vị bệnh nhân và tội đồ, có gì không phải mong xá tội", ông Hòa nói.

Nhấn mạnh là không bảo vệ cho tập đoàn, ông Hòa tỏ thái độ ngạc nhiên khi thấy nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế trong việc tiếp cận tài nguyên, đất đai.

Dẫn chứng "phản biện" được ông Hòa đưa ra là mặc dù từ 2008 Thủ tướng Chính phủ đã hai lần có văn bản giao cho tập đoàn chủ trì phát triển công nghiệp titan Việt Nam với 1.500km2 ở  Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa - Vũng Tàu, tập đoàn đã cử không biết bao nhiêu đoàn đi nước ngoài, đối tác muốn cho xem mẫu titan nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép nào, chưa có m2 titan nào, trong khi đó bộ chuyên ngành và địa phương đã cấp hàng ngàn giấy phép về ti tan. Như vậy tập đoàn nhà nước lợi thế thế nào?

Tập đoàn muốn có đất làm văn phòng nhiều khi phải thuê qua tư nhân, ông Hòa nói thêm.

Vị đại diện doanh nghiệp nhà nước duy nhất đăng đàn tại diễn đàn cũng không quên nhấn mạnh rằng "năm nay là năm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp". Ngân hàng đã nói hạ lãi suất nhưng tập đoàn vẫn phải vay đến 18,5% còn nhiều doanh nghiệp khác vẫn trên 20%. Mức đó thì không có doanh nghiệp nào chịu nổi.

Nhiều doanh nghiệp trong các tập đoàn được thông báo thuế sử dụng đất tăng gấp hơn 10 lần, như vậy doanh nghiệp đang khó khăn lại thêm "quả đấm tạ", ông Hòa nói thêm.

Chủ tịch TKV cũng cho biết đã đề đạt với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu được tổ chức hội thảo tại Quảng Ninh (nơi tập đoàn có trụ sở chính), để sau khi các đại biểu xuống hầm lò và lên lộ thiên sẽ cùng nhau trao đổi.

"4-5 năm nữa phải nhập khẩu than, mà một số diễn giả tại hội thảo này vẫn đề nghị không tăng giá, trong khi năm ngoái ngành than bù cho bên điện hơn 5.000 tỷ đồng, và so với giá xuất khẩu là chênh 1 tỷ USD. Nếu không có giá xuất khẩu thì không thể nào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngành than lấy tiền đâu mà đầu tư", Chủ tịch Hòa phát biểu và nhắc lại nguyện vọng "rất muốn có hội thảo ở quảng Ninh".

Không còn thời gian để "tranh luận" với Chủ tịch Hòa, song bên lề hội thảo, có chuyên gia kinh tế đã bình luận rằng, chỉ riêng việc được Chính phủ trao quyền phát triển công nghiệp titan cũng đã là lợi thế rất lớn của TKV.

Sẽ cố gắng thu xếp buổi làm việc tại TKV trước kỳ họp Quốc hội thứ ba vào tháng 5 tới đây, Chủ nhiệm Giàu "hứa" với Chủ tịch Hòa. Đồng thời, kết thúc phiên thảo luận về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vì lý do thời gian, dù vẫn còn khá nhiều đại biểu muốn đăng đàn.

(Theo Vneconomy)

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Kinh doanh vàng: Đã có lối để đi

http://cafef.vn/20120405024646342CA34/kinh-doanh-vang-da-co-loi-de-di.chn

Hoạt động mua bán vàng miếng, sản xuất vàng nữ trang là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động kinh doanh bị hạn chế.
Ngày 03/04, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ đây mọi hoạt động kinh doanh vàng như mua bán vàng miếng, vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng và cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng đều đã có hành lang pháp lý cụ thể.

Vàng tài khoản là hoạt động kinh doanh hạn chế

Từ khi Nghị định quản lý kinh doanh vàng mới chỉ là dự thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị quản lý hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản. Điều này xuất phát từ thực tế có nhiều người là các nhà đầu tư vàng, thông qua các công ty vàng vẫn kinh doanh vàng tài khoản hàng ngày mà chưa có hành lang pháp lý cụ thể. 

Nếu đọc qua có thể thấy nghị định quản lý kinh doanh vàng dường như bỏ qua việc quản lý kinh doanh vàng tài khoản, nhưng thực sự không phải vậy. Các quy định quản lý hình thức kinh doanh vàng truyền thống như mua bán, sản xuất vàng miếng, vàng trang sức được nêu cụ thể tại từng chương còn kinh doanh vàng tài khoản được nêu tại 2 điều. 

Thứ nhất, tại điểm 9, điều 4, Chương  I quy định chung nêu rõ: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6,7,8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấp phép”.

Thứ hai là tại điểm đ, khoản 4, điều 16 nhấn mạnh một lần nữa về trách nhiệm của NHNN sẽ là cơ quan cấp phép cho hoạt động kinh doanh vàng khác khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Như vậy rõ ràng kinh doanh vàng qua tài khoản được xếp vào hoạt động kinh doanh hạn chế và chỉ được thực hiện khi được cơ quan quản lý cấp phép.

Một lãnh đạo NHNN chia sẻ: Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản hiện nay có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cũng như thất thoát ngoại tệ do vậy thời điểm hiện tại NHNN muốn hạn chế hoạt động loại hình kinh doanh này.

Không được kinh doanh vàng miếng qua đại lý ủy nhiệm

Không khác so với dự thảo đã đưa ra từ trước, quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân và tổ chức được công nhận và bảo vệ theo quy định pháp luật, và giao dịch vàng miếng được quy về một mối là các TCTD và doanh nghiệp được NHNN cấp phép . 

Nếu muốn hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế kinh doanh vàng 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3  tình, thành phố trực thuộc trung ương. 

Bằng những điều kiện này, NHNN giảm số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện mua bán vàng miếng xuống chỉ còn vài doanh nghiệp.
 
Với quan điểm quản lý kinh doanh vàng miếng với tính chất tiền tệ, hạn chế biến động bất thường gây bất ổn cho thị trường, Nghị định quy định rõ là các doanh nghiệp hay TCTD không được hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

Có lẽ điều này là rút kinh nghiệm từ quản lý thị trường ngoại hối thời gian trước, khi mà các đại lý ủy nhiệm của các TCTD lợi dụng vị thế là điểm thu đổi ngoại tệ cho ngân hàng đã tạo ra cơn sốt “nóng, lạnh” về tỷ giá.

NHNN có trách nhiệm mua bán vàng miếng trong nước và tổ chức huy động theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ được xếp vào hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên NHNN vẫn sẽ quản lý hoạt động kinh doanh này thông qua thực hiện kiểm tra, thanh tra. 

Kết kim: Phía trước là vực thẳm

https://dudoankinhte.wordpress.com/2012/04/07/ket-kim-phia-truoc-la-vuc-tham/


 Nghị định 24 được công bố ngày 3-4-2012 đã chính thức cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Tác động của nghị định này phải nói là cực kỳ LỚN. Bài viết này của chúng tôi sẽ phân tích vai trò quan trọng của vàng trong nền kinh tế Việt Nam cũng như hệ lụy liên đới sâu xa của nghị định 24 này.
Vàng không chỉ để đầu cơ
Bấy lâu nay, giới báo chí Việt Nam thường xuyên mô tả hiện trạng giá vàng lên xuống thất thường như một điều không hay và đòi hỏi thúc đẩy chính phủ quản lý thị trường vàng mạnh mẽ hơn. Họ quên mất vàng còn có 1 vai trò quan trọng nhất ở Việt Nam như một phương tiện thanh toán song song với tiền đồng.

Căn nguyên của việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là do chính sách điều hành kinh tế kém của chính phủ Việt Nam, có lúc gây lạm phát tới 800% trong thập niên 1980 của thế kỷ 20. Đồng tiền mất giá từng ngày, giá cả có khi thay đổi theo giờ đã khiến người dân chọn một phương tiện thanh toán khác ổn định, giữ giá trong dài hạn là vàng hay USD.

Đồng thời ngoài chức năng là phương tiện thanh toán, vàng còn là nơi tránh bão kinh tế tài chính, suy thoái kinh tế hữu hiệu cho người dân. Liên hệ điều này với thực tế, ta thấy rõ qua biểu đồ giá vàng sau đây:

 

Nhìn trên biểu đồ ta thấy rõ giá vàng tăng cực kỳ cao trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thế nhưng giai đoạn kể từ 2010 trở về sau giá vàng còn tăng khủng khiếp hơn nữa, đã có lúc lên tới 49 triệu đồng/lượng.

Khi kinh tế kém phát triển, người dân sẽ quay ra phòng thủ tài chính bằng cách mua vào vàng còn khi kinh tế phát triển, họ sẽ đổi vàng ra tiền tự đầu tư vào phát triển, sản xuất, làm ra của cải cho xã hội. Đấy là quy luật tự nhiên của nền kinh tế thị trường.

Bằng cách kết kim (cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán), chính phủ Việt Nam đã thủ tiêu đi giá trị của vàng miếng, độc quyền kiểm soát, áp giá vàng duy ý chí, trái quy luật thị trường để có lợi trong việc HUY ĐỘNG VÀNG sắp tới của họ.

Kinh tế sẽ tiếp tục co rút nghiêm trọng
Điểm lại tình hình kinh tế trong nước, ai trong chúng ta cũng thấy rõ tình trạng đình lạm (lạm phát + đình đốn sản xuất) nghiêm trọng tới mức nào. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư thì chỉ trong quý I đã có 12.000 doanh nghiệp phá sản nâng tổng số doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động từ năm 2011 lên con số 200.000, bằng 1/3 tổng số doanh nghiệp tư nhân toàn quốc (Vef, 06/04/2012). Đặc biệt là sức mua đang sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng, chỉ số hàng tồn kho tăng vọt lên tới 34,9% (VnEconomy, 03/04/2012).
Vậy cấm sử dụng vàng làm phương tiện trao đổi có giúp nền kinh tế khởi sắc không? Câu trả lời là KHÔNG.

Tôi xin lấy 1 ví dụ đơn giản cho các bạn dễ hiểu về vai trò phương tiện thanh toán của vàng tại Việt Nam.
Anh A cho anh B vay nóng 1 cây vàng, cuối tháng trả 1 cây mốt. Nay vàng bị cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán thì rõ ràng có một mối nguy lớn là bên cho vay không thể thưa kiện nếu bên mượn quỵt tiền. Mà ở Việt Nam có vô số người làm ăn sử dụng vàng là phương tiện thanh toán như anh A và anh B trên.
Khi trước còn tờ giấy viết tay, nay không còn, do không có giá trị với nghị định mới này, thì phải dùng LÒNG TIN.

Khi trước, cho vay nóng, thì “1 cây lấy cây mốt, sau 1 tháng”. Nay sẽ phải tăng lên, do nguy hiểm cao hơn.
Lãi suất cho vay cao, thì bên đi vay phải (1) có lời nhiều hơn, hoặc (2) không làm.

Họ (1) làm, thì giá hàng hóa phải bán tăng cao, hoặc (2) không làm thì KT sa sút, lại thêm doanh nghiệp đóng cửa, sa thải công nhân.

Nếu bị bắt quá, người ta cho vay bằng VND, thì tiền lời lại càng cao. Từ đó giá hàng hóa càng tăng, bán không được thì dẹp tiệm, lại thêm thất nghiệp.

Việc này sẽ gây ra LẠM PHÁT rất lớn, do nay mấy trăm tấn vàng trong dân chúng đang làm nhiệm vụ của TIỀN MẶT.

Nếu không cho giao dịch bằng vàng, nguời ta sẽ phải giao dịch bằng VND, thì khi đó PHẢI IN RA mấy trăm ngàn ti đồng thế vào số vàng bị rút ra khỏi thị trường.

LẠM PHÁT đang làm dân chúng không có tiền ăn cơm, nhiều sinh viên còn không có nổi 1 gói mì tôm (nói cho oai, làm gì có “tôm” trong đó) lên giảng đường. Công nhân đang đói meo, run rẩy, không làm việc nổi (Vef, 13/03/2012).

Vào lúc này mà rút vàng ra, trám VND vào, thì chuẩn bị LẠM PHÁT tăng mấy chục % ngay sau khi Nghị định này có hiệu lực.

Hiếm tiền mặt sẽ xảy ra trong vài tuần, mà nếu CP VN tung ra thì lại gây lạm phát, mà không tung ra thì lãi suất tăng cao lại cũng gây lạm phát.

KT VN sẽ càng co cụm, lạm phát càng tăng cao, trong các tháng tới đây.

Tương lai ảm đạm
Cả một tương lai ảm đạm của ngành kinh doanh vàng đang mở ra trước mắt. Chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không ngại nói thẳng mục tiêu của họ:

“…Bằng những điều kiện này, NHNN giảm số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện mua bán vàng miếng xuống chỉ còn vài doanh nghiệp…”

Kinh doanh vàng: Đã có lối để đi | Tài chính – Ngân hàng | Cafef
Ngoài ra, còn “Không được kinh doanh vàng miếng qua đại lý ủy nhiệm”, tức là chỉ có tiệm, ví dụ, như của chính Bảo tín Minh châu được mở ra mua bán vàng lá mà thôi, chứ không thể theo kiểu “hợp doanh”, “liên doanh” như trước.

Hồi trước, có nơi tuy là bán vàng SJC, BTMC, v.v… nhưng đó là các nơi lấy hàng về bán.
Nay phải do chính các cty lớn này làm chủ. Các cty không thuộc SJC sau này sẽ chỉ như là đại lý cho SJC mà thôi.

Còn “tiệm vàng” thì dẹp hết, hơn chục ngàn tiệm lớn nhỏ toàn quốc.

Sắp tới, các nơi này chỉ bán vàng của SJC mà thôi, vì thương hiệu này nay là “chính thức”. Các hiệu khác sẽ phải nấu ra đóng hiệu SJC, bằng không thì là loại “bất hợp pháp”.

Như vậy, sẽ chẳng còn cạnh tranh gì nữa, vì cho dù nói là còn “vài doanh nghiệp” nhưng cũng như chỉ còn NHNN độc quyền mua bán, dập vàng ra, xuất nhập khẩu. Tha hồ ra giá mua bán, số lượng, v.v…
Và dân mua vào, chỉ có thể ra đó bán, chứ bán bên ngoài là “phạm pháp”.

Bước kế tiếp có thể là cho ra “chứng chỉ vàng”, tức là ra đó bán vàng thì được, còn mua thì chỉ nhận tờ giấy “chứng nhận mua vàng” mà thôi.

Cũng như 1 loại “vàng ảo” vậy, như các bạn đánh vàng tài khoản, tuy nói có là trăm cây, ngàn cây, nhưng chỉ là ảo.

Tờ giấy “chứng chỉ vàng” cũng như là bản in “tài sản” các bạn trên sàn vàng ảo vậy thôi.
Coi như sau mấy ngàn năm cất vàng làm của, nay dân VN không còn có thể như vậy!
—————————————

Cafef, Kinh doanh vàng: Đã có lối để đi, 05/04/2012, http://cafef.vn/20120405024646342CA34/kinh-doanh-vang-da-co-loi-de-di.chn

Vef, 3 bệnh hiểm nghèo khiến DN ‘tử vong’ nhanh, 06/04/2012, http://vef.vn/2012-04-04-3-benh-hiem-ngheo-khien-dn-tu-vong-nhanh

VnEconomy, Chỉ số tồn kho đang ở mức báo động, 03/04/2012, http://vneconomy.vn/2012040311231242P0C9920/chi-so-ton-kho-dang-o-muc-bao-dong.htm

Vef, Xót lòng khi cơm bụi tăng giá, 13/03/2012, http://vef.vn/2012-03-12-xot-long-khi-com-bui-tang-gia

Chính phủ Việt Nam, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, 03/04/2012, https://docs.google.com/file/d/0B2BS_DbGbflPdWtqXzNzbHBSaVdfUW9UU2lNNE9MUQ/edit

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Điện không lo thiếu vì doanh nghiệp "chết" nhiều

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=368381

Điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế khó khăn là tình hình cung ứng điện ổn định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, tình huống trở nên bi hài khi nhà đèn hứa đủ điện thì nhiều doanh nghiệp không còn sống để hưởng.

EVN hứa sẽ cung ứng đủ điện. Ảnh: Hoàng Hà
EVN hứa sẽ cung ứng đủ điện. Ảnh: Hoàng Hà

Tại phiên Họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết riêng trong quý I/2012, đã có gần 12.000 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và ngừng hoạt động. Con số này tuy vẫn thấp hơn 15.300 doanh nghiệp thành lập song tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4% cho thấy nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn khó khăn, mặc dù các yếu tố vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định, khởi sắc.
UBND TP HCM cho biết, trong quý I, có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố, tăng 4,6 lần cùng kỳ 2011. Tình hình trở nên căng thẳng và ngày 3/4 vừa qua, UBND thành phố đã phải họp bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với nỗi lo trên, nhiều bộ ngành đã lên tiếng cảnh báo về mức độ tăng trưởng thấp trong quý một. Bộ Kế hoạch Đầu tư thẳng thắn, ngành công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ trưởng 2,94%, bằng 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn Bộ Công Thương khẳng định, mặc dù tăng trưởng 3,2%, song ngành công nghiệp chế biến đang thuộc diện khó khăn nhất vì con số này thấp hơn nhiều so với 13,4% cùng kỳ. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến thì có đến 18 mặt hàng có chỉ số sản xuất giảm như xi măng, sắt thép, sản xuất sợi, bao bì, bột giấy...
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy, khối xây dựng - bất động sản rất sa sút. Thủ Đức House lợi nhuận sau thuế năm 2011 chỉ còn 31 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ 248 tỷ đồng của năm trước. Địa ốc Đất xanh, doanh thu đạt 75% so với năm 2010 và lợi nhuận cũng giảm mạnh chỉ bằng 42% so với năm 2010. Địa ốc Hoàng Quân, doanh thu đạt 216 tỷ đồng, trong khi đó năm 2010 con số này lên tới 1.325 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 26 tỷ đồng, bằng 5% so với năm 2010. Góp mặt trong bức tranh ảm đạm còn có cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với doanh thu năm 2011 bằng 51% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 48% so với năm 2010.
Một trong những điểm sáng hiếm hoi được các bộ ngành đánh giá là tình hình cung ứng điện quý I/2012 an toàn, ổn định. Sản lượng điện khai thác theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp đủ điện cho mùa khô. Trong 3 tháng đầu năm, điện sản xuất toàn ngành đạt gần 26.000 triệu kWh tăng 15,1% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm ước đạt hơn 22.000 triệu kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
"Cấp điện từ đầu năm tới nay chắc là thoải mái", một lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư nói vui như vậy tại cuộc họp giao ban tháng 3, khi các số liệu cho thấy sản lượng điện tăng mà tình hình sản xuất công nghiệp đình đốn.
Trong năm 2011, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cục Điều tiết điện lực yêu cầu EVN xây dựng kế hoạch cung cấp, cắt giảm điện từ tháng 3.

Trái ngược với bối cảnh năm 2011, năm nay điện hứa cung ứng đủ trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp giải thể khiến người trong cuộc dở khóc, dở cười. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong quý một năm nay, tình trạng điện có vẻ khả quan hơn cùng kỳ, ngoại trừ một số nơi bị mất điện cục bộ thì "nhìn chung là ổn". Năm ngoái, doanh nghiệp sống dở chết dở vì thường xuyên bị cúp điện. Chỉ cần vài phút bị mất điện khi đang nung lò cao thì doanh nghiệp đã mất cả tỷ đồng. Do đó, mặc dù lượng tiêu thụ giảm mạnh trong quý một và ngành thép gặp muôn vàn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức 17-18%, giá phôi lên tới 650 USD mỗi tấn thì thông điệp của nhà đèn phần nào an ủi được doanh nghiệp.

"Mặc dù nhà đèn có những tiến bộ nhất định, song không thể phủ nhận một trong những lý do khiến EVN không lo thiếu điện trong năm nay là nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể", ông Nghi thẳng thắn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN Cao Sĩ Kiêm chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp co cụm sản xuất tiêu hao năng lượng ít đi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không như các ngành khác, sản lượng điện sản xuất ra không dùng hết sẽ không thể "để trong kho". "EVN sẽ thảnh thơi vì tiêu thụ điện trong sản xuất ít. Nhưng nếu kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ điện quá ít quá thì ngành điện lại rất gay go", ông Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, câu chuyện sẽ trở nên bi hài vì doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn.
 
Doanh nghiệp ăn nên làm ra thì luôn bị cúp điện, và khi điện cung ứng đủ thì họ lại không còn tồn tại để hưởng.
Không bình luận về việc nhiều doanh nghiệp đóng cửa nên nhà đèn sẽ dễ thở hơn trong việc cung ứng điện vì sợ "đụng chạm và không hay", song lãnh đạo của EVN cam kết, tình hình cưng ứng điện ổn định, không thiếu. Thủy điện Sơn La đã hoạt động 4 tổ máy, dự kiến tháng 5, tháng 8 sẽ lần lượt đưa hai tổ máy 5 và 6. Nhiều nhà máy nhiệt điện than cũng sẽ chạy nên nếu không có gì biến động, điện sẽ đủ. "Ngành điện sợ nói trước bước không qua. Vì thời tiết thay đổi thất thường, nay nắng, mai mưa nên không dám hứa. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo cung ứng đủ điện cho người dân", lãnh đạo EVN thẳng thắn.
Trao đổi với Báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, chuyện 12.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động và giải thể là hoàn cảnh khách quan. Bộ Công Thương luôn mong muốn sản xuất kinh doanh của đất nước đi lên, kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng. Còn chuyện doanh nghiệp giải thể nên tiêu dùng năng lượng ít đi thì "chẳng thể trách ai". "Tôi tin rằng EVN sẽ hết sức cố gắng để những năm sau, sản xuất kinh doanh đi lên thì có thể đáp ứng đủ điện", ông Hải chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương vẫn đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Cần phải bình tĩnh vì bên cạnh doanh nghiệp khó khăn về vốn, giải thể thì có một lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng khá lớn", ông Hải nói.