Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Vượt cản ngại của nhóm lợi ích

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/cai-cach-kinh-te-nam-2012-vuot-can-ngai-cua-nhom-loi-ich.nd5-dt.150102.113209.html



Xác định động lực cải cách
Theo ông, trong năm 2012, Chính phủ cần gì và phải làm gì để tái cấu trúc nền kinh tế?
Tôi cho rằng, để cải cách thành công cần hội đủ ba yếu tố. Đầu tiên phải có ý chí cải cách thực sự. Tiếp đến là năng lực cải cách, tức là phải có cách tiếp cận và cách làm thích hợp để xây dựng được những chương trình cải cách hiệu quả. Nếu không làm được hai điều trên thì không làm được điều thứ ba, đó là vượt qua trở ngại của các nhóm đặc quyền đặc lợi.
Sau khi đã hội đủ ba yếu tố này rồi, lúc đó chúng ta mới cần bàn thêm về mặt kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất có lẽ là xác định ưu tiên và trình tự của các chương trình cải cách.

Theo ông, cần ưu tiên cải cách trước lĩnh vực gì?
Theo tôi, ưu tiên số một phải là cải cách hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và các khung khổ điều tiết NHTM. Hiện nay, khả năng gây xáo trộn cho nền kinh tế nằm trước hết ở lĩnh vực ngân hàng.
Thời gian qua, thanh khoản của ngân hàng thực sự có vấn đề. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có những lúc lên đến 30 - 40% và duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Nợ xấu thậm chí đã xuất hiện trên cả thị trường liên ngân hàng, do vậy càng làm tăng tính rủi ro và làm căng thẳng thêm tình hình thanh khoản.
Thêm vào đó, nợ xấu của bất động sản (BĐS) có nguy cơ tăng lên vì thị trường BĐS vẫn tiếp tục đóng băng. Sau một, hai năm cầm cự, giờ đây các nhà đầu tư không thể cầm cự được nữa thì có thể là một quá trình gia tốc nợ xấu của khu vực ngân hàng, và nếu không được kiểm soát tốt thì quá trình này thậm chí có thể dẫn đến những vụ sụp đổ lớn.

Khác với cải cách đầu tư công hay DNNN có tính phức tạp rất cao, lại liên quan đến rất nhiều nhóm đặc quyền đặc lợi nên cần rất nhiều thời gian, và vì vậy cần được coi là vấn đề trong trung và dài hạn. Khu vực ngân hàng của Việt Nam hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống, có thể là nhân tố kích hoạt cho sự đổ vỡ kinh tế. Đó là lý do đầu tiên để Chính phủ phải đặt ưu tiên cao độ cho việc cải cách khu vực ngân hàng.

Lý do thứ hai để ưu tiên tái cấu trúc hệ thống NHTM xuất phát từ những tác động lan tỏa của nó. Nếu sau tái cấu trúc mà các NHTM chỉ cần làm được một việc, đó là cho vay có tính thương mại (chứ không phải cho vay có tính quan hệ hay tính chính trị) thì chúng đã thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng là phân bổ nguồn lực hữu hạn, cụ thể là nguồn tín dụng và tài chính của quốc gia, đến tay những người sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Làm được điều này sẽ giúp tăng hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp giảm lạm phát. Khi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ thương mại thì lập tức nó sẽ làm giảm sự ảnh hưởng quá lớn của khu vực DNNN - khu vực được cho là kém hiệu quả, và lúc đó sẽ phân bổ lại nguồn vốn cho khu vực dân doanh - nơi tạo ra đa số công việc làm và tạo ra ¾ tăng trưởng của nền kinh tế.

Lý do thứ ba liên quan đến tính khả thi. Trong 43 ngân hàng thương mại trong nước có trên dưới 10 ngân hàng là có vấn đề thật sự. Việc khu trú 10 anh này dễ dàng hơn rất nhiều so với chạy theo hàng nghìn dự án đầu tư công hoặc theo khoảng 1.300 DNNN. Hơn nữa, so với chính sách tác động tới đầu tư công và DNNN thì chính sách tiền tệ - ngân hàng minh bạch hơn, tốc độ dãn truyền chính sách nhanh hơn nên thích hợp để giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn hạn.

Xử lý được vấn đề ngân hàng sẽ là cơ sở để xử lý hai vấn đề còn lại. Khi quan hệ ngân hàng và DN là quan hệ thương mại đúng nghĩa thì DNNN không thể tự tung tự tác, không thể chi tiêu bữa bãi. Trước đây, DNNN chi tiêu vung tay quá trán là bởi vì được hưởng trợ cấp lãi suất ưu đãi, được hưởng tín dụng chỉ định. Khi những điều này không còn nữa thì buộc anh phải căn cơ. Tức là cải cách ngân hàng tạo ra động lực để giám sát hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp, bất kể công hay tư.
Tương tự như vậy, một phần không nhỏ đầu tư công ở Việt Nam được tài trợ từ tín dụng ngân hàng. Nếu tín dụng ngân hàng tốt thì sẽ hỗ trợ cho đầu tư công có hiệu quả.

Tóm lại, cải cách hệ thống NHTM thành công sẽ giúp tăng cường hiệu quả cho cơ chế phân bổ nguồn lực, ở đây là tín dụng, trở nên tốt hơn, nhờ đó giúp giải quyết nhược điểm cố hữu của nền kinh tế là đầu tư quá lớn, tín dụng quá nhiều nhưng hiệu quả thấp.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh.

Quyết tâm cao mới loại được lợi ích nhóm
Có ý kiến cho rằng, chúng ta phải làm cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai (lần thứ nhất vào năm 1986), còn tái cấu trúc chỉ là sửa chữa nhỏ, cục bộ nên sẽ không giải quyết được một cách căn cơ triệt để các vấn đề tồn tại của nền kinh tế, thưa ông?
Nếu chúng ta tỉnh táo hơn thì đã phải cải cách kinh tế một cách căn bản ngay từ sau cuộc khủng hoảng 1997-1998 như một số nước khác trong khu vực; hoặc nếu không thì cũng phải làm trước khi gia nhập WTO, hoặc muộn nữa thì cũng đến năm 2008 là cùng. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã trì hoãn hết lần này đến lần khác, bởi vì như tôi đã nói, vấn đề không chỉ thuần túy nằm ở nhận thức.

Từ 2005 trở đi, các tập đoàn kinh tế Nhà nước mọc lên như nấm, từ con số 0, sau 5 năm đã lên tới 12. Không chỉ tập đoàn Nhà nước, bây giờ còn có nhiều tập đoàn tư nhân, và chúng đã trở thành các nhóm lợi ích hùng mạnh.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam lớn quá nhanh, trong vòng 10 năm nó lớn gấp mấy chục lần (theo giá cố định). Còn theo con số danh nghĩa thì vào năm 2000, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ là 150.000 tỷ đồng (tương đương 20% GDP) thì đến nay đã lên xấp xỉ 3.000.000 tỷ đồng (tương đương 130% GDP). Một hệ thống lớn quá nhanh nhưng chất lượng quản trị và điều tiết không được cải thiện một cách tương ứng. Tất cả những lợi ích vừa nêu là nguyên nhân cơ bản cản trở cải cách.

Ông có nói Chính phủ "đặt cược" vào ba chương trình tái cơ cấu. Trong khi theo phân tích của ông, cải cách đang gặp rất nhiều trở ngại từ ý chí đến năng lực lẫn các nhóm lợi ích, vậy khả năng tái cơ cấu thành công có cao?
Những gì chúng ta đang có hôm nay là kết quả của hàng chục năm về trước chứ không phải là kết quả của một sớm một chiều. Thay đổi quán tính của cả một nền kinh tế, vốn là một thực thể hết sức phức tạp, không thể giải quyết trong một năm. Vì vậy, trong năm 2012, mức cao nhất mà chúng ta có thể hy vọng là có một chương trình cải cách mạch lạc, đúng hướng và sau đó là chúng ta có đủ ý chí để thực hiện nó.
Nếu tái cấu trúc đúng thì khu vực ngân hàng sẽ thấy tác dụng sớm nhất. Cụ thể là rủi ro giảm xuống, căng thẳng về thanh khoản bớt đi nhiều, dòng tín dụng được lưu thông hiệu quả và khả năng đổ vỡ trong khu vực ngân hàng không còn nữa. Còn câu chuyện về đầu tư công và DNNN muốn có hiệu quả thì phải chờ từ ít nhất 3 đến 5 năm, tức là từ trung hạn trở lên.

Theo ông, vượt qua các nhóm lợi ích có dễ?
Không! Vì nhóm lợi ích giờ đã lớn quá rồi, và nó có tính cố thủ, đan quện vào nhau. Cứ nhìn vào tình trạng tập đoàn sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu tập đoàn, rồi các ngân hàng sở hữu lẫn nhau.... là sẽ thấy ngay rằng chỉ cần động vào bất kỳ một nút thắt nào trong đó đều sẽ là “rút dây động rừng”.

Thứ hai là lợi ích của nó đã lớn nên khó hy sinh, lợi ích rất lớn thì lại càng khó hy sinh. Tuy nhiên, nếu có quyết tâm chính trị cao và vì lợi ích của đa số người dân và đa số DN thì vẫn có thể vượt qua được những nhóm lợi ích thiểu số kể trên.

Kỳ vọng
Ông dự báo thế nào về tình hình năm tới, kể cả thị trường BĐS, thị trường vàng và lãi suất?...
Bất kỳ một dự báo nào ở Việt Nam thì đều phải nhìn ra nước ngoài. Bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2012 được dự báo là ảm đạm, có thể còn xấu hơn 2011. Với bối cảnh chung như thế, khả năng duy trì tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam là khó vì tăng trưởng của cả xuất khẩu và đầu tư, vốn là hai động lực của nền kinh tế Việt Nam, đều có thể giảm sút trong năm tới.

Xuất khẩu năm 2011 tăng trên 30% so với 2010, nhưng 90% trong số đó là tăng giá chứ không phải tăng lượng. Khi nền kinh tế đi xuống, yếu tố tăng giá này không còn nữa. Đồng thời, khi ấy ngay cả khả năng tăng lượng thậm chí cũng không còn. Bên cạnh đó, FDI có thể giảm, vì thế tăng trưởng sẽ thấp đi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có vấn đề nhưng Việt Nam lại đặt mục tiêu tham vọng hơn cả năm 2011. Năm 2011, GDP chỉ tăng 5,9%, lạm phát 18,5% mà sang năm 2012 lại GDP tăng 6,0-6,5%, lạm phát chỉ còn 9%. Tăng trưởng cao hơn và lạm phát giảm đi một nửa là điều khó khả thi.

Cần nhớ rằng nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng và đầu tư. Tốc độ tăng đầu tư và tín dụng thấp xuống thì không tăng trưởng được, nhưng ngược lại thì gây ra lại lạm phát. Hơn nữa, việc giảm đầu tư xuống mức 34-35% GDP trong năm tới là một mục tiêu khó, muốn đạt được thì quan trọng nhất là phải giảm đầu tư công.

Thị trường vàng và USD thường có sự tương quan nghịch, nghĩa là nếu đồng USD yếu đi thì vàng sẽ lên ngôi và ngược lại. Nếu như triển vọng kinh tế của Mỹ sáng sủa hơn, tức là tăng trưởng được khôi phục dần, thất nghiệp giảm bớt và những khúc mắc về tài khóa của Mỹ được giải tỏa thì đồng USD có thể mạnh lên và giá vàng có thể đi xuống. Điều này không phải không có thể xảy ra, nhưng xác suất thấp nên khả năng đồng đô-la yếu đi là tương đối lớn, do vậy giá vàng có thể vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Trong năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu giảm mạnh lạm phát (dưới 10%), điều đó cũng có thể hình dung là lãi suất sẽ giảm mạnh theo?
Lãi suất phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát. Khi lạm phát đi xuống thì mới có cơ sở để giảm lãi suất một cách bền vững. Nếu như lạm phát mà giảm xuống mức 10-12% thì chắc chắn lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, giảm xuống bao nhiêu thì chưa thể nói được.

Một năm trước đây, mục tiêu lạm phát đặt ra là 7%, nhưng thực tế thì cuối cùng lên tới 18,5%. Vậy thì mục tiêu là một chuyện, còn thực tế là chuyện khác. Nếu như mục tiêu được thực hiện đúng như đề ra ban đầu (đầu tư giảm xuống còn 34-35%, tăng trưởng tín dụng xuống 15-16%) thì tôi tin lạm phát sẽ ở mức 10-12% là có thể đạt được và khi lạm phát như thế thì lãi suất có thể giảm ở mức độ tương ứng.
Lãi suất tiền gửi giảm xuống thì lãi suất cho vay cũng giảm xuống, khi ấy lãi suất cho vay dao động từ 12-15% là hoàn toàn có cơ sở.

(Theo Tiền phong)

Giá vàng và rủi ro chính sách

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/ca-phe-cuoi-tuan-gia-vang-va-rui-ro-chinh-sach.nd5-dt.150201.113209.html



Thị trường vàng trong nước năm 2011 chịu ảnh hưởng không chỉ bởi diễn biến phức tạp của giá vàng quốc tế, mà còn bị chi phối nhiều bởi những thay đổi chính sách. Xu hướng này được nhận định sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012.

Phía sau những biến động đó là một hiện tượng kéo dài trong năm 2011 và chưa từng có trong lịch sử: giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi. Hiện tượng này tiếp tục được chuyển tiếp sang năm 2012, trong khi khả năng can thiệp của nhà điều hành vẫn đang chờ đợi các công cụ pháp lý còn "treo" trước mặt.

Cùng với thực tế đó, người trong cuộc còn cho rằng, hoạt động đầu tư và kinh doanh vàng còn phải sống chung với rủi ro chính sách.

Cà phê cuối tuần kỳ này VnEconomy giới thiệu góc nhìn của một nhà kinh doanh vàng lâu năm về hiện tượng trên, cũng như những biến động trong năm 2011 và dự báo cho năm 2012, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

Chào ông, được biết trước đây ông từng công tác tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông rời SJC để lập cho mình một công ty riêng?

Tôi công tác tại SJC từ 1992 đến 1999 trong đó có 3 năm làm Trưởng phòng kinh doanh. Tôi rời SJC để chuẩn bị cho mình một cơ hội mới là học tập tiếp và du học tại Mỹ từ 2004 đến 2007. Tôi trở về Việt Nam đầu năm 2008 và cùng với SJC thành lập sàn vàng đầu tiên của mình tại Hà Nội với xu thế là cùng SJC nắm bắt cơ hội kinh doanh vàng mới, hiện đại hơn và có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn kiểu kinh doanh vàng vật chất thông thường.

“Đau đầu” với rủi ro chính sách

Là một người trong cuộc, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến của giá vàng trong nước và quốc tế năm 2011 vừa qua?

Dao động của giá vàng thế giới và của Việt Nam trong năm vừa rồi có khoảng cách lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giá thế giới ở  đỉnh cao nhất là 1.923 USD/oz  vào cuối tháng 9, và chỉ hơn 1.300 USD/oz vào giữa tháng 1, khoảng chênh lệch là hơn 600 USD/ouce, trong đó, độ lệch chuẩn là 310,4 USD/oz, cao nhất trong 10 năm.

Tương tự, tại Việt Nam, giá vàng SJC lúc lên đỉnh vào cuối tháng 8 là 49,2 triệu đồng/lượng so với thấp điểm chỉ hơn 35,2 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 1, chênh lệch thực tế trong cả năm là 14, 2 triệu đồng/lượng, tương đương 41%.

Năm 2011 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, giá vàng quốc tế giảm sâu trong thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, với độ giảm lên tới gần 170 USD/Oz. Tương tự, giá vàng SJC tại Việt Nam lên đỉnh khoảng gần 47 triệu đồng/lượng và xuống đáy khoảng 43,8 triệu đồng/lượng, nghĩa là giảm gần 4 triệu đồng/lượng, trong cùng khoảng thời gian.

Mấy năm qua, hết sàn vàng bị đóng cửa rồi tới vàng miếng “phi SJC” đang có chủ trương bị xóa. Ông có cho rằng, “cửa” làm ăn cho giới kinh doanh vàng đang hẹp dần? Đối với công ty của ông, những chính sách này đã có ảnh hưởng như thế nào?

Đúng là từ khi vàng được tự do lưu thông vào những năm cuối thập kỷ 1980 trở lại đây thì đây là thời kỳ mà chính sách quản lý về vàng được bàn bạc và thay đổi đáng kể. Những chính sách vĩ mô về vàng có lúc tưởng chừng như nghịch nhau.

Đây cũng là điều khiến giới kinh doanh vàng rất “đau đầu”. Đánh giá về biến động của giá vàng thế giới đã là khó rồi, tại Việt Nam doanh nghiệp kinh doanh vàng còn phải tính đến “rủi ro chính sách”, mà rủi ro này tiềm ẩn những nguy cơ rất nguy hiểm từ sự thả lỏng hay bóp chặt về chính sách cho đến lợi ích nhóm… đều có thể ảnh hưởng tức thì đến giá vàng trong nước bất kể giá thế giới có thay đổi hay không.

Công ty VGB không nằm ngoài quy luật, mặc dù cổ đông của VGB là những doanh nghiệp vàng chuyên nghiệp tại Hà Nội và Sài Gòn như Vàng Kim Linh, SJC Hà Nội, Doji, cho đến Vàng Ngọc Anh (Bàn cờ)…

Dự thảo nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong đó quy định chỉ có 1 thương hiệu vàng miếng quốc gia, hiện vẫn đang ở trạng thái "treo". Theo ông, mặt tích cực và hạn chế nếu có của nghị định này, sau khi đã được ban hành có thể sẽ như thế nào?

Mặt tích cực là giờ đây Ngân hàng Nhà nước thừa nhận vai trò vàng tiền tệ và chính thức dùng vàng để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Điều này sẽ giúp ích tương đối trong việc ổn định chính sách tiền tệ mà cụ thể là tỷ giá VND/USD. Mặt tích cực thứ hai là lợi nhuận từ chính sách từ nay nếu được thực thi đúng sẽ mang lợi ích tập trung cho ngân sách quốc gia nhiều hơn.

Mặt hạn chế của nó là sự thay đổi về cách nhìn nhận và thiệt hại của nhiều người đang nắm giữ những thương hiệu vàng “phi SJC” vốn được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất từ nhiều năm trước. Mặc dù hàm lượng và khối lượng là như nhau nhưng có lúc vàng “phi SJC” có giá thấp hơn cả triệu đồng/lượng so với vàng SJC. Điều này là quá bất hợp lý và đưa người nắm giữ loại những loại vàng này vào thế bị lợi dụng.

Trong trường hợp giá vàng SJC cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 2 triệu đồng/lượng, giá vàng “phi SJC” nếu thấp hơn vàng SJC 1 triệu đồng/lượng thì vẫn cao hơn thế giới quy đổi 1 triệu đồng/lượng. Vàng “phi SJC” vẫn nhận được lực cầu tốt từ những đối tượng người dân và các công ty sản xuất nữ trang không có nhu cầu phải mua vàng SJC. Trong khi đó, người giữ vàng “phi SJC” chịu thiệt lớn khi bán đi tài sản này.

Theo tôi được biết, người dân ở khu vực miền Tây Nam Bộ, nơi được xem là có nhiều nguồn vàng "biên mậu", người dân không mấy mặn mà với vàng SJC, vì họ có thể mua được vàng "biên mậu" nhiều lúc có giá rẻ hơn, mà chất lượng không có gì khác.

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Theo ông, liệu ý tưởng này có khả thi không?

Tôi cho rằng, đây là một ý tưởng khả thi vì lượng vàng trong dân hiện còn rất lớn, theo đánh giá khoảng vài trăm tấn, tương đương hơn hàng chục tỷ USD. Quan trọng hơn, người dân vẫn tin vào Nhà nước hơn,  đặc biệt là đối với những tài sản có giá trị  cao như vàng.

Người dân và doanh nghiệp nhỏ thiệt thòi?

Trở lại với bất cập nêu trên, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng, theo ông ai là người hưởng lợi và đâu là người chịu thiệt từ sự chênh lệch này? Để giải quyết triệt để sự chênh lệch này, theo ông cần có giải pháp gì?

Vấn đề này các báo đài đã phân tích và đưa tin nhiều. Chênh lệch này chỉ xuất hiện trong năm 2011 là do giá thế giới biến động với biên độ quá lớn, nhưng tại Việt Nam sự chênh lệch này ngoài nguyên nhân là giá thế giới còn là sự “biến động về chính sách” như đã nói ở trên. Biến động chính sách khiến các doanh nghiệp nhiều lúc rơi vào thế “trở tay không kịp”, khó điều tiết được cung cầu nên họ buộc phải giữ chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế và cả giữa giá mua và bán vàng để giữ an toàn.

Người thiệt thòi trước tiên là những người dân thiếu thông tin, dễ bị kích động, sau đến là một số doanh nghiệp vàng nhỏ vừa thiếu thông tin và hệ thống phòng vệ không an toàn và hiệu quả. Người được hưởng lợi nhiều nhất là một số doanh nghiệp vàng lớn, có đầy đủ thông tin cũng như hệ thống phòng vệ hiệu quả.

Theo quan điểm của tôi, đầu tư vàng là một nhu cầu có thật và hợp lý của người dân. Không phải ai cũng chơi được bất động sản hay chứng khoán, vì bất động sản thì cần nhiều vốn, mà chứng khoán thì còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, nên vàng vẫn là một kênh đầu tư quan trọng. Để tránh “vàng hóa” nền kinh tế mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư vàng của người dân, một giải pháp là mở một sàn vàng quốc gia. Để đảm bảo an toàn, Ngân hàng Nhà nước có thể ủy quyền cho một số đơn vị làm công tác hedging (phòng vệ), và tăng tỷ lệ ký quỹ cho các giao dịch vàng.

Cách làm này một mặt tiết kiệm được ngoại tệ để nhập vàng, một loại tài sản không tạo ra giá trị gia tăng, đồng thời thu hút được một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính quốc gia, mà lại dẹp được các sàn vàng “chui” đang tồn tại hiện nay. Sàn vàng là một sàn giao dịch hàng hóa, giúp nâng cao mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, tạo điều kiện cho thu hút vốn nước ngoài tương tự như vốn vào thị trường chứng khoán.

Ở nước ngoài, vàng vật chất không được bán tràn lan như ở Việt Nam mà chủ yếu bán vàng nữ trang với hàm lượng vàng thấp. Ở Việt Nam, vàng tiền tệ là chính, nữ trang chỉ là phụ. Nếu có sàn giao dịch vàng, xã hội có thể hạn chế được tình trạng mất an ninh, chẳng hạn như những vụ cướp tiệm vàng xẩy ra khá nhiều thời gian gần đây...

Còn năm 2012, ông có thể cho biết dự báo của mình?

Giá vàng trong năm 2012 sẽ còn nhiều biến động theo hai hướng, một là tăng lên đến trên 2.000 USD/oz theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế từ giữa năm 2011 và một là điều chỉnh giảm ngắn hạn do tác động của khủng khoảng đồng Euro như đã chứng kiến trong tháng 12 vừa qua. Biên độ dao động và độ lệch chuẩn có khả năng tương tự như 2011.

Năm nay, khủng hoảng của châu Âu và số phận của Euro sẽ là nhân tố quan trọng nhất tác động tới giá vàng. Năm nay là năm bầu cử ở Mỹ, nên nước này chắc sẽ không có chính sách phiêu lưu, nhưng đây là một năm thử thách đối với đồng Euro.

Với tư cách là một nhà kinh doanh vàng, ông có mong muốn gì trong năm 2012?

Kinh doanh vàng trên thế giới và tại Việt Nam trong nhiều năm qua là ngành kinh doanh của niềm tin và rủi ro cao. Tại Việt Nam thì doanh nghiệp còn chịu rủi ro cao hơn so với giới kinh doanh vàng quốc tế như tôi đã có nói ở trên.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, về nguyên tắc, rủi ro cao luôn đi kèm với lợi nhuận cao. Đối tác của tôi ở Singapore có nói kinh doanh vàng ở Việt Nam “khỏe quá”, vì có lúc giá vàng ở Việt Nam cao hơn thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng.

Có một thức tế là hơn nhiều thập kỷ qua và hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất khu vực và thế giới. Do đó người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tìm đến vàng là điều dễ hiểu. Ngay tại Mỹ, khi đồng USD vẫn đang thống trị cả thế giới thì người dân Mỹ, các quỹ hưu trí cũng không đặt cược hết vào việc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Mỹ đâu. Đây là một thực tế mà những người làm chính sách tiền tệ cần lưu ý.

Cái gì đi ngược lại quy luật tất yếu sẽ sinh ra nhiều biến tướng mà “chi phí xã hội” để giải quyết những biến tướng đó làm thiệt hại hại nhiều hơn nguồn lực của xã hội mà những ‘kết qua nhất thời’ được cho rằng là thành công .

(Theo Vneconomy)

'Đừng ôm cây mà không thấy rừng'

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/tai-cau-truc-dung-om-cay-ma-khong-thay-rung.nd5-dt.150151.113209.html



Trong năm vừa qua, cụm từ “hot” nhất trong thời sự kinh tế VN có lẽ là “tái cấu trúc”. Nhưng hiểu như thế nào về tái cấu trúc, đặc biệt về mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Cùng DĐDN, chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương - người từng có kinh nghiệm tư vấn về kinh tế cho Quốc hội Mỹ, hiện là một nhà đầu tư độc lập đã trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình. 

Ông Chương chia sẻ, tôi không nhìn vấn đề này ở góc nhìn của một kinh tế gia, mà nhìn theo cái lý tự nhiên của yêu cầu cũng như điều kiện thực tiễn của xã hội. Đề tài tái cấu trúc (TCT) trở thành “hot” khi người ta cảm thấy bế tắc, làm ăn khó khăn hơn. TCT nôm na là công việc (1)/ Rà soát, hoàn thiện, thêm hoặc bớt, sắp xếp lại các cơ cấu chủ đạo của hệ thống; và (2)/ Định rõ nét sự tương quan, hợp lý giữa các cơ cấu trong hệ thống đó ra sao, để toàn hệ thống chạy tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, TCT không phải chỉ là phạm trù của lĩnh vực kinh tế mà còn là của lĩnh vực chính trị, xã hội. Đầu tiên và quan trọng hơn hết chúng ta nên hiểu rằng TCT là một thử thách chính trị nhằm giải quyết nhiều vấn đề kinh tế cấp bách.
Đừng “ôm cây mà không thấy rừng”
- Ở tầm quốc gia, TCT cần phải nhấn mạnh vào đâu, thưa ông?
Không thể lấy ra một bộ phận nào đó, sửa chữa bộ phận đó để hy vọng cả cỗ máy sẽ “chạy ngon". Do đó, chuyện tái cấu trúc không thể mang một vài bộ phận như ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thị trường chứng khoán... ra để hô hào tái cấu trúc mà phải nhìn, đặt để chúng trong tương quan và tổng thế của thể chế chính trị, cơ cấu kinh tế- xã hội. Nếu tách mỗi bộ phận ra mà không có sự hợp nhất, xuyên suốt, tình trạng sẽ rất dễ khiến chúng ta ôm cây mà không thấy rừng.

- Tại sao không nên tập trung TCT ở một vài bộ phận có vai trò quyết định đối với cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai, chẳng hạn như DNNN, một việc mà hầu hết các chuyên gia quốc tế đều khuyên VN nên ưu tiên giải quyết, thưa ông? Có phải đây là đối tượng đầu tiên cho công cuộc TCT? .
Trong một cơ chế như hiện nay, chúng ta không dễ dàng để sửa đổi khối DNNN và có thể kỳ vọng khối đó có đóng góp thực lớn lao cho nền kinh tế. Cần phải xem xét vấn đề này trong cái nhìn tương quan của lịch sử và cả những hệ quả mà thời gian đang để lại cho chúng ta. Từ khi ra đời, khối DNNN đã được định vị vai trò “con trưởng”, được ngồi “mâm trên”, coi như đó là diện mạo của cả gia đình. Và vì đã quen như vậy, quen được bao cấp nên chẳng có lý do gì để anh con trưởng này phải lao tâm khổ tứ làm lụng cả. Đã làm ăn thì phải có “máu”, phải trăn trở vì đã bỏ đồng tiền thì liền khúc ruột, thì mới sáng tạo, nỗ lực vượt khó, vượt tầm được. Trong khi đó cán bộ quản lý DNNN là quan chức, họ không có những phẩm chất của người doanh nhân, mặc dù có thể là nhà quản lý hành chính giỏi, liêm khiết. Xác suất thành công của một Bí thư tỉnh ủy, hay một vị Thứ trưởng được chuyển qua điều hành DNNN theo đúng nghĩa thị trường – làm ra được đồng lời tương xứng với đồng vốn đầu tư – là rất thấp. Ở đâu cũng vậy chứ không phải chỉ ở VN.
Để giải quyết vấn đề này một cách tương đối cho những DNNN không thể tư nhân hóa. Một số nước tiên tiến đã thuê chuyên viên quản lý cao cấp về điều hành với lương cơ bản và số tiền thưởng rất cao dựa trên kết quả kinh doanh, để ít nhất là đảm bảo được tính chuyên nghiệp cao.
Singapore đã rất thành công với mô hình đại diện nhà nước giữ vai trò Chủ tịch HĐQT đặt mục tiêu kinh doanh rồi giao lại cho CEO là một chuyên gia triển khai. Để thay đổi một thói quen, một vấn đề mang tính lịch sử, một hệ quả lịch sử, liên quan đến một số tài sản khổng lồ mà khối DNNN đang nắm giữ, liệu có thể thay đổi trong một sớm một chiều hay không? E rằng là không.
Do vậy, không thể và không nên chỉ đặt trọng tâm công cuộc TCT là khối DNNN, hay một vài bộ phận đơn lẻ. Làm vậy không khác gì đang có một đoạn đường dài 3 km hàng ngày bị kẹt xe trầm trọng, mà chúng ta hy vọng chỉ cần mở rộng một đoạn đường 300m là giải quyết được nạn kẹt xe cho cả đoạn đường, hay cho cả khu vực!
Trong bối cảnh TCT toàn diện của VN hiện nay, chắc chắn DNNN cũng cần phải được TCT toàn diện, nhưng sản phẩm cuối cùng phải được kết nối xuyên suốt với các bộ phận còn lại.

Quyết tâm chính trị - điều tiên quyết
- Vậy đâu là những điều kiện cần và đủ cho công cuộc TCT này?
Đã đặt ra vấn đề TCT, theo tôi, cần phải có ba điều kiện tiên quyết để câu chuyện thành thực tiễn. Thứ nhất, là phải thẳng thắn, trung thực trong cách đặt vấn đề để thấy rõ trọng tâm và yêu cầu của vấn đề. Thứ hai, bình tĩnh phân tích để nhận ra các rào cản, thách thức. Thứ ba, một quyết tâm chính trị cao được thể hiện qua hành động. Nếu không có bất cứ một trong ba điều kiện này thì mọi cải tổ, đổi mới đều khó thành công. Ngược lại, nếu đã hội đủ ba điều kiện này, thi dù áp dụng bất kỳ mô hình đổi mới, cải tổ nào mà tương đối thuận lý, chúng ta cũng đều có cơ hội để thành công vượt tầm so với ngày hôm nay.

- TCT sẽ gặp phải những rào cản, thách thức nào, thưa ông?
Rào cản lớn nhất theo tôi là lực cản tâm lý sợ thay đổi nói chung, đặc biệt là lực cản tự nhiên từ những nhóm đặc quyền được hưởng lợi từ cơ chế hiện nay. Do vậy điều kiện quyết tâm chính trị có lẽ là quan trọng hơn cả.

- Và nếu TCT không bắt đầu từ một bộ phận cụ thể, thì phải làm gì?
 Nguyên tắc giải quyết một vấn đề phức tạp tưởng chừng như bế tắc là tìm một giải pháp khả thi nhất và có hiệu ứng lan tỏa lớn nhất có thể được. Điều kiện quan trọng nhất để nền kinh tế phát triển là một môi trường thông thoáng, minh bạch, công bằng. Cụ thể nhất và đóng vai trò chủ động để tạo nên những điều kiện thị trường này là hệ thống hành chính. Vậy thì nên tập trung ưu tiên là phải cải tổ hành chính. Chúng ta đã có đồng thuận cao về vấn đề này. Có thể được thực hiện ráo riết ngay. Cải tổ hành chính để người dân có thể tiên liệu tốt hơn và chủ động hơn trong tính toán kinh doanh, sẽ có tác động tích cực lập tức lên toàn bộ nền kinh tế, tạo nên một vòng xoáy phát triển ngày càng tăng tốc. Điều kiện kinh tế cải thiện, người dân giàu hơn, tự nhiên xã hội sẽ có những yêu cầu đổi thay mà lúc đó sẽ dễ được chấp nhận hơn vì lợi ích đã có thể thấy được. Lực kinh tế và yêu cầu mới của xã hội sẽ dần dà nắn nót hệ thống vào vòng thuận lý hơn, khai thông những bế tắc trước đây chưa giải quyết được một cách hài hòa, ít tốn kém hơn.

- Việc cải tổ hành chính đã được khởi xướng từ lâu. Và đó cũng chỉ là khởi đầu cho chặng hành trình TCT. Nhưng ai sẽ dẫn dắt chặng hành trình này, sẽ là người “cầm chịch”, thiết kế tư tưởng TCT?
Tạo điều kiện để người người được và muốn tham gia vào cuộc chơi và đảm bảo tính công bằng của cuộc chơi trên sân nhà là trách nhiệm kinh tế ưu tiên và quan trọng nhất của nhà nước, và hãy để người dân tham gia quyết định qua bàn tay của thị trường.

Tận dụng cơ hội 
- Với đội ngũ doanh nhân nói chung (không bao gồm khối DNNN), họ đang hoạt động, kinh doanh trong một cơ chế thị trường tương đối rộng mở. Có cần phải áp lực để cải tổ, thay đổi, phải có chuyển biến về chất lượng cũng như cơ cấu DN nữa hay không, thưa ông?

Với đội ngũ doanh nhân, đầu tàu của nền kinh tế, theo tôi họ còn chịu rất nhiều rào cản giới hạn sự phát triển tiềm năng cạnh tranh của họ. Tạo ra những luật lệ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hơn nữa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, như nội dung Nghị quyết về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Bộ Chính Trị đã đề ra là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để các DN được cạnh tranh minh bạch, công bằng, phát huy thế mạnh kinh doanh, khẳng định vị thế DN trong TCT đất nước.

- Nghị quyết Doanh nhân có đề cập đến một trong những giải pháp trọng tâm để phát huy vai trò xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, là “thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Từng có kinh nghiệm tư vấn về kinh tế cho Quốc hội Mỹ, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nào đó để có thể hiện thực hóa giải pháp này?

Các từ “thúc đẩy”, “khuyến khích” nếu hiểu không khéo thì dễ bị lợi dụng để bóp méo cơ chế thị trường. Thúc đẩy và khuyến khích là tạo điều kiện thuận lợi, nhưng phải công bằng cho tất cả mọi thành phần kinh tế xã hội, chứ không phải chỉ vì một vài nhóm DN lớn, tư hay công, dù thấy họ có tiềm năng đến đâu.

Trên thực tế ở các nước, rất khó để DN tư nhân tham gia vào hệ thống DNNN mà kinh doanh có hiệu quả vì hai cái “hệ điều hành” quá khác nhau, cũng như trong một Cty mà cùng sử dụng vừa hệ Microsoft vừa hệ Apple. Nhà nước chỉ nên tạo dựng cơ chế để các tập đoàn kinh tế tư nhân có thể tự hình thành, chứ không nên có chính sách ưu đãi cho các DN lớn. Nếu làm không khéo, thậm chí, giải pháp này còn có thể tạo cơ hội cho sự lũng đoạn mang tính hệ thống giữa các nhà tài phiệt lắm tiền và những người có quyền. Khi anh có tiền chơi với anh có quyền, điều gì xảy ra cho nền kinh tế thì ai cũng có thể hình dung được. Toa thuốc cổ điển cho DNNN và DN tư nhân mà ai cũng rõ là: Hạn chế ưu thế độc quyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không để các tập đoàn này đầu tư, phát triển tràn lan, tránh tình trạng cạnh tranh đối đầu giữa tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được ưu đãi và có thế mạnh về tận dụng, sử dụng tài nguyên, với những DN tư nhân; và tạo điều kiện để DN tư nhân có cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển và hợp tác với nhà nước trong một số dự án, công trình trọng điểm.

VN đang có một cơ hội vàng về dân số trẻ và năng động, thế hệ này cũng đang được tiếp cận với đầy đủ các phương tiện để học tập phát triển tốt chưa từng có trong lịch sử đất nước. Cửa sổ cơ hội này chỉ mở trong vòng 15-20 năm trong chu kỳ kinh tế và phát triển dân số của một quốc gia. Nếu không tận dụng cơ hội này thì sau 15-20 năm nữa, VN sẽ bắt đầu đi vào chu kỳ dân số già, gánh nặng xã hội tăng, tiềm lực phát triển giảm dần, tận dụng thế mạnh này và tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát huy trong công cuộc tái cấu trúc, xây dựng một vận hội mới cho quốc gia dân tộc sẽ phải bắt đầu ngay từ hôm nay, chứ không phải ngày mai!


Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Thị trường tiền tệ: Dòng tiền trú ẩn vào đâu?

http://webgiavang.com/News/Details/3092-thi-truong-tien-te-dong-tien-tru-an-vao-dau


Huy động và cho vay vốn của hệ thống NHTM không tăng, thị trường bất động sản vẫn “đóng băng”, dòng tiền trên TTCK tiếp tục sụt giảm... vậy dòng tiền hiện đang trú ẩn vào đâu? Năm 2012 xu hướng dịch chuyển của dòng vốn này sẽ theo hướng nào?

Tiền đổ vào vàng
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, hoạt động của các NHTM trong năm qua chịu tác động bất ổn của các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Sự sụt giảm huy động vốn của hệ thống NHTM là do mối quan hệ giữa lãi suất VNĐ - USD - tỷ giá - lạm phát. Năm qua lãi suất VNĐ cao hơn lãi suất ngoại tệ, vì vậy vốn huy động VNĐ vẫn cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ.

Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy 10 tháng năm 201,  huy động vốn bằng VNĐ tăng 8,61%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng 6,22%.

Điều này cho thấy tâm lý thị trường cùng với hiện tượng nắm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, 2 tháng gần đây giá vàng biến động theo xu hướng có lợi như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Vì vậy, một bộ phận tiền gửi tiết kiệm giảm do người gửi tiền rút ra đầu tư, kinh doanh vàng dẫn đến tình hình thanh khoản khó khăn cục bộ ở một số NHTM.

Theo số liệu thống kê (chưa đầy đủ) từ 13 NHTM cổ phần có huy động và cho vay vốn bằng vàng, lượng vàng giữ hộ có xu hướng tăng, hiện lượng vàng giữ hộ trên 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Phó Tổng giám đốc Tanimex, có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng trú ẩn của dòng vốn. Một trong những yếu tố là khi mặt bằng giá cả thay đổi theo hướng tăng cao, người dân và doanh nghiệp phải dự trữ tiền mặt để thanh toán, chi tiêu nhiều hơn so với trước.

Chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cũng làm “đọng” vốn, khả năng luân chuyển vốn của nền kinh tế chậm hơn. Các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước đây có thể 3-6 tháng hoàn thành, nay kéo dài hơn. Trước đây người dân còn có các nguồn thu nhập khác từ chứng khoán, bất động sản, nay nguồn thu nhập hạn hẹp, chủ yếu từ lương.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng Thống đốc NHNN cũng thừa nhận khả năng giảm lãi suất trong những tháng đầu năm 2012 khó khả thi, càng khiến các thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục ảm đạm. Dòng tiền trên thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Lòng vòng giữa các nhà băng
 Một vấn đề khác đặt ra xoay quanh câu hỏi dòng vốn ngân hàng đang ở đâu là tổng tài sản có (bao gồm vốn điều lệ, vốn huy động) của hệ thống NHTM trong năm qua tăng khá cao.

Riêng TPHCM năm 2011 tổng tài sản tăng 15%, tương đương tăng 200.000 tỷ đồng, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thấp (trên địa bàn TPHCM năm 2011 tín dụng chỉ tăng 6,3%, tương đương 753.760 tỷ đồng).

Chưa kể cuối năm 2011 một số NHTM đã hoán đổi một lượng vàng lớn sang tiền đồng thông qua việc bán vàng bình ổn và mua dần vàng để cân bằng trạng thái trên tài khoản giao dịch vàng quốc tế.

Một chuyên gia ngân hàng lý giải năm 2011 tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống NHTM tăng mạnh, nếu tính con số tuyệt đối sẽ không nhỏ so với số vốn huy động và vốn vay tăng thêm trong năm. Trừ đi tỷ lệ nợ quá hạn, dòng vốn còn lại vẫn lớn nhưng nằm chủ yếu lòng vòng trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và các khoản tạm ứng (mua chứng khoán…), các khoản phải thu của NHTM.

Trong khi đó, dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng càng về sau giá càng cao khi nhu cầu thanh khoản của NHTM nhỏ tăng. Tình trạng nợ xấu cũng là một trong những nguyên nhân làm đọng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được vốn vay giá rẻ của ngân hàng.

“Cung tiền dồi dào lãi suất xuống.  Còn cung tiền không có làm sao lãi suất xuống được” - vị chuyên gia này nói. Thực tế, trong báo cáo tổng kết năm 2011 của NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho thấy đã có sự dịch chuyển vốn từ thị trường 1 (thị trường tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế) sang thị trường 2.

Bên cạnh dòng vốn của nền kinh tế chạy lòng vòng giữa các NHTM, có thể thấy sự mất cân đối giữa kỳ hạn vốn huy động và cho vay cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn ách tắc. Hiện nay, hơn 90% huy động vốn của các NHTM là ngắn hạn.

Bởi lạm phát và sự biến động của thị trường cùng với quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa 14%/năm được các NHTM áp dụng cho tất cả kỳ hạn đã tác động đến tâm lý người gửi tiền. Vì vậy, người gửi tiền chủ yếu gửi kỳ hạn ngắn.

Bản thân các NHTM cũng không dám nhận kỳ hạn dài vì sợ trần lãi suất sẽ giảm, trong khi tổng dư nợ trung và dài hạn chiếm 45-47% tổng dư nợ. Như vậy, hầu hết dòng vốn đang nằm trong các dự án trung và dài hạn, tất yếu không còn nhiều tiền để cho vay nền kinh tế.
Mai Thảo
 SGĐT

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

tính thanh khoản

http://webgiavang.com/News/Details/3053-mau-chot-la-tinh-thanh-khoan

Nếu không tăng được tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ khó thực hiện được các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác, là nhận định được thống nhất bởi các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Cơ hội và thách thức.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, tính thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng tiếp tục là vấn đề khó giải quyết triệt để trước nửa đầu năm nay. Vì thế, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có chậm lại, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu của thế giới giảm, áp lực tăng giá đầu vào bớt căng thẳng khiến việc kiềm chế được lạm phát tăng dưới 10% hiện thực hơn nhưng vẫn khó kiểm soát. “Nguyên nhân của việc khó kiểm soát lạm phát cũng như thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là do lãi suất khó có thể giảm mạnh, tính thanh khoản chưa thể xử lý kịp thời tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Thành phân tích.

Cho rằng, nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kép và là cơ hội để Việt Nam giảm lạm phát xuống mức 9% trong năm 2012, nhưng Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cũng dự báo, ngay cả đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát “ngoạn mục” thì lãi suất cho vay cũng vào khoảng 15%/năm. “Với mức lãi suất này sẽ có thêm những doanh nghiệp đình đốn sản xuất, giải thể, phá sản khiến cho việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% có những thách thức nhất định”, ông Thiên nói. 

 “Nếu thực hiện biện pháp “lấy độc trị độc” - tăng lãi suất theo đúng thị trường đồng thời với việc cắt giảm mạnh đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt 3-4%, cùng lắm là 5% nhưng bù lại lạm phát năm 2012 nhiều khả năng chỉ còn khoảng 6-7%, tạo nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định vào những năm sau đó”, ông Thiên đề xuất.

Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng ngoài nhóm cho vay ưu đãi vẫn còn ở mức 20%/năm, nhiều ngân hàng vẫn đang thực hiện cho vay với lãi suất 21-22%/năm. “Mức lãi suất này chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Các ngân hàng đã mất niềm tin lẫn nhau khiến thị trường liên ngân hàng nhiều phiên chứng kiến sự rối loạn chưa từng có”, ông Nghĩa nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chỉ có thể giảm được lãi suất khi ổn định được tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý I/2012 thông qua các công cụ tái cấp vốn trực tiếp từ NHNN; tăng dự trữ bắt buộc để tạo nguồn cho cho NHNN điều hoà vốn từ ngân hàng thừa vốn sang ngân hàng thiếu vốn...

“Hiện các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 100 tấn vàng, vì vậy cần phải xem xét cho phép các ngân hàng sử dụng một phần số vàng này để kinh doanh vàng qua tài khoản nhằm sử dụng nguồn vốn từ vàng, ít nhất cũng vào khoảng 6-7 tỷ USD bổ sung tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa đề xuất.



Trần lãi suất đang bị xé

http://webgiavang.com/News/Details/3056-tran-lai-suat-dang-bi-xe


Sau một thời gian “lặng sóng”, thị trường tiền tệ bắt đầu tái diễn tình trạng lách trần lãi suất huy động, trong đó nhiều NHTM đẩy lãi suất tiết kiệm lên đến 21%/năm.

Bệnh cũ tái phát nhưng với cách thức khôn khéo, tinh vi hơn. Thách thức đặt ra là NHNN khó có thể trị theo kiểu “bắt tận tay” như năm ngoái.
“Chợ” loạn giá
Ngày 10-1 tại một NHTM khách hàng quen gửi 100 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất thực 18,5%/năm thông qua việc nhận tiền mặt tương đương 4,5%/năm trên hợp đồng ghi 14%/năm. Nhiều NHTM nhỏ khác chào lãi tiền gửi với số tiền trên 1 tỷ đồng lên 21%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Để né cơ quan chức năng, nhiều NHTM cử nhân viên đến tận nhà khách hàng để giao dịch. Giám đốc một chi nhánh VCB cho biết thời điểm rộ lên thông tin tái cơ cấu, hợp nhất NH, VCB hút được một lượng tiền lớn khi người dân chuyển tiền gửi từ NHTM cổ phần nhỏ sang NHTM nhà nước.
Tuy nhiên, gần đây VCB đã không thể giữ chân khách hàng vì lãi suất của nhiều NHTM lên đến 19-20%/năm. Theo vị lãnh đạo này, nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ gây thiệt hại cho những NHTM lớn thực hiện nghiêm túc trần lãi suất.
Đánh giá tình trạng trên, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng những năm gần đây NHTM giống như cái chợ, mỗi NH mỗi giá. Sở dĩ tái phát tình trạng này vì nếu cùng một mặt bằng lãi suất, người dân sẽ chuyển sang gửi tiền ở NHTM lớn. Để thanh tra NHNN khó phát hiện, nhiều NHTM đã lách bằng nhiều hình thức.
Vì vậy, theo ông Tuấn, nên khuyến khích các NHTM tự giám sát lẫn nhau. “Nếu phát hiện NHTM lách trần lãi suất, chỉ cần gửi tin nhắn thanh tra, giám sát NHNN sẽ vào cuộc ngay” - ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, một lãnh đạo NHTM cho biết các NHTM đang “thủ thế” và cẩn trọng hơn trước nhằm tránh bị NHTM khác “gài bẫy”. Hơn nữa, thủ thuật lách rất tinh vi và cơ chế cho phép nên NHNN dù biết cũng khó phạt.
Theo số liệu NHNN chi nhánh TPHCM, năm 2011 NHNN đã kiểm tra, phát hiện 62 đơn vị có sai phạm thông qua khuyến mại dưới hình thức tặng quà, thực hiện mua vàng có kỳ hạn có chênh lệch lỗ, nhận ủy thác đầu tư, môi giới hoa hồng…
Tuy nhiên, với những hình thức lách mới như chào mời khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 18%/năm thì không vi phạm quy định, vì đó là lãi suất trái phiếu.
Với hình thức này, NH huy động được vốn nhờ tiền gửi tiết kiệm, doanh nghiệp thì bán được trái phiếu để có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh. Khi bán trái phiếu cho khách hàng, NH còn cam kết sau một thời gian nhất định sẽ mua lại trái phiếu trên.
Biết vi phạm vẫn làm
Tại sao các NHTM lại lách lãi suất dù trước đó không ít NHTM đã bị NHNN xử phạt mạnh tay? Một lãnh đạo NHTM cổ phần cho biết nhiều NH đã bị mất khả năng thanh khoản do tình trạng nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ tín dụng khó, trong khi dòng vốn huy động tiếp tục sụt giảm.
Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy so với năm 2010, tiền gửi VNĐ của các tổ chức kinh tế và cá nhân giảm 6,43%. Với người dân, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ cao nên đây vẫn là kênh đầu tư tốt.
Do vậy khi áp trần lãi suất 14%/năm và giá vàng biến động sẽ khiến nhiều người rút gửi tiền để đầu tư, kinh doanh vàng, dẫn đến tình hình khó khăn cục bộ ở một số NHTM.
Ngoài ra, thị trường 2 (liên NH) cũng là nguyên nhân khiến NHTM lách lãi suất tiền gửi. Nhiều NHTM kiến nghị NHNN nên có giải pháp kích hoạt lại thị trường liên NH, vì gần đây thị trường này gần như không có giao dịch.
Các NHTM lớn vốn là chủ nợ duy trì giao dịch thanh khoản trên thị trường 2 như VCB, BIDV, Agribank gần như không bơm vốn ra thị trường này. Các NH có vốn ngại cho vay và yêu cầu có tài sản thế chấp, bởi trước đó nhiều NHTM nhỏ vay khất nợ đến nay vẫn chưa trả.

Trên thị trường liên NH đang có tình trạng NHTM được vay lãi suất rẻ lại không vay, trong khi có NHTM chấp nhận lãi suất cao nhưng không được vay. Chính lãnh đạo NHNN thừa nhận các NHTM có vốn trên thị trường 2 đang làm giá. Hiện tại ghi nhận lãi suất liên NH cao nhất đã lên đến 32%/năm.

Với mức lãi suất “cắt cổ” này nhưng phải thế chấp tài sản, các NHTM nhỏ không còn cách nào khác ngoài việc phải lách trần lãi suất huy động dù biết rằng có thể bị NHNN xử lý nặng nếu phát hiện.

Nhất là thời điểm cận tết nhu cầu rút tiền mặt của dân cư và doanh nghiệp rất lớn để mua sắm, chi lương thưởng cho người lao động. Điều này làm cho tình trạng thanh khoản của các NHTM nhỏ vốn đã khó càng khó hơn, đẩy các NHTM phải “đánh liều” huy động lãi suất vượt trần.

Liều thuốc nào?
Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng mục tiêu giảm lãi suất cho vay đang rất khó thực hiện bởi tình trạng lách lãi suất hiện nay. Theo ông Tuấn, có NHTM công bố dành 7.000 tỷ đồng cho vay khu vực nông thôn lãi suất 17%/năm. Nhưng thực tế NH này cho vay lãi suất 17%/năm chỉ chiếm 13%/tổng dư nợ, còn lại 87% dư nợ cho vay bình quân lãi suất 19,5%/năm.

Nhiều NHTM lớn kiến nghị NHNN nên đứng ra bảo lãnh các đảm bảo chi trả các khoản tiền gửi tại các NHTM yếu thanh khoản, khi đó các NHTM lớn thừa vốn mới dám bơm vốn cho vay để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường 2.

Theo một chuyên gia NH, trước áp lực lợi nhuận năm 2012 các NHTM sẽ càng tìm cách huy động để gia tăng cho vay. Đơn cử một NHTM có tổng tín dụng 10.000 tỷ đồng, được NHNN cho tăng trưởng tín dụng 10%, chắc chắn NH đó phải chạy đua huy động vốn thêm 1.500-2.000 tỷ đồng.
Vì thế, trong bối cảnh dòng vốn huy động đang sụt giảm, sẽ còn tái diễn việc các NHTM lách trần lãi suất trong năm 2012.

Theo nhiều chuyên gia NH, NHNN cần sớm tiến đến lộ trình bỏ trần lãi suất huy động. Nếu áp trần huy động phải quy định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể theo từng tổ chức tín dụng, phù hợp với năng lực tài chính, quy mô vốn và trình độ quản trị, trong đó đặt cả trong mối liên hệ với địa bàn, địa phương.

NHNN cũng có thể đưa ra hạn mức tín dụng từng quý, từng tháng. Chẳng hạn, NHTM nào đang mất khả năng trả nợ do mất cân đối giữa vốn huy động và cho vay, NHNN cần cấm NHTM đó cho vay trong quý I-2012 để tập trung thu hồi nợ.

Ngoài ra, NHNN cũng nên định hướng các NHTM yếu kém xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp với năng lực thực tế của mình, chứ không chỉ dựa vào vốn điều lệ rồi tìm mọi cách “chụp giựt” tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá.

Song song đó, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tái cơ cấu, sáp nhập những NHTM yếu kém để sớm làm lành mạnh hệ thống NHTM.


MAI THẢO
 

Ngân hàng Nhà nước cũng phải được tái cấu trúc?

http://webgiavang.com/News/Details/3028-ngan-hang-nha-nuoc-cung-phai-duoc-tai-cau-truc

NHNN là chủ thể “đẻ” ra 130 tổ chức tài chính, tín dụng. Đây là quan điểm của PGS. TS Võ Đại Lược – nguyên Thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Chính vì thế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đầu tiên phải tái cấu trúc Ngân hàng Nhà nước.

“Trong nền kinh tế thị trường, NHTW phải tăng tính độc lập. Nó càng độc lập bao nhiêu thì chính sách tiền tệ mới có thể phù hợp với kinh tế thị trường bấy nhiêu. Trong nền kinh tế thị trường, khi mà NHTW không có tính độc lập đủ để điều hành nền kinh tế, điều hành thị trường tiền tệ thì chắc chắn có vấn đề. Do vậy, chúng ta nên bàn đến đề án tái cấu trúc ngân hàng trung ương, đứng về cả chức năng nhiệm vụ và các thể chế qui định” – ông Võ Đại Lược nói. 

Trở lại với câu chuyện tái cấu trúc hệ thống các NHTM, PGS Võ Đại Lược cho rằng: Các NH của chúng ta hiện nay quản trị rất tùy tiện. Ngân hàng là một khu vực hết sức nhạy cảm, là động mạch của nền kinh tế thì không thể tùy tiện như cách làm hiện nay được mà phải theo chuẩn quốc tế. Các NH ở các nền kinh tế phát triển quản trị như thế nào thì chúng ta nên áp dụng bắt buộc đối với ngân hàng của ta như thế, từ việc công khai thông tin…

Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội): Để tái cấu trúc NH thành công phải đánh giá đúng thực trạng, bản chất và mức độ nghiêm trọng của những yếu kém trong hệ thống ngân hàng. Xác định đúng nguyên nhân và đưa ra quá trình tái cấu trúc tổng thể. Nếu không làm được điều này thì tái cấu trúc sẽ là quá trình ngắn hạn, chỉ đạt mục tiêu trước mắt. Trong dài hạn, nó sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề hiện có và nó sẽ làm cho hệ thống ngân hàng không thể phát triển bền vững”.

TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng: “Phía các NHTM nếu không hoạt động theo nguyên tắc thị trường, không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch thì rồi một ngày nào đó nó lại sẽ tiếp tục trở lại vấn đề đang đối mặt. Tại sao trước đây các NH báo lãi nhiều, đùng một cái giở sổ ra thì các NH lỗ rất nhiều và không cân đối được. Nó là hậu quả của việc không minh bạch, không đầy đủ. Nếu minh bạch thì tự thị trường sẽ điều tiết”.

Thế nhưng, thực tế, nợ xấu của NH hiện nay là bao nhiêu, ở mức nào thì không bao giờ được công bố. “NHNN công bố nợ xấu 3,5% nhưng tin tức nước ngoài lại bảo là phải 10%. Các NHTM của ta có tới 2-3 số liệu chứ không phải 1 số liệu, sổ sách đưa ra ngân hàng nào cũng rất nhiều lãi. Bên cạnh đó, chúng ta đặt ra hàng loạt điều kiện lãi suất trần, kiểm tra, cấm đoán… Với cách điều hành bằng hành chính rất mạnh thì đương nhiên các NHTM sẽ đối phó bằng những số liệu không thể chính xác được. Đây là nguy cơ rất lớn vì chúng ta không nắm được thông tin chính xác. Chính vì vậy, nhiều người nghi ngờ không chắc chỉ có 3 ngân hàng đã được sáp nhập là yếu mà có thể còn nhiều hơn”, theo PGS Võ Đại Lược.

Và trên hết, theo TS Quách Mạnh Hào - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, việc đưa ra con số báo cáo đẹp có thể làm hài lòng một số người về mặt giấy tờ, còn con số khả năng thực tế sẽ làm chúng ta giật mình về thực trạng.

Để xác định ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể, NHNN cần phải dựa trên các thông tin minh bạch để đánh giá và sàng lọc kỹ càng. Nợ xấu của các ngân hàng tăng nhanh nhưng thực chất vấn đề này của từng NHTM thế nào thì không ai có thể biết chính xác được, kể cả lãnh đạo NHNN, bởi vì còn có những NH báo cáo không trung thực.

Chỉ là chuyện cộng gộp hữu cơ?
Việc hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần được coi là sự kiện mở màn cho quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, còn nhiều chuyện đáng bàn về chủ đề này. “Chúng ta sáp nhập cũng bằng biện pháp hành chính chứ không phải là do thị trường quyết định như ở các nước. Gộp 3 ông lại chưa chắc đã mạnh, thậm chí có thể yếu hơn. Cách hợp nhất theo thị trường thì phải do những anh mạnh sẽ thôn tính anh yếu, tạo ra một anh mạnh hơn. Ba anh đều yếu gộp vào nhau thì không thể mạnh hơn được” – PGS Võ Đại Lược phân tích.

Việc nhìn rõ những điêm yếu của hệ thống ngân hàng từ phía những người làm thực tiễn sẽ mang lại một cách nhìn hiệu quả hơn trong quá trình tái cấu trúc. Xét cho cùng, nếu như sự thay đổi của một nền kinh tế nên bắt nguồn từ người tiêu dùng, thì sự thay đổi của hệ thống ngân hàng cũng nên bắt đầu từ quan điểm của những người làm thực tiễn, cụ thể là doanh nghiệp và người gửi tiền tiết kiệm. “Bước cần thiết đầu tiên của quá trình tái cấu trúc là việc tạo ra một hệ thống gương soi chuẩn cho hệ thống ngân hàng dựa trên thực tiễn Việt Nam, thay vì máy móc áp dụng những mẫu hình kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Nhiều ý kiến nói về việc sáp nhập ngân hàng như là một giải pháp, tôi cho rằng điều đó nên là hệ quả” – TS Quách Mạnh Hào nói.

 Nếu chi phí phân bổ không được làm rõ, việc tái cấu trúc tiếp tục bị trì hoãn do thiếu kinh phí cuối cùng sẽ phải chịu gánh nặng tài chính lớn hơn. Chi phí tái cấu trúc, một khi đã xảy ra khủng hoảng, thì sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, ví dụ như 20% GDP của Hàn Quốc, hơn 30% Thái Lan và 50% ở Indonesia.

Nợ xấu và xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2012 khi tỷ lệ nợ xấu thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với mức trên 3% tổng dư nợ mà NHNN công bố cuối tháng 8/2011. Theo lộ trình, từ ngày 1/4/2012, NHNN sẽ chính thức công bố đều đặn 5/12 chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng gồm CAR, ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự nợ trong từng lĩnh vực. Theo đó, việc chính thức công khai tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống có thể có những ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của người dân vào tính an toàn của hệ thống ngân hàng./.


Vũ Hạnh
 VOV

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Bắt đầu bùng nổ làn sóng sáp nhập ngân hàng?

http://webgiavang.com/News/Details/2988-bat-dau-bung-no-lan-song-sap-nhap-ngan-hang

Cùng với quyết tâm giảm nhanh ngân hàngyếu kém của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 được cho là sẽ bùng nổ các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng.

Sau khi hợp nhất, ngay ngày làm việc đầu tiên, ngân hàng hợp nhất SCB đã “chào” năm 2012 với chương trình khuyến mãi khủng và mạnh tay nâng lãi suất vàng. Sự mạnh dạn này cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, sáp nhập có thể là sự lựa chọn tốt.

Nhanh chóng phân loại
Những ngày qua, với việc Dragon Capital, REE và Ngân hàng ANZ thoái vốn khỏi Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhiều thông tin chưa chính thức cho rằng, sự việc này đang dự báo một hoạt động thâu tóm hoặc sáp nhập Sacombank trong tương lai gần. Ngoài ra, việc ANZ chính thức bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng khiến dư luận đồn thổi về việc có hay không sự “chia sẻ” trong tương lai gần giữa hai ngân hàng này.

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đến hiện tại, các thông tin xung quanh việc sáp nhập, mua bán, hợp nhất các ngân hàng vẫn chỉ là tin đồn. 

Tuy nhiên, ông này khẳng định, việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ được làm nhanh, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Ngân hàng Nhà nước sẽ chia các tổ chức tín dụng theo 4 nhóm, gồm nhóm hoạt động lành mạnh, nhóm hoạt động trung bình; nhóm dưới trung bình và nhóm hoạt động yếu kém. Để từ đó có những tiêu chí cụ thể về tái cấu trúc”, vị này nói và khẳng định, việc tái cơ cấu các ngân hàng nhóm dưới (trung bình và yếu kém) sẽ nhanh chóng thực hiện và nhiều khả năng sau khi làm xong thì số lượng các ngân hàng sẽ chỉ còn 2/3 hiện nay.

Chủ động tìm vốn
Dù Ngân hàng Nhà nước chưa khẳng định có hay không có làn sóng sáp nhập, mua bán, hợp nhất ngân hàng trong năm 2012 nhưng các chuyên gia và những người trong ngành thì cho rằng, yêu cầu về phát triển và tăng trưởng sẽ thôi thúc các ngân hàng làm việc này. “Nợ xấu bất động sản và việc thị trường này chưa thể khởi sắc nhiều trong năm 2012 sẽ khiến các ngân hàng phải tìm cách tái cơ cấu”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại TP HCM thì cho biết: “Tăng trưởng tín dụng trở nên eo hẹp hơn. Trong năm 2011, nhiều ngân hàng nhỏ như chúng tôi đã thấy khó sống, vì thế nếu tìm được người để bán cho tốt lên thì chúng tôi cũng bán”. Ngân hàng này hiện đang có hai đối tác tìm hiểu và trong tháng 2 này sẽ quyết định có hợp tác hay không. 

Chuyên gia Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận xét: “Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm nhanh các ngân hàng yếu kém là lý do chúng ta nhìn thấy khả năng sẽ có nhiều sự thay đổi về số lượng các ngân hàng trong tương lai gần. Ngoài ra, với thị trường chứng khoán như hiện nay, những khó khăn về tăng trưởng từ tín dụng cũng buộc một số ngân hàng phải tự tìm đối tác nâng vốn lên, chủ động xin sáp nhập để tồn tại”. 

Theo nhìn nhận, nửa sau năm 2012, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng sẽ được công khai, minh bạch và mạnh mẽ hơn, vì lúc này các ngân hàng biết việc sáp nhập, mua bán không  phải là điều gì nhạy cảm, đây là việc cần làm để lớn thêm, để tìm bước phát triển.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Vạch mặt 'kẻ' lũng đoạn thị trường bất động sản

http://tintuc.timnhanh.com/trangchu/dia-oc/20120105/35ac1c1d/Vach-mat-ke-lung-doan-thi-truong-bat-dong-san.htm


Chênh lệch cung cầu, hệ thống tài chính, tín dụng chưa hoàn thiện.. là một trong nhiều tác nhân gây bất ổn thị trường bất động sản.
Chênh lệch cung cầu

Thị trường bất động sản vài năm trở lại đây đã từng xảy ra những cơn sốt giá nhà, lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường dẫn đến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản. 

Kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính, dư nợ cho vay các dự án bất động sản tăng nhanh. Việc tập trung đầu tư quá lớn vào phân khúc bất động sản cao cấp, việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở, đã tạo nên những khu nhà ở bỏ hoang, lãng phí đất đai, tiền của của xã hội. Tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển tự phát còn diễn ra phổ biến. Các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo tăng vọt và nhiễu thông tin dự án, góp phần làm cho thị trường phát triển thiếu lành mạnh.

Chỉ tính riêng tại Thành phố Hà Nội khi rà soát để lập Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, số lượng các đồ án, dự án đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch là 785 đồ án, dự án với quy mô 59.078 ha; sau khi rà soát, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai (đợt 1) là 240 đồ án, dự án với quy mô 9.502 ha, trong đó có 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở với quy mô 5.125,8 ha.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi giá bất động sản sụt giảm mạnh, nguồn cung quá lớn vì vậy nhiều khả năng bong bóng bất động sản ở Việt Nam sắp vỡ.

Theo cách hiểu thông thường thì "bong bóng tài sản" xuất hiện khi giá cả tài sản cơ sở (ở đây là bất động sản) liên tục tăng làm cho các nhà đầu cơ kỳ vọng vào mức lợi nhuận lớn trong tương lai đã tham gia vào đầu cơ làm cho giá của tài sản trong một thời gian ngắn tăng cao quá giá trị thực của tài sản. Hệ thống tín dụng cũng căn cứ vào giá ảo của tài sản để cho vay thế chấp hoặc tham gia vào thị trường dưới nhiều hình thức (cho vay, chứng khoán hóa tài sản thế chấp, đầu tư nội bộ ...). Việc đầu cơ dẫn đến phát triển loại tài sản đó quá nóng trong thời gian ngắn, vượt quá nhu cầu thật (nhu cầu có khả năng thanh toán) của thị trường. Khi lợi nhuận kỳ vọng không còn, giá tài sản giảm đột ngột, các nhà đầu cơ đồng loạt rút khỏi thị trường dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho các khoản vay.

Khái niệm "bong bóng kinh tế" thường được dùng khi tác động tiêu cực của nó gây thiệt hại một khối lượng của cải khổng lồ, đồng thời kèm theo một giai đoạn bất ổn kinh tế kéo dài trên bình diện quốc gia hoặc quốc tế.

Còn ở Việt Nam, thị trường bất động sản hàng hóa còn nhỏ bé so với thị trường bất động sản phi hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực nhà ở. Nhu cầu về bất động sản, nhất là nhà ở lớn.

Mặt khác, thị trường bất động sản thứ cấp, chứng khoán hóa thị trường bất động sản ở nước ta hầu như chưa có; dư nợ tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Vì vậy, việc giao dịch nhà ở thương mại trầm lắng hiện nay cũng chỉ là tạm thời hoặc ở một số phân khúc thị trường nhất định, do đó nguy cơ "bong bóng" và đổ vỡ do "bong bóng" bất động sản là thấp.

Bất ổn
Nhìn ở góc độ khác thì giá bất động sản giảm về gần giá trị thực cũng là tín hiệu tốt để các đối tượng tham gia thị trường tiến hành tái cơ cấu đầu tư, người có nhu cầu thực có khả năng tiếp cận hàng hóa phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình.

Tuy vậy, cũng có những nguy cơ mất khả năng thanh khoản cục bộ tại một số tổ chức tín dụng nếu những tổ chức tín dụng đó tài trợ cho các dự án thiếu tính khả thi, tài trợ các phân khúc bất động sản cao cấp có tính thanh khoản thấp (kể cả nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn và trung tâm thương mại), cũng như các tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản quá lớn trong tổng dư nợ tín dụng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực chất là cho vay bất động sản, đầu tư bất động sản thông qua các công ty thành viên, khi thị trường trầm lắng kéo dài, doanh nghiệp không bán được sản phẩm thì nguy cơ mất vốn rất cao, gây nên sự bất ổn của hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở. Khi nguồn tín dụng từ ngân hàng bị hạn chế, nhất là khi lãi suất ngân hàng tăng cao dẫn đến khó khăn cho thị trường.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch bất động sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường bất động sản, cũng như của hệ thống ngân hàng.

Thị Trường vàng 2012: Còn ham hố, còn gánh rủi ro

http://webgiavang.com/News/Details/2947-tt-vang-2012-con-ham-ho-con-ganh-rui-ro

Nếu không có gì thay đổi về lộ trình chính sách của Ngân hàng Nhà nước, vàng sẽ trở nên một kênh đầu tư "rủi ro rất cao" trong ít nhất hai năm tới.

"Trả lại cho César"
Các nhà đầu tư vàng ở Việt Nam chắn chắn sẽ không hài lòng nếu nghe đến giả thuyết về vàng sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong tương lai, mà trước mắt là trong năm 2012 này.

Những người không hài lòng nhất sẽ có thể lấy ngay minh chứng rằng trong năm 2011, chẳng có kênh đầu tư nào khác ngoài vàng mà đã làm nên những cú tăng trưởng ngoạn mục, đem lại tỷ lệ lời lãi đến ít ra 30% cho người cầm vàng.

Đến cuối năm Tân Mão, cho dù giá vàng trong nước đã giảm khá nhiều nhưng vẫn còn chênh cao hơn thời điểm đầu năm 2011 khoảng 10%. Tỷ lệ này chỉ có thể được cạnh tranh bởi kênh tiết kiệm ngân hàng, trong khi giá ngoại tệ gần như làm thành một đường kéo ngang, còn bất động sản và chứng khoán thì trượt hết từ hố bĩ cực này xuống hố bĩ cực khác.

Lý lẽ trên là hoàn toàn đúng. Nhưng đáng tiếc là nó chỉ thích hợp cho đến hết quý 3/2011. Còn từ đầu quý 4 trở đi, giá vàng thế giới đã phải "trả cho César những gì thuộc về César".
Nghe như một triết lý ngược ngạo, trong lúc vẫn còn quá nhiều người kỳ vọng vào việc giá vàng thế giới sẽ còn tăng, tăng mạnh hơn nữa.

"Thật bất ngờ là vàng lại không giữ được các mức giá cao trong một môi trường đầy bất ổn như hiện nay. Tôi cho rằng, trong năm 2012, vàng sẽ là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại", ông Christoph Eibl, người sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu cơ hàng hóa cơ bản Tiberius ở Thụy Sỹ, nhận định.

Vậy là đã có một sự thay đổi cơ bản về quan niệm như trường hợp Christoph Eibl. Chỉ cách đây 3-4 tháng, những nhà đầu tư như ông ta không phải là hiếm, đã đóng góp một lời đồn thổi về chuyện giá vàng có thể ít nhất chạm mốc 2.000 USD/oz vào cuối năm 2011.

Nhưng vì sao giá vàng lại không thể lên cao hơn nữa, để ít nhất cũng vượt qua đỉnh cũ của nó là 1.923 USD/oz được lập vào tháng 8/2011? Không ít người đã bị bất ngờ vì chính "tật xấu" của họ, một loại tâm lý đặc thù của các nhà đầu cơ vàng: chỉ mong cái thế giới này càng bất ổn càng tốt!

Song triết lý ngược ngạo đã xảy ra, đơn giản là do giá vàng thế giới đã tạo bong bóng. Trong suốt 11 năm qua, kể từ mốc thời điểm năm 2000, giá vàng thế giới đã tăng 7,6 lần. Trong khi đó giá vàng Việt Nam tăng đến một chục lần chẵn.

Sự trả giá cho một quá trình đầu tư tích lũy liên tục là tất yếu phải xảy ra. Cũng như bong bóng bất động sản hay bong bóng chứng khoán, tiền đầu cơ được dồn vào vàng hết chu kỳ này đến chu kỳ khác, bất chấp khả năng tăng trưởng của giá vàng chỉ có giới hạn so với nhu cầu đích thực của xã hội, đã khiến cho ngay cả SPDR, quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới, cũng đã lâm vào cảnh lỗ lã trong quý IV/2011.

40 tấn vàng là con số bán ròng mà SPDR đã thực hiện chỉ trong tháng 12/2011. Còn số bán ròng của công ty SJC và những doanh nghiệp vàng khác ở Việt Nam thì tất nhiên... không được công bố.

Với tư cách hoàn toàn thiếu minh bạch, trong khi đầy rẫy hành vi làm giá, thị trường vàng Việt Nam đã trở nên một loại hình đầu cơ "linh hoạt và uyển chuyển" nhất trong năm Con Mèo. Vượt hơn nhiều so với cơ chế thả nổi lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại, giá vàng trong nước đã thường xuyên chênh cao hơn giá thế giới từ 2-4 triệu đồng/lượng mà không quá lo ngại bị thanh tra Ngân hàng nhà nước "sờ gáy".

Nhưng sự an ủi hiếm hoi là dù có nổi bật về hình ảnh đầu cơ, thị trường vàng Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ trong xu thế giảm điều chỉnh của giá vàng thế giới. Ít ra từ đỉnh được lập vào tháng 8/2011, nếu đến nay giá vàng thế giới đã giảm khoảng 20% thì giá vàng trong nước cũng phải mất 15%.

Tăng mạnh hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ tăng, và giảm nhẹ hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ giảm - đó cũng là một đặc tính đầu cơ nổi bật của thị trường vàng trong nước.

"Rủi ro" từ tái cấu trúc thị trường vàng
Trong một lần trả lời báo chí trước thềm năm mới 2012, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nêu ra một nhận định rất đáng chú ý: "Với chính sách quản lý vàng, trong thời gian tới, vàng cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí rủi ro rất cao".

Có thể, điều đáng chú ý nhất xét trên phương diện chức vụ, là lần đầu tiên từ khi nhậm chức vào tháng 8/2011, ông Bình đề cập đến tính hấp dẫn của một số kênh đầu tư.

Và cũng là lần đầu tiên trong những năm gần đây, kênh đầu tư vàng đã bị loại thẳng thừng, còn kém hơn cả đối thủ đang quá đau khổ của nó là chứng khoán.

Thoạt nghe nhận định trên, giới nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp và cả những người đầu tư vàng nghiệp dư có lẽ sẽ bị bất ngờ, cũng như những người đã mong cho kinh tế thế giới suy thoái nhưng rốt cuộc đến nay đầu tàu Mỹ lại đang có những dấu hiệu đầu tiên của sự gượng dậy.

Nhưng sẽ chẳng mấy bất ngờ nếu quan sát những động thái về chính sách quản lý vàng của Ngân hàng nhà nước từ tháng 8/2011 đến giờ.

Vào cuối tháng 8/2011, lần đầu tiên một ý tưởng về "huy động vàng trong dân" đã được thống đốc Ngân hàng nhà nước phác ra. Nhưng khác rất nhiều với rất nhiều ý tưởng không hề trở thành hiện thực trong quá khứ, lần này chỉ sau 3 tháng, đề án huy động vàng trong dân đã được Ngân hàng Nhà nước cơ bản hoàn thành và trình lên Chính phủ.

Đi kèm với đề án trên là một bộ khung về cơ chế chính sách, tức hàng loạt thông tư liên quan đến việc huy động và cho vay bằng vàng được áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Chẳng khó khăn gì, giới phân tích vàng cũng nhận ra mặc dù giá vàng trong nước vẫn còn luôn chênh cao hơn hẳn so với giá vàng thế giới và vẫn còn gấp hơn 3 lần so với năm 2008, nhưng chỉ trong quý cuối cùng của năm Con Mèo, những doanh nghiệp kinh doanh vàng có tiếng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, AJC... đã rơi vào một cơn chao đảo hiếm thấy.

Những thay đổi từ chính sách quản lý vàng đã khiến một số thương hiệu vàng truyền thống có nguy cơ biến mất.

Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với kênh đầu vàng không phải là giảm giá theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới, mà là hình ảnh cạn kiệt khá nhanh chóng về tính thanh khoản.
Khác hẳn với giai đoạn tháng 7-9/2011, gần đây người ta thường phản ánh quan hệ cung - cầu ở các tiệm vàng như kiểu "chín người bán một người mua". Phải chăng tỷ lệ mang tính tượng trưng này lại có thể trở thành một cơ sở xác thực nhằm lượng định khả năng mua bán vàng trong thực tế?

Chưa kể đến một ý tưởng, mà cho đến nay đã không còn thuần túy là ý tưởng, về cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng. Ý tưởng này, được xem là một thành phần quan trọng trong bản dự thảo nghị định vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang trình cho Chính phủ, đang tạo cơ hội cho một số ngân hàng lớn được độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng và có thể chuyển qua kinh doanh vàng theo cơ chế tài khoản.

Tức cách hành xử hoang dại như thị trường đầu cơ vàng tự do trong thời gian qua sẽ có thể được "tái cấu trúc" như một hình thể của "thị trường đầu cơ vàng có tổ chức".

Còn hàng chục ngàn doanh nghiệp vàng tư nhân cũng có "cơ hội" để đóng cửa đối với vàng miếng khi bắt buộc phải chuyển sang vàng trang sức.

Tất cả những dòng sông nhỏ dường như đều tập kết ở một thời điểm: tháng 5/2012. Vào thời điểm ấy, nếu kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước cơ bản được hoàn thành, hoạt động kinh doanh vàng tự do và có thể cả thói quen đầu cơ vàng sẽ "được cơ bản chấm dứt". Thay vào đó, như thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích trong một nội dung trả lời phỏng vấn báo chí, người dân sẽ tìm thấy những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Có vẻ đó cũng là số phận của kênh đầu tư vàng, mà nếu dự cảm đúng thì trong trung hạn và có thể cả dài hạn, vàng miếng sẽ phải chịu cảnh giảm mạnh về giá và cả về thanh khoản. Rất có thể, nếu không có gì thay đổi về lộ trình chính sách của Ngân hàng Nhà nước, vàng sẽ "phải" trở nên một kênh đầu tư "rủi ro rất cao" trong ít nhất hai năm tới.

Viết Lê Quân
 VEF

Lợi nhuận và rủi ro của ngân hàng Việt Nam


Câu chuyện đằng sau những khoản lãi lớn của các ngân hàng - những khoản lãi làm doanh nghiệp khác chỉ trích nhưng cũng chưa làm hài lòng cổ đông các ngân hàng.

Từ câu chuyện lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng
Bất chấp nền kinh tế trong năm 2011 vẫn còn nhiều khó khăn, các ngân hàng vẫn tiếp tục đạt được mức lợi nhuận cao từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, tùy theo quy mô từng ngân hàng. Điều này đã không thể tránh khỏi những chỉ trích từ nhiều phía, đặc biệt là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ hoặc thậm chí phá sản. Như nhiều ý kiến đã phân tích, mặc dù mức lợi nhuận, nếu nhìn vào con số tuyệt đối, thì có vẻ rất cao nhưng nếu so sánh với quy mô tài sản (ROA) và vốn tự có (ROE) của ngân hàng thì chưa hẳn là quá cao.

Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù có mức lợi nhuận cao nhưng xem ra vẫn chưa thể làm hài lòng các cổ đông ngân hàng và nhà đầu tư. Bằng chứng là giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán hiện vẫn ở mức rất thấp và cũng chưa phải quá hấp dẫn so với cổ phiếu các nhóm ngành khác như vài năm trước đây.

Điều này cho thấy rằng, thước đo mà nhà đầu tư đánh giá hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng không phải chỉ có lợi nhuận mà còn là rủi ro. Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro được thể hiện thông qua giá trị của ngân hàng trên thị trường, tức thị giá cổ phiếu của ngân hàng. 

Nếu có ai đó tin rằng, lợi nhuận của ngân hàng cao một cách vô lý trong điều kiện các doanh nghiệp đang khốn đốn thì một lẽ tự nhiên là họ sẽ bán cổ phiếu doanh nghiệp hoặc/và đem tài sản hiện có để mua cổ phiếu ngân hàng. Trong thực tế đã không có một làn sóng như vậy diễn ra mỗi khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Chắc chắn rằng các nhà đầu tư vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng lợi nhuận của ngân hàng không phải “của trời cho” mà lợi nhuận đó đang phản ánh những rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải.

Nhận dạng vấn đề rủi ro của ngân hàng
Có quá nhiều rủi ro mà các ngân hàng đang phải đối mặt như rủi ro lạm phát, thị trường, lãi suất, hối đoái, tái đầu tư, tác nghiệp... nhưng nổi bật trong năm 2011 cần phải kể đến rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và đặc biệt là rủi ro chính sách.

Rủi ro tín dụng
Như đã nói, thước đo lợi nhuận, ngay cả khi có bộ tiêu chuẩn kế toán tốt, vẫn không thể lượng hóa hết được hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, nó không thể phản ánh hết được tất cả các loại rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải. Lợi nhuận mà ngân hàng công bố hiện nay có phần phản ánh rủi ro tín dụng thông qua các khoản trích lập dự phòng. 

Tuy nhiên, ngay chính tiêu chuẩn và điều khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành vẫn còn nhiều khiếm khuyết, không phản ánh được thực chất các nguy cơ rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải. Chẳng hạn như các khoản cho vay khi được bảo đảm bằng 100% giá trị tài sản cũng không đồng nghĩa với việc là sẽ không có rủi ro tín dụng. Tài sản đảm bảo được định giá vào thời điểm cấp tín dụng và để làm cơ sở quyết định mức cho vay thay vì là thời điểm trả nợ và để làm cơ sở hoàn trả được nợ vay.

Hơn nữa, với các khoản nợ được bảo đảm 100% giá trị tài sản thì mức trích lập dự phòng rủi ro gần như bằng không, bất kể mức độ và xác suất xảy ra rủi ro tín dụng như thế nào. Hơn nữa, trong điều kiện thị trường có nhiều biến động thì việc giá trị tài sản giảm sâu hoặc kém thanh khoản là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với các ngân hàng Việt Nam, khi nhóm tài sản đảm bảo hiện nay chủ yếu là bất động sản thì việc thị trường bất động sản xấu đi vừa không chỉ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng là các nhà đầu tư bất động sản mà còn là các khoản nợ được thế chấp bởi bất động sản (bất động sản dân cư). Trong những trường hợp như vậy, việc đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo cũng như việc thực hiện bút toán điều chỉnh theo giá trị trường (marking-to-market) là rất cần thiết nhưng thực tế đã bị bỏ qua hoặc không được tiến hành một cách thực chất và đúng bản chất của rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng ở các ngân hàng Việt Nam còn do sự gia tăng của hiện tượng bất cân xứng thông tin trong bối cảnh bất ổn vĩ mô mà biểu hiện là hành vi lựa chọn ngược (adverse selection). Trái với quan điểm thông thường cho rằng khi lãi suất cho vay cao sẽ giúp loại bỏ các dự án tồi có suất sinh lợi kém, đồng thời chọn lọc những dự án tốt với mức sinh lợi cao.

Đáng tiếc, trong điều kiện Việt Nam, khi lãi suất cho vay quá cao thì chính những con nợ rủi ro mới là đối tượng sẵn sàng tiếp cận vốn vay chứ không phải là con nợ an toàn. Nghĩa là, do ngân hàng không có thông tin đáng tin cậy về người đi vay và do đó không thể phân biệt được con nợ tốt với con nợ xấu nên khi lãi suất quá cao đã đặt ngân hàng vào thế lựa chọn bất lợi chứ không hoàn toàn là người đi vay mới bị bất lợi. 

Như vậy, nếu nhìn ở góc độ này thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không khống chế trần lãi suất cho vay không chỉ gây bất lợi cho người đi vay như một số phân tích mà ngay cả bản thân ngân hàng cũng sẽ gặp rủi ro do lựa chọn ngược. Hiện, không có một đánh giá đáng tin cậy nào về tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng nhưng có điều chắc chắn con số đang tăng lên và tăng nhanh khi khả năng đảo nợ của doanh nghiệp đã đạt đến điểm giới hạn của nó.

Rủi ro thanh khoản
Khác với rủi ro tín dụng thường diễn ra theo một tiến trình, từ những dấu hiệu khó khăn ban đầu như tỷ lệ nợ xấu tăng dần đến quá trình tái cơ cấu nợ. Trong khi đó, rủi ro thanh khoản thường mang tính chất bất ngờ, không nhất thiết phải là những khó khăn trong bảng tổng kết tài sản, và đặc biệt nguy hiểm bởi khả năng lây lan có tính hệ thống trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Có một số công cụ hay phương thức mà các ngân hàng có thể sử dụng nhằm giảm rủi ro thanh khoản như vay liên ngân hàng, vay tái cấp vốn của NHNN, phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (NCDs) hoặc bán các tài sản ngắn hạn... Tuy nhiên, hoạt động vay mượn trên thị trường liên ngân hàng hiện đang bị tắc nghẽn. Công cụ vay tái cấp vốn của NHNN cũng ít khi phát huy hiệu lực do những trở ngại hành chính từ quyết định cấp hạn mức tái cấp vốn và bản thân các ngân hàng cũng không có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn để tái chiết khấu. Các tài sản ngắn hạn nhằm dự trữ thanh khoản như tín phiếu kho bạc cũng chỉ có quy mô nhỏ, lại được phân bổ không đều và không hợp lý giữa các ngân hàng. Thị trường mở không phải là sân chơi cho tất cả các ngân hàng, đặc biệt đối với những ngân hàng đang gặp nhiều áp lực thanh khoản nhất hiện nay.

Hơn nữa, bản thân các ngân hàng, do áp lực cạnh tranh trong việc huy động vốn bởi rào cản trần lãi suất, cũng đã tự làm khó mình khi sáng tạo ra các tài khoản tiền gửi hết sức đa dạng mà bản chất cũng là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Chẳng hạn như các tài khoản có kỳ hạn vẫn dễ dàng rút trước hạn một cách linh hoạt mà không kèm ràng buộc nào hoặc tiền gửi kỳ hạn cực ngắn sẽ càng làm gia tăng tính chất bấp bênh của dòng vốn ngân hàng. Cuối cùng, thị trường thứ cấp cho các giao dịch NCDs vẫn chưa hình thành, trong khi thị trường sơ cấp vẫn ở mức độ sơ khai.

Ngoài ra, một phần của rủi ro thanh khoản hiện nay còn phản ánh rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải như đã nói ở trên. Một tỷ trọng không nhỏ các khoản nợ đang bị găm giữ vào thị trường bất động sản và chứng khoán đã khiến cho dòng vốn không thể xoay vòng được cũng góp phần vào rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, chính sách trần lãi suất huy động của NHNN mới là tác nhân trực tiếp làm gia tăng những căng thẳng của rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Rủi ro chính sách
Bên cạnh rủi ro tín dụng và thanh khoản thì có một rủi ro khác ít được đề cập hơn mà các ngân hàng vẫn thường xuyên đối mặt đó chính là rủi ro chính sách. Tiếp nối dư địa chính sách của những năm trước, trong năm 2011, môi trường chính sách liên tục có nhiều thay đổi ở cả hai cấp độ vĩ mô và ngành (ngân hàng). 

Nếu như Nghị quyết 11 được ban hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết thì chính việc thực thi nghị quyết này ở cấp độ ngành lại tạo ra những xáo trộn không nhỏ trong hoạt động của các ngân hàng. Sự điều hành chính sách kiểu hành chính lại có thiên hướng bị lạm dụng quá mức, thậm chí NHNN có những can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Trong điều kiện đó, các ngân hàng không chắc rằng những quyết định hay giao dịch của mình liệu có hợp pháp không và có khả năng vi phạm các quy định “sắp tới” của NHNN không.

Khi môi trường chính sách thay đổi và không thể dự đoán thì các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng cũng bị phá vỡ. Do không thể biết được, với một độ tin cậy nhất định, điều gì sẽ xảy ra nên tính chất bất ổn của môi trường pháp lý hiện nay thể hiện là sự bất trắc (uncertainty) chứ không còn là rủi ro (risk). Trong môi trường bất trắc không suy giảm, các ngân hàng không thể chủ động lập được chiến lược kinh doanh phù hợp, thay vào đó là các sách lược phòng thủ và đối phó. Khi các ngân hàng phải lo đối phó với các thách thức chính sách ngắn hạn như vậy thì sẽ không còn đủ nguồn lực để giải quyết những rủi ro và các thách thức có tính chất dài hạn khác.

Tóm lại, lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay là tương đối cao nhưng xem ra vẫn chưa thể phản ánh hết được những rủi ro mà ngân hàng đang đối mặt. Tuy nhiên, bài toán của các ngân hàng hiện nay không phải là tiếp tục tìm cách gia tăng lợi nhuận mà là phải giảm rủi ro. Giảm rủi ro không chỉ là trách nhiệm của từng ngân hàng hay hệ thống ngân hàng mà còn là của NHNN và cả Chính phủ. Trong khi NHNN cần phải trả lại cho thị trường những thứ vốn không thuộc về mình thì Chính phủ cần phải giảm được tính bất ổn trong môi trường chính sách.
 
Đỗ Thiên Anh Tuấn