Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Không thể ca mãi điệp khúc 'rút kinh nghiệm'

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/77710/khong-the-ca-mai-diep-khuc--rut-kinh-nghiem-.html


Cử tri quận 4, TP.HCM đặt câu hỏi cho Chủ tịch nước về việc quy trách nhiệm cá nhân khi quản lý lỏng lẻo, để thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ngày 23/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri với cử tri quận 4, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, vừa bế mạc trước đó 2 ngày.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bùi Công Sự (phường 16) bày tỏ lo ngại về tình trạng quản lý lỏng lẻo hiện nay của cơ quan chức năng. Cụ thể là việc khai thác sa khoáng, vàng bạc, ti tan… đã để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, mà cuối cùng thì người dân phải lãnh đủ hậu quả. Tiếp đó là việc để cho người nước ngoài vào mọi địa bàn thu mua nông, hải sản, nuôi trồng không tuân thủ luật lệ của nhà nước, thao túng giá cả, gây thiệt hại cho người dân. Không chỉ vậy, còn có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế, phá hoại thương hiệu hàng hóa mà gần 20 năm qua Việt Nam xây dựng mới có được. 





“Đề nghị Quốc hội, Nhà nước xem lại con người trong hệ thống của mình. Đặc biệt là cần quy trách nhiệm tập thể, cá nhân gây ra hậu quả, chứ không thể nói mãi việc rút kinh nghiệm nghiêm khắc, nhưng nói xong cho an dân rồi để đấy”, ông Sự nêu.

Ông cũng cho rằng, cần có chế tài đình chỉ chức vụ để thay thế những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng quan điểm, cử tri Tiêu Tôn Lượng (phường 9, quận 4) cho rằng để phát triển nền nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể để giúp người nông dân an tâm đầu tư phát triển, nhất là để tránh tình trạng bị người nước ngoài thao túng. “Làm sao để không còn tình trạng như tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua, tư thương Trung Quốc vào làm lũng đoạn nền kinh tế sông nước”, ông Lượng bức xúc.

Trả lời thắc mắc của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, người nước ngoài vào Việt Nam mua sản phẩm, mở phòng mạch, nuôi cá... ngoài một số chấp hành pháp luật, cũng có một số không chấp hành pháp luật của Việt Nam.  “Tôi mong cô bác với nhiều tư cách khác nhau nhắc nhở các cấp chính quyền chức năng kiểm soát, giám sát. Quan trọng nhất, tôi nghĩ rằng tự trách mình, trách cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát chưa làm tròn trách nhiệm”, ông Sang nói.




Bức xúc trước thực trạng thời gian qua, một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước như Vinalines, Vinashin… đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm, không thấy ai đưa đơn từ chức mà chỉ nói rút kinh nghiệm. “Người dân chúng tôi rất không đồng tình. Cá nhân làm sai, tập thể phải chịu, toàn dân phải gánh nợ, điều đó thật không công bằng”, cử tri Hoàng Hữu Hiền (phường 3) phản ánh.

Đồng tình, cử tri Nguyễn Quốc Việt (phường 3) cho rằng phải quyết liệt điều tra, quy trách nhiệm và mạnh tay xử lý những tiêu cực như thế này. Có vậy người dân mới có thêm lòng tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Nhà nước.  Ngoài ra, nhiều cử tri cũng quan tâm đến lãi suất cho vay của các ngân hàng. Nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản do thiếu vốn, trên thực tế chẳng mấy doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để vực dậy sản xuất.

Vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài là phải ổn định kinh tế vĩ mô để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước. “Nếu chỉ xử lý trước mắt mà không nhìn về lâu dài thì nay mai lại lạm phát nữa”, ông Sang nói. 

Cũng theo Chủ tịch nước, những sai phạm của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, sự tắc trách của các địa phương trong việc chưa quản lý tốt người nước ngoài nhập cư… sẽ được đôn đốc, nhắc nhở, kiểm soát kỹ hơn, sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu và có chế tài xử lý.

Quốc Thái

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Mô hình công ty không cần sếp

http://tintuc.timnhanh.com.vn/kinh-te/kinh-te-the-gioi/20120621/35AC7858/Mo-hinh-cong-ty-khong-can-sep.htm

Cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, Valve Corp., một hãng trò chơi video ở Bellevue, bang Washington, Mỹ, có cà phê espresso cao cấp, dịch vụ mát xa và giặt khô là hơi miễn phí ngay tại văn phòng. Chỉ có điều, công ty này không có bất kỳ một sếp nào.

1512409453_00_bdaa7
Bên trong văn phòng của Valve, một công ty "không sếp" - Ảnh: WSJ.

Trên website của mình, Valve khoe, họ đã ở trong tình trạng “không sếp” kể từ khi được thành lập vào năm 1996. Ngoài ra, công ty này cũng chẳng có quản lý và cũng không có dự án nào được phân công cho ai. Thay vào đó, toàn bố 300 nhân viên của Valve tự tuyển dụng các đồng nghiệp của mình vào làm việc trong những dự án mà tự họ cho là đáng làm. Ở công ty này, tính di động được đề cao đến nỗi, bàn làm việc được gắn bánh xe, cho phép di chuyển để hình thành các khu vực làm việc theo ý muốn của mọi người.

Theo báo Wall Street Journal, ở những công ty “không sếp” như Valve, cấp bậc là thứ không tồn tại, thù lao do chính những người làm việc cùng nhau quyết định, thời gian làm việc ra sao cũng là chuyện tự chỉ đạo. Vậy làm thế nào mà các công việc được hoàn thành?

“Đây là một mô hình kém hiệu quả hơn. Một khi có tổ chức tốt phía sau, công việc mới diễn ra trôi chảy”, bà Terri Kelly, Giám đốc điều hành của W.L. Gore, công ty sản xuất vải chống thấm Gore-Tex ở bang Deleware, nhận xét. Tuy nhiên, ở công ty này, ngoài bà Kelly là CEO ra, chỉ có thêm rất ít các chức danh lãnh đạo khác.

Trong mấy năm gần đây, các công ty đã san bằng dần các cấp quản lý, cắt giảm bớt các tầng lãnh đạo trung gian vốn bị xem là có nguy cơ tạo ra các “nút thắt cổ chai” và làm năng suất làm việc. Chỉ có một vài công ty đưa ý tưởng này tiến xa hơn bằng cách loại bỏ hoàn toàn các sếp, với lập luận rằng, cách làm này sẽ tạo động lực cho nhân viên và giúp họ cảm thấy linh hoạt hơn,cho dù không có sếp đồng nghĩa với việc, một số nhiệm vụ như ra quyết định và tuyển người sẽ ngốn thêm thời gian.

Tại Valve, không có chuyện thăng tiến, chỉ có những dự án mới. Để quyết định chuyện lương thưởng, các nhân viên xếp hạng đồng nghiệp của mình, trừ bản thân, bằng cách biểu quyết xem ai tạo ra nhiều giá trị nhất. Tuy nhiên, Valve từ chối cung cấp thêm thông tin về tiền lương tại công ty.

Nhân viên nào ở Valve cũng có thể tham gia và các quyết định tuyển người - những quyết định thường được đưa ra bởi các nhóm. Sa thải rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có sẽ thực hiện theo cùng cơ chế: các nhóm cùng nhau quyết định sa thải nếu ai đó không được việc.

Theo tiết lộ của anh Greg Coomer, một người đã làm việc tại Valve 16 năm, đối với các dự án, thường có một người nổi lên với tư cách quản lý danh nghĩa. Nếu không ai dẫn đầu, thì đó được xem là dấu hiệu cho thấy dự án này không đáng được thực hiện.

Khi các đồng nghiệp tại Valve bất đồng ý kiến về việc giữ hay hủy sản phẩm, thị trường sẽ là người quyết định. “Khi chúng tôi không thể đạt được sự nhất trí, điều hiếm khi xảy ra, chúng tôi sẽ đưa hàng ra thị trường và xác định xem ai đúng”, anh Coomer cho biết.

Việc sử dụng những con người có động cơ làm việc cao là yếu tố sống còn để đảm bảo sự thành công cho mô hình công ty “không sếp”. Và không phải ai cũng thích nghi được với mô hình như thế này. Hầu hết nhân viên trong công ty “không sếp” đều phải mất từ 6 tháng tới 1 năm để thích nghi. Theo anh Coomer, nhiều người không thích nghi nổi đã phải bỏ đi để tìm những công ty có mô hình làm việc truyền thống.

Công ty “không sếp” cũng có nhiều điểm yếu. Không có nhà quản lý, việc xác định những người làm việc kém hiệu quả trở nên khó khăn hơn. Thậm chí cuốn sổ tay nhân viên của Valve, cuốn sổ giải thích về triết lý và các quy trình làm việc của công ty này, cũng ghi chú rằng, những quyết định tuyển dụng tồi “đôi khi không được kiểm soát trong thời gian quá dài”.

Những nghiên cứu gần đây về giá trị của những tổ chức không có cấp bậc cho thấy kết quả trái ngược. Một nghiên cứu do của Đại học Iowa và Đại học Texas A&M phối hợp thực hiện tìm ra rằng, những nhóm công nhân nhà máy tự giám sát có xu hướng làm việc hiệu quả hơn những công nhân có cấp quản lý, miễn là các thành viên trong nhóm phối hợp ăn ý với nhau. “Những nhóm như vậy tự thực hiện hầu hết chức năng quản lý. Họ làm việc cùng nhau, khuyến khích và hỗ trợ lẫn nhau, và họ phối hợp với các nhóm khác. Họ cùng nhau thực hiện vai trò của một quản lý tốt”, ông Stephen Coutright, một đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại cho thấy, mô hình làm việc có sếp đôi khi có thể tăng hiệu quả làm việc của nhóm và việc có một vai trò rõ ràng lại giúp mọi người làm việc tốt hơn.

Nhiều năm qua, hãng công nghiệp General Electric (GE) của Mỹ đã có một số cơ sở sản xuất trong lĩnh vực hàng không không có quản đốc hay quản lý hiện trường. “Đại gia” công nghiệp này cho rằng, họ sử dụng mô hình như vậy nhằm tăng năng suất lao động tại những nhà máy có khối lượng công việc và số lượng nhân công hạn chế. Ở những nhà máy như vậy, mỗi công nhân có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc.

Các nhà máy như vậy của GE cũng có một giám đốc, người chịu trách nhiệm đặt mục tiêu sản lượng và giải quyết vấn đề xảy ra, nhưng không trực tiếp chỉ đạo công việc hàng ngày. Trong khi đó, thành viên của các nhóm công nhân tự nguyện đảm nhận các nhiệm vụ. Trước mô ca làm việc, họp tập trung lại để thảo luận những công việc cần làm và những vấn đề cần giải quyết.

Mô hình đội tự quản này được GE áp dụng lần đầu cách đây 2 thập kỷ tại nhà máy ở Durham, North Carolina. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều cơ sở của hãng. Hiện tại, mô hình này dự kiến sẽ được áp dụng tại toàn bộ 83 cơ sở với tổng cộng 26.000 nhân viên thuộc công ty GE Aviation, một công ty con của GE.

Theo ông Chris Wanstrath, CEO của hãng phần mềm GitHub ở San Francisco, nhiều nhân viên cảm thấy dễ dàng phát triển sự nghiệp hơn khi không có nhiều tầng quản lý, cho dù việc thăng tiến có thể là điều khó khăn ở những đơn vị không có nấc thang doanh nghiệp. Ông Wanstrath cho biết, chức danh CEO của ông chỉ là danh nghĩa ở công ty có 89 nhân viên này. Sản phẩm của GitHub cho phép các nhóm nhân viên làm việc nhau để xây dựng phần mềm mà thường không cần tới sự hỗ trợ của cấp quản lý.

Tại GitHub, một nhóm nhỏ các nhân vật cấp trên chuyên nhiệm vụ giải quyết các vấn đề của công ty và giao tiếp với bên ngoài, nhưng không ra mệnh lệnh cho nhân viên. Các nhóm nhân viên tự quyết dự án nào là ưu tiên, và bất cứ ai cũng có thể tự do gia nhập một dự án ở bất kỳ mức độ công suất nào mà họ lựa chọn. “Bạn có quyền chọn nơi mà bạn được việc nhất”, ông Wanstrath cho biết.

Anh Tim Clem, 30 tuổi, gia nhập GitHub vào năm ngoái với công việc mã hóa đầu cuối. Vài tháng sau khi nhận việc, anh thuyết phục đồng nghiệp rằng công ty cần phát triển một sản phẩm cho người dùng Microsoft Windows. Anh dẫn đầu dự án này, đứng ra thuê một nhóm nhân viên giúp anh phát triển một ứng dụng mới được công bố gần đây. Clem cho rằng, mô hình “không sếp” có thể lộn xộn ở một số thời điểm, nhưng “bạn sẽ cảm thấy có tất cả sự tin tưởng, tự do và quyền làm chủ. Nó khiến bạn muốn làm việc nhiều hơn”.

Trở lại với công ty W.L. Gore đã nói ở trên. Kể từ khi được thành lập vào năm 1958, công ty này đã vận hành theo một cơ chế quản lý mà công ty gọi là “hàng rào mắt cáo”. Mô hình này dựa trên các nhóm nhân viên thay cho các sếp và các chuỗi mệnh lệnh truyền thống. Mô hình như vậy đã được tác giả Malcolm Gladwell đưa ra bàn bạc trong cuốn sách “The Tipping Point” xuất bản hồi năm 2000.

10.000 nhân viên của W.L. Gore - những người làm việc chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất - đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo dựa trên khả năng từng người để “chiếm được sự nể trọng của đồng nghiệp và thu hút người khác làm việc theo” - theo lời bà Kelly, CEO của Gore. Bà cho biết thêm, những nhân viên không chọn vai trò dẫn đầu cũng được đánh giá cao, vì công ty của bà tự hào vì tinh thần “làm theo” của nhân viên.

Nhưng như thế không có nghĩa các nhân viên của công ty chỉ là một “bầy cừu”. Ông Frank Shipper, một giáo sư về quản lý tại Đại học Salisbury, bang Mariland, đã nghiên cứu về mô hình của Gore hơn 2 thập niên. Theo giáo sư Shipper, mô hình quản lý không cấp bậc của Gore đã giúp công ty này duy trì được năng lực sáng tạo, bởi các ý tưởng có thể đến từ bất kỳ ai trong công ty, cho dù người đó đã làm việc bao lâu và ở vị trí công việc nào.

Tại Gore, các nhân viên được gọi là “cộng sự”, ai cũng có một người bảo trợ hướng dẫn công việc và định hướng họ theo văn hóa công ty. Anh Jim Grigsby, một kỹ sư điện đã làm ở Gore 30 năm, cho biết, người bảo trợ của anh đã giục anh dành vài ngày chỉ để gặp gỡ mọi người, thậm chí còn đưa cho anh danh sách tên mọi người trong công ty.

Ban đầu, Grigsby, người trước đó làm việc ở các công ty có mô hình truyền thống, cảm thấy khó chịu với yêu cầu này. “Tôi được nhận lương chỉ để gặp gỡ mọi người hay sao?”, Grigsby nhớ lại cảm giác khi đó. Nhưng chỉ vài tháng sau, anh đã hiểu rằng “anh cần phối hợp với những người khác trong công ty để hoàn thành công việc”.


Ngân hàng 'thổi' lợi nhuận để làm giá cổ phiếu

http://tintuc.timnhanh.com.vn/trangchu/thi-truong/20120622/35ac794f/Ngan-hang-thoi-loi-nhuan-de-lam-gia-co-phieu-.htm


Nhiều chuyên gia cảnh báo, cần kiểm soát chặt việc công bố lợi nhuận của các ngân hàng, bởi không loại trừ một số ngân hàng công bố lãi lớn, lãi ảo nhằm nâng giá trị cổ phiếu…

Trước luồng dư luận “tố” ngân hàng sống khỏe, trong khi doanh nghiệp chết hàng loạt, ngày 20/6/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên tiếng khẳng định, lợi nhuận năm 2011 của 50% tổ chức tín dụng sụt giảm. Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận công bố của nhiều ngân hàng mang yếu tố ảo.

Theo số liệu công bố của Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN), năm 2011, gần 50% tổ chức tín dụng có lợi nhuận giảm so với năm 2010, trong đó hơn 10% tổ chức tín dụng thua lỗ. Theo cơ quan này, mức lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm trước.

Cụ thể, lợi nhuận năm 2011 của hệ thống ngân hàng thương mại tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu là 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản là 18,55%. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của ngành ngân hàng chỉ đạt 1,09%, thấp hơn mức 1,29% của năm 2010 và chỉ đứng 6/10 trong việc so sánh với 10 ngành khác trong nước.

Chỉ số lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2011 của hệ thống ngân hàng thương mại cũng chỉ đạt 11,86% (thấp hơn con số 14,56% năm 2010). Hơn nữa, số lợi nhuận chủ yếu chỉ ở một số ngân hàng lớn, còn nhiều ngân hàng nhỏ có lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ.

Cũng theo phân tích của Cơ quan thanh tra giám sát, số liệu lợi nhuận của các tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí, đặc biệt là chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.

Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, chi phí này tăng lên đáng kể. Hơn nữa, lợi nhuận của ngân hàng cũng không phải chỉ thu được từ tín dụng, mà còn từ nhiều nguồn khác, như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại, kinh doanh ngoại hối...

919858262_20120622090334_a

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, số liệu nộp thuế năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 của 71 ngân hàng thương mại cho thấy, thu nhập của ngành ngân hàng đang tăng mạnh, chủ yếu đều từ hoạt động cho vay. Lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 30%.

Việc NHNN trần tình về lợi nhuận ngân hàng ngay giữa thời điểm hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, trong khi nhiều ngân hàng “sống khỏe” được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau.

TS. Nguyễn Trọng Tài, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng thực tế không cao. Bởi nếu so sánh hai chỉ số ROE và ROA của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế, thì ROE của ngành ngân hàng chỉ ở mức trung bình, còn ROA thì ở mức thấp.

TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, ngân hàng lãi là điều đáng mừng. Ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian, nhận tiền gửi để cho vay nên càng phải đảm bảo hiệu quả hoạt động. Các ngân hàng có hoạt động hiệu quả mới hỗ trợ tốt cho nền kinh tế được. Nên thu nhập ngành ngân hàng cao hơn mặt bằng chung là dễ hiểu. Mặt khác, cũng đừng nhìn vào con số tuyệt đối để đánh giá ngân hàng lãi nhiều hay lãi ít, mà phải căn cứ vào chỉ số ROA và ROE.

“Rõ ràng, hiện mức vốn chủ sở hữu của một ngân hàng thấp nhất cũng lên tới 3.000 tỷ đồng; tổng tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng nên lãi có thể lên đến vài trăm tỷ đồng; trong khi doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu chỉ vài chục tỷ đồng thì lãi ít hơn cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, số lãi các ngân hàng công bố thường chỉ là con số tạm tính, chưa tính đến những khoản nợ xấu”, ông Kiêm nói.

Song cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chỉ có 40% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thì con số 90% ngân hàng có lãi (chỉ 10% thua lỗ) chứng tỏ ngân hàng đang “ăn” trên lưng doanh nghiệp và người gửi tiền.

Chính TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng ví ngân hàng giống như người nằm giữa một tấm chăn, giữa hai bên là doanh nghiệp và người gửi tiền. “Như vậy, dù bên này hay bên kia co kéo, thì ở giữa, ngân hàng vẫn “ấm”. Nên việc ngân hàng lãi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thua lỗ cũng không có gì lạ”, ông Nghĩa nói.

Tất nhiên, khả năng con số lợi nhuận “ảo” cũng có thể xảy ra từ ý đồ của các ngân hàng. TS Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Không loại trừ việc một số ngân hàng công bố lãi lớn để lên sàn, để phát hành cổ phiếu, nâng giá trị cổ phiếu... Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ công bố lợi nhuận của các ngân hàng là cần thiết, không để tình trạng loạn công bố lợi nhuận, mỗi nơi một con số như hiện nay”.

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Ngân hàng VN 'được thưởng vì sai phạm'

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/06/120613_vn_banking_reform_update.shtml


Kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, nghi ngờ về nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng và nói Ngân hàng Nhà nước 'đã thưởng cho những ngân hàng làm sai'.
Trả lời phỏng vấn của báo Bấm Doanh Nhân Sài Gòn, ông Tự Anh cảnh báo cách tái cơ cấu ngân hàng hiện nay đang tạo ra điều ông gọi là sự “khuyến khích ngược” trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng nhà nước quyết định Bấm sáp nhập ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn do các ngân hàng này gặp khó khăn về Bấm thanh khoản.
“Ba ngân hàng đầu tiên sáp nhập không những không bị mất vốn, chủ sở hữu vẫn tại vị, mà còn được Ngân hàng Nhà nước bơm thêm vốn, được BIDV hỗ trợ thanh khoản. Các ngân hàng này đã được thưởng vì làm sai”.
"Việc thiếu mạch lạc trong chính sách từ 2007 đến nay đã khiến người dân và doanh nghiệp cố thủ"
Kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh
“Như vậy là đã dùng một sai lầm để giải quyết một sai lầm khác, mà hai cái sai lầm thì không thể tạo thành một cái đúng”, ông Tự Anh được báo này dẫn lời.
Kinh tế gia từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp HCM cũng khuyến cáo phải giảm lãi suất mạnh hơn nữa trong bối cảnh lạm phát có xu hướng giảm.
Ba vấn đề chính đối diện kinh tế Việt nam, theo ông Tự Anh, là hiệu quả nền kinh tế kém, sản phẩm không có đầu ra, và bất ổn về chính sách/vĩ mô đang tạo ra chi phí rất lớn.
“Việc thiếu mạch lạc trong chính sách từ 2007 đến nay đã khiến người dân và doanh nghiệp cố thủ”.
“Chuyện phục hồi lòng tin không thể chỉ trong một sớm một chiều, nhưng nếu có sự ổn định, minh bạch trong chính sách của Chính phủ, niềm tin sẽ dần trở lại”, ông Tự Anh nói thêm.

‘Nhóm lợi ích’
Kinh tế gia Jonathan Pincus từng làm cho UNDP tại Hà Nội.

Trong khi đó hãng thông tấn Bấm AFP mới đây có bài nhận định nỗ lực tái cơ cấu khu vực ngân hàng Việt Nam đang bị chệnh hướng do chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.
Hiện có tới 42 ngân hàng nội địa và nhiều ngân hàng trong số này ngập lụt vì nợ xấu do cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém vay mượn quá nhiều.
Tổng số nợ của khối doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vào khoảng 20 tỷ đôla và việc các ngân hàng siết tín dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khoảng 18.000 doanh nghiệp phá sản tính từ đầu năm tới nay.
"Nhiều ngân hàng đang che giấu sự thật về bảng cân đối kế toán và tìm cách giấu các khoản cho vay khó đòi"
Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp HCM
Điều chính phủ cần làm là "tiếp quản các ngân hàng yếu nhất, sáp nhập lại, bán nợ xấu và rồi bán các ngân hàng mới sáp nhập” ông Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp HCM nói.
"Làm như vậy sẽ nhanh hơn và ít rủi ro hơn cho cả hệ thống. Nhưng chủ các ngân hàng sẽ không chịu”, ông Pincus nói.
Để có giấy phép mở ngân hàng, một nhà ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội cho biết, người ta cần có “quen biết rất nhiều”.
Sở hữu ngân hàng mang lại bổng lộc, có thể qua tiền hoa hồng hoặc việc dễ tiếp cận tín dụng lãi suất thấp.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có chủ là công ty con của các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các nhà đầu tư có quan hệ rộng vàn là chủ của nhiều ngân hàng, lách luật qua các mánh khóe kế toán.

"Bấm Nhiều ngân hàng đang che giấu sự thật về bảng cân đối kế toán và tìm cách giấu các khoản cho vay khó đòi” ông Pincus nói với hãng thông tấn AFP.


Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Chỉ định thầu: “Cái mất rất lớn”

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/tin-bo-nganh/chi-dinh-thau-cai-mat-rat-lon.nd5-dt.150962.113116.html



Được và mất gì khi áp dụng chỉ định thầu có lẽ là câu hỏi mà những người làm công tác đấu thầu biết rất rõ câu trả lời.

Thế nhưng, trên thực tế, vẫn có không ít đơn vị mong muốn được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo kiểu không cạnh tranh này đối với những gói thầu mà chính họ hiểu  hơn ai hết có cần chỉ định thầu hay không. Theo như lời một cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đúng là chuyện cũ, những lý do cũ, song hệ lụy mà nó mang lại có thể còn phải giải quyết dài dài trong tương lai.




“Muôn màu” lý do

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một số dự án, gói thầu của Bộ này mới đây, một gói thầu xây dựng đường thuộc một dự án được phê duyệt từ tháng 6/2002; thay đổi, bổ sung dự án lần 1 vào tháng 10/2004. Đến tháng 10/2006, Bộ chủ quản phê duyệt thay đổi kết cấu mặt đường, rồi đến tháng 10/2007 điều chỉnh quy mô thiết kế nhưng đến tháng 5/2008, Bộ này mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trải qua 6 năm cho công tác chuẩn bị, đến tháng 6/2008, đơn vị này có công văn đề nghị chỉ định thầu với lý do gói thầu “cấp bách”!

Một  trường hợp tương tự được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ra là gói thầu “tư vấn khảo sát thiết kế và gói thầu tư vấn giám sát thi công” thuộc một dự án quốc lộ trọng điểm của Hà Nội. Lý do xin chỉ định thầu là nhằm rút ngắn thời gian cho công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo cho việc khởi công dự vào vào quý 1/2008. Còn theo chủ đầu tư, nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi thì phải đến quý 3/2008 mới khởi công được.

Thế nhưng, sau khi được chấp thuận áp dụng chỉ định thầu, đến cuối tháng 11/2008, dự án trên mới bắt đầu được khởi công.

Điển hình nhất trong số những lý do muôn màu cho chỉ định thầu phải kể đến gói thầu số 2 - thi công sửa chữa mặt đường cầu Thăng Long giai đoạn 2, thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long mà dư luận đã lên tiếng mới đây về việc xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường sau khi mới thông xe chưa được 3 tháng.

Có điều trùng hợp khá ngẫu nhiên là gói thầu này cũng được áp dụng chỉ định thầu vì một trong những lý do chính là “cấp bách”.

Được biết, vào tháng 9/2008, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo mặt cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, lớp bê tông nhựa phủ mặt cầu và lớp xlamor chống thấm đã bị nứt vỡ, biến dạng trên 75% làm thấm nước xuống phần bản thép phía dưới, ảnh hưởng đến tuổi thọ và tính an toàn của công trình. Vì thế mà cần phải sửa chữa gấp.

Tuy nhiên, dù được phép chỉ định thầu ngay sau khi báo cáo (tháng 10/2008), song phải đến 23/10/2009, tức 1 năm sau gói thầu này mới được khởi công. Cũng cần phải nói thêm rằng, dự án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ chủ quản phê duyệt từ tháng 10/2007, nhưng do quá trình chuẩn bị kéo dài đã góp phần không nhỏ tạo ra tình huống “cấp bách” để viện dẫn trong quá trình xin chỉ định thầu sau đó.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh nguyên nhân thường được viện dẫn là “cấp bách”, có không ít trường hợp chỉ định thầu là vì “tin tưởng” vào nhà thầu đã có kinh nghiệm trong lập dự án và đã từng “phối hợp” tốt với địa phương trong một vài dự án trước đó.

“Tôi biết ở cấp xã, huyện hiện nay gần như không có đấu thầu mà chỉ có chỉ định thầu. Thậm chí ở địa phương chúng tôi, có không ít trường hợp nhà thầu bảo gì, chủ đầu tư ký nấy”, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết.

Được và mất gì?

Ngoài một vài ví dụ kể trên, có thể thấy rõ, dù được áp dụng chỉ định thầu, hưởng cơ chế đặc thù, song có không ít gói thầu vẫn bị chậm tiến độ, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách quốc gia.

Ở gói thầu sửa chữa mặt cầu Thăng Long nói trên, chỉ sau 3 tháng sửa chữa, dù dư luận đã phản ánh mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt lớn và việc có ảnh hưởng đến chất lượng cầu trong thời gian dài hay không thì đại diện chủ đầu tư vẫn chưa thể có câu trả lời.

Trong khi đó, theo kết luận của cơ quan chức năng thì nguyên nhân là do lỗi thi công, vật liệu chưa được thử nghiệm với cầu mà mới chỉ được thử nghiệm với đường.

Nhưng điều đáng nói hơn, khi lục lại hồ sơ xin chỉ định thầu đối với dự án này, ngoài lý do cấp bách, việc sử dụng công nghệ tiên tiến, “chưa từng có ở Việt Nam”, sử dụng vật liệu mới, có tuổi thọ và độ bền cao... cũng đã giúp nhà thầu ghi điểm ấn tượng với Bộ chủ quản.

Một cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, ngoài những thiệt hại hiện hữu về chất lượng dự án nói trên, cái mất lớn hơn trong tương lai của việc lạm dụng chỉ định thầu, chính là các nhà thầu mới thành lập sẽ không có cơ hội để nhận thầu thông qua đấu thầu. Từ đó góp phần không nhỏ cho sự hạn chế ra đời các nhà thầu mới, giảm động lực phát triển.

Tại hội nghị đánh giá về hệ thống pháp luật đấu thầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 8/3, nhiều ý kiến góp cho rằng, nếu áp dụng tràn lan chỉ định thầu, trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, chi tiêu tăng lên, tức nguồn cầu tăng lên, trong khi đó việc tham gia vào các gói thầu, đặc biệt là các dự án sử dụng ngân sách nhà nước sẽ không có điều kiện tăng tương ứng. Hệ quả tất yếu là giá trúng thầu sẽ tăng lên, chất lượng dịch vụ và hiệu quả đầu tư do đó cũng giảm theo, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Chia sẻ với VnEconomy, Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng, cho hay cơ quan này hoàn toàn không ủng hộ chỉ định thầu, vì đây là một trong những trường hợp kém cạnh tranh nhất.

Theo ông,  ở nhiều nước, họ chỉ áp dụng chỉ định thầu đối với những dự án mang tính công ích, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt...hoặc có giá trị nhỏ. Trong khi ở Việt Nam có vô số lý do để áp dụng chỉ định thầu. Thậm chí ngưỡng áp dụng chỉ định thầu đối với dự án lại từ 5 tỷ đồng trở lên, cao hơn nhiều so với thông lệ quốc tế.

“Không khó để thấy được những cái mất rất lớn đối với chỉ định thầu vì đây là hình thức mua sắm công kém cạnh tranh nhất, khi thực hiện không đúng sẽ dẫn đến cơ chế xin – cho, tạo điều kiện cho tham nhũng, thất thoát ngân sách và giảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu nói.

(Theo Vneconomy)