Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

“bắt bệnh” và “bốc thuốc” cho Vinashin, Vinalines

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/chuyen-gia-kinh-te-bat-benh-va-boc-thuoc-cho-vinashin-vinalines.nd5-dt.152071.113209.html


“Nguyên nhân chính là tốc độ phát triển nhanh quá nhưng không có sự kết nối của các nguồn lực khác nhau để phát triển mà chỉ sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhà nước”.
 
Trong thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến sự làm ăn thua lỗ của một số Tập đoàn lớn, Tổng công ty lớn của nhà nước trong đó nổi bật có Vinashin, Tập đoàn Điện lực. Gần đây nhất là vụ việc của Vinalines với những sai phạm và thiếu sót dẫn đến thất thoát và lãng phí nhiều tỷ đồng của đất nước. Nhằm tìm “bài thuốc” cho “căn bệnh” của các doanh nghiệp này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Thiếu kịch bản cho rủi ro
Nói về những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vinalines và các doanh nghiệp này, ông Đinh Thế Hiển nói: “Quan sát chung các công ty, tập đoàn nhà nước bị thua lỗ thì có điểm rất đáng lưu ý. Theo tôi thì nguyên nhân chính là tốc độ phát triển nhanh quá nhưng cách thức để phát triển thì chúng ta lại không có sự kết nối của các nguồn lực khác nhau để làm mà chúng ta chỉ sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhà nước.
Chúng ta thấy, ngay cả các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài quen với việc phát triển nhanh thì họ thường chọn những nhân lực ở các công ty có thành tích làm việc tốt và đưa vốn vào để phát triển. Như vậy họ có thể phát triển nhanh mà vẫn bảo đảm. Còn các tập đoàn của chúng ta phát triển theo kiểu cứ đầu tư dự án vượt quá sự điều khiển của mình về nhu cầu vốn. Ví dụ như Vinashin, từ một doanh nghiệp chỉ có 40 tỷ mà trong vòng 5 – 6 năm đã phát triển lên đến 40.000 tỷ đồng. Phát triển quá nhanh nhưng nhân lực thì không kịp. Ở đây tôi đã loại trừ các tiêu cực”.
 
Theo ông Hiển, chính tốc độ phát triển nhanh, chúng ta không có các kịch bản cho sự rủi ro. Chúng ta thường lấy lý do là do khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng bản thân khi quy mô nhỏ thì bài toán gặp sự cố rủi ro không quan trọng. Nhưng quy mô lớn thì bài toán gặp rủi ro lại rất quan trọng nhất là ở mức độ tập đoàn. Rõ ràng những chuyện như vậy làm cho chúng ta gặp thất bại.
 
Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vinalines là vấn đề nhân lực cấp cao

 “Và khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì chúng ta thường thay đổi nhân sự bằng việc đưa nhân sự từ những cơ quan trong ngành hoặc từ bên cơ quan chủ quản chuyển sang hoặc từ dưới cấp dưới đi lên. Chúng ta không có chuyện chuyển những người có thành tích xuất sắc từ nơi khác về".
Tiếp tục phân tích, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: Ở nước ngoài, khi một công ty lớn bị thua lỗ thì họ thay bằng một người có phẩm chất tốt, có thành tích tốt ở một nơi khác về mà không bắt buộc phải cùng ngành. Ví dụ như IBM, khi họ thay người thì họ không nhất định thay bằng một người chuyên về máy tính mà họ đưa một người quản trị có phẩm chất lãnh đạo, năng lực tốt từ một tập đoàn bánh kẹo về. Cách thức đó làm cho doanh nghiệp có thể giải quyết rủi ro trong vấn đề nhân lực cấp cao.
Nhưng cách thức của chúng ta thì khác. Chúng ta giải quyết bằng tài chính của nhà nước: giảm nợ, tạo vốn… thậm chí là tạo thị phần mà chúng ta không giải quyết vấn đề đầu tiên là phải có một nhân lực thành tích cao ở nơi khác đã được thực chứng chuyển về tái cấu trúc. Đó là một sự khác biệt rất lớn về cách thức thay đổi khi gặp khó khăn. Điều này dẫn đến việc là khi gặp khó khăn thì vấn đề khắc phục sẽ chậm, mất nhiều thời gian và công sức hơn”. Ông Hiển phân tích.

Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng phải chịu trách nhiệm chính trong những sai phạm tại Vinalines

 Mạnh dạn chấp nhận
Lý giải vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Vinalines cũng như các doanh nghiệp của nhà nước làm ăn thua lỗ, ông Hiển cho biết: “Tuy nhiên, cũng phải nói rằng là mỗi mô hình tổ chức có một ưu nhược điểm khác nhau. Các tập đoàn như phóng viên có nêu dù sao vẫn mang tính doanh nghiệp nhà nước có sự kiểm soát toàn dân, của cơ quan chủ quản nên chúng ta không thể làm như kiểu của nước ngoài là thay một tổng giám đốc mới giao quyền rất lớn. Vì chúng ta chưa làm như nước ngoài nên chúng ta không dám mạnh dạn làm mà chỉ theo phương thức như trên”.
 
Nhằm xử lý những vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra giải pháp: “Trong hoạt động của tập đoàn thì có một lĩnh vực thực sự là “lõi” (mang tính quan trọng, chủ chốt) gắn với vấn đề an ninh quốc gia, quốc phòng và an sinh xã hội thì chúng ta siết chặt và dùng giám sát. Nhưng bên cạnh cái “lõi” chính đó thì có những công việc không bắt buộc phải kiểm soát tuyệt đối thì phải cổ phần hóa. 
 
Mà cổ phần hóa ở đây, chúng ta không làm những kiểu nhà nước nắm cổ phần chi phối vì chúng ta không thể có cách thức điều hành theo cơ chế thị trường. Thành ra chúng ta phải mạnh dạn chấp nhận những công ty không thực sự quyết định thì có sự hợp tác tham gia của bên ngoài để có được năng lực quản trị theo một cơ chế tốt hơn mà bên cạnh đó những doanh ngiệp lõi vẫn đảm bảo được, vẫn hoạt động theo cơ chế thị trường. Từng bước như vậy, chúng ta sẽ dung hòa được những vấn đề nhà nước quản lý nhà nước và những vấn đề chịu chi phối bởi nền kinh tế thị trường”.
 
(Theo Giáo dục)

Chứng khoán và bất động sản "tiếp tay" cho rửa tiền ở Việt Nam

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/chung-khoan-va-bat-dong-san-tiep-tay-cho-rua-tien-o-viet-nam.nd5-dt.152064.113209.html


“Một trong những nghiệp vụ rửa tiền nhìn thấy ở Việt Nam là thông qua hoạt động mua bán chứng khoán hoặc bất động sản để người ta chứng minh hoạt động thu nhập đấy từ kinh doanh siêu lợi nhuận. Đây cũng là một dấu hiệu cần phải phòng chống”.
 
Chiều ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền. Bên lề Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh thực trạng rửa tiền ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
 
- Thưa ông, thực trạng rửa tiền ở Việt Nam đã xảy ra chưa và xảy ra ở cấp độ thế nào? 

Hoạt động rửa tiền đã có những dấu hiệu trong nền kinh tế nước ta. Nó là tất yếu nhưng độ phổ biến của rửa tiền ở Việt Nam cũng chưa tinh vi, họ chưa dùng những nghiệp vụ cao trong công tác thanh toán như ở các nước khác.

Một trong những nghiệp vụ rửa tiền nhìn thấy ở Việt Nam là thông qua hoạt động mua bán chứng khoán hoặc bất động sản để người ta chứng minh hoạt động thu nhập đấy từ kinh doanh siêu lợi nhuận ở một thời điểm nào đó. Đây cũng là một dấu hiệu cần phải phòng chống.

Tuy nhiên, động tác rửa tiền ở Việt Nam thô sơ hơn hoạt động rửa tiền của các tổ chức, thế giới ngầm ở các nước khác. Nếu so với các nước thì kỹ thuật, nghiệp vụ áp dụng đối với hoạt động rửa tiền ở Việt Nam còn đơn giản nhưng như thế là nghiêm trọng rồi.

- Ông có nói hoạt động rửa tiền ở Việt Nam thường thông qua kênh chứng khoán. Thực tế này như thế nào, thưa ông?


Đó là qua con đường mua bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Cổ phần hóa sau một thời gian họ lấy cổ tức, rồi chia nhau, rồi lại bán ra và họ đã có một nguồn thu nhập chính đáng. Điều này có nghĩa, từ một đồng tiền không có địa chỉ chuyển thành một đồng tiền có địa chỉ.

- Còn bất động sản?

Bất động sản chỉ là một công cụ, một phương tiện cho người ta rửa tiền thôi, chứ không phải người ta đầu tư vào bất động sản. Ở đây cần phân biệt tiền đầu tư vào bất động sản từ tham nhũng với tiền vào bất động sản để rửa tiền. Người ta có thể chấp nhận phí rửa tiền từ 20% - 30% của mức đầu tư.

Chính vì vậy, phải nhìn vào các doanh nghiệp, nếu họ hoạt động một thời gian, lỗ mặc kệ, cứ chuyển tiền về nước rồi sau đó phá sản thì đó là một hình thức rửa tiền xuyên quốc gia.

- Những đồng tiền đó lại được rửa chính trong lĩnh vực ngân hàng thì sao?


Chuyện đó cũng bình thường vì bây giờ mình muốn nuôi một đứa con lớn nhưng lại bắt chúng nó suốt ngày ngồi trong nhà kính, có điều hòa thì không được. Điều đó phải chấp nhận vì trong điều kiện phát triển của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế thì không thể tránh khỏi chuyện rửa tiền.

- Tuy nhiên trong thực tế, có vẻ như chúng ta chưa bắt được trường hợp nào rửa tiền, có phải do chúng ta thiếu các chính sách nên đã để lọi tội phạm?

Không phải như vậy, chúng ta đã bắt được một vài vụ rồi. Ví dụ như tội tham nhũng, trong đó thông qua con hoặc thông qua sân sau để chuyển, đó cũng là hình thức rửa tiền. Hay như một doanh nghiệp du lịch nước ngoài đến Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quản lý khách sạn nhưng lại giữ giá cho khách sạn ấy thấp xuống, vì họ nói 5 năm rồi không đầu tư. Đây cũng là một hình thức rửa tiền vì đầu tư từ nước ngoài vào và lại chuyển vốn ra nước ngoài.

Những tội phạm dạng như vậy chúng ta đã thấy có ở Việt Nam nhưng thời điểm đó chưa có Luật phòng chống rửa tiền nên quy vào Luật Hình sự. Chính vì vậy chưa có con số thống kê chính xác.
 
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Luật phòng, chống rửa tiền nếu theo chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội thì trong kỳ họp này sẽ thông qua. Nếu thông qua, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013.

Khi Luật phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có một hệ thống hóa các biện pháp phòng chống trong lĩnh vực này.
 
(Theo Dân trí)

kinh tế bị nhóm lợi ích lũng đoạn

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/73594/dai-bieu-lo-kinh-te-bi-nhom-loi-ich-lung-doan.html

- Thảo luận tại tổ sáng 24/5/2012, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế đang rất xấu. Cần bắt đúng mạch, từ đó kê đơn thuốc đúng, đủ, đúng liều lượng và thời gian.
 
Bắt đúng mạch, không tô hồng
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phân tích việc đánh giá tình hình kinh tế gần như một cuộc khám bệnh. Nếu cứ cho là ta rất khỏe, không có vấn đề gì thì đến khi mắc bệnh sẽ rất khó chữa. 



ĐB Nguyễn Đình Quyền: Có lợi ích nhóm hay không?

Nhìn vào báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo ông Quyền, với 3 trang dành cho việc những việc đã làm được, có ấn tượng, chúng ta “chưa nhìn vào những gì thực sự là yếu kém”.
ĐB Lê Văn Nga (Quảng Nam) nêu câu hỏi phải chăng cách đặt vấn đề của chúng ta có vấn đề khi mà lạm phát luẩn quẩn, kinh tế suy giảm là bỏ tiền ra.
Trong khi đó, đối tượng cần uống thuốc đã bắt trúng hay chưa. Đơn cử, gói kích cầu năm 2009 hướng vào "ông lớn" mà không chú trọng vào nông nghiệp nông thông, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), chúng ta đã kê đơn, uống thuốc đúng luật nhưng uống quá liều. Đơn thuốc đưa ra trên cơ sở báo cáo tô hồng, nên thường chậm.
Các đại biểu đề nghị xem kỹ giải pháp tổng thể. Không chỉ hỗ trợ DN, nhiều đại biểu đặt vấn đề kích cầu tiêu dùng, để khoan sức dân. “Đó là hai chân kiềng mà chính sách phải theo đuổi, để nền kinh tế có thể khôi phục”, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nói.
Theo ĐB Trần Du Lịch, không thể chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ DN. “Để chậm, tiểu thương bỏ chợ khác nào nông dân bỏ đất. DN chết rồi, muốn cứu cũng không được. Và năm sau, chúng ta sẽ chẳng còn nguồn thu”, ông Lịch chỉ rõ.

Nhóm lợi ích lũng đoạn?
Phát biểu trong 20 phút, ĐB tỉnh Long An Đặng Thị Hoàng Yến lưu ý con số DN phá sản chắc chắn lớn hơn nhiều so với báo cáo "màu hồng" của Chính phủ. "Chỉ tính trong 15 khu công nghiệp của chúng tôi, đã có 80% DN không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng. Họ vẫn cầm cự sản xuất, cố gắng trả lương cho công nhân nhưng đành khất nợ tiền thuê mặt bằng nhiều tháng nay", bà Yến cho hay.
Do "có thể đây là lần phát biểu cuối cùng", bà Hoàng Yến nhấn mạnh với "các đại biểu ở lại" nguy cơ nền kinh tế bị các nhóm lợi ích lũng đoạn. Nếu như báo cáo của Chính phủ nêu một câu ngắn gọn nhiệm vụ "tiếp tục kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô", thì theo bà, nếu không đưa ra được các biện pháp cụ thể, đây sẽ chính là một cái bẫy để các nhóm lợi ích thâu tóm DN.
Bà Yến phân tích: Nghị quyết QH đặt mục tiêu tăng trưởng 6%, nhưng tại sao tăng trưởng tín dụng lại âm 1%? Nhiều DN, không chỉ vừa và nhỏ, mà cả DN lớn, cũng không thể tiếp cận vốn vay với lãi suất quy định, mà có hiện tượng môi giới vay ngân hàng, có nghĩa là DN phải chi thêm tiền mới hòng vay được ngân hàng. Vay không được, DN lâm vào thế phá sản, các nhóm lợi ích thôn tính họ dễ dàng, thôn tính luôn các dự án.
Ở đoàn Hà Nội, ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng nêu, cách đây 2 năm rưỡi, tại QH khóa 12 đã cảnh báo “một nền kinh tế thế này mà hàng trăm tổ chức tín dụng thì bất bình thường” thế nhưng giờ này ta mới đặt vấn đề và xây dựng đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thực tại các DN chết dần, phá sản thì các ngân hàng lãi to, nhởn nhơ. Trong khi đó, ta chưa thấy động thái cụ thể nào. Chúng ta còn đợi đến khi nào?
Ông Quyền đặt vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong này không? Việc phản ứng chậm, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở đâu?

DNNN thua lỗ, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc phân bố ngân sách và sử dụng vốn, tài sản nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.


ĐB Trần Du Lịch: Không thể chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ DN

ĐB Trần Du Lịch phân tích các DNNN với nguồn vốn chủ sở hữu đến 30 đến 40 tỷ USD, nhà nước không lấy thuế, nhưng hoạt động vẫn kém hiệu quả. Việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả không được giải trình.
Chủ tịch UBND Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đơn cử, không ít trường hợp, ta dùng ODA để đầu tư, “là tiền đi vay đấy, nhưng lấy tiền về lại đi sắm ô tô xịn!”.
ĐB Phan Đình Trạc (Nghệ An) đặt vấn đề “sai phạm của Tập đoàn Dầu khí, Sông Đà làm giật mình với những con số khổng lồ…” Lại nữa, như trường hợp lãnh đạo Vinalines, sai phạm vẫn đề bạt. Như vậy thì kỷ luật nội bộ, kỷ cương xã hội sẽ như thế nào?
Trong khi đó, ĐB Niê Thuật (Đắk Lắk) nêu, ở trường hợp Vinalines, Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ nhưng thông tin giờ đầu tư cho các công ty lớn, DNNN, công tác quản lý thế nào? “Bỏ ra hàng nghìn tỷ rồi bị mất đi, khi phát hiện thì đã quá muộn”.
“Từ PMU18, Vinashin, giờ là Vinalines, toàn đồng tiền lớn cả, trong khi phân bổ nguồn vốn ở địa phương từng đồng cặn kẽ”.
Các ĐB đề nghị, tới đây, trước khi phân bổ nguồn vốn cho các DN này, phải trình QH để QH phê chuẩn.
ĐB Võ Thị Dung bức xúc sao ta có thanh tra, các cơ quan, Quốc hội có các ủy ban tiến hành giám sát, nhưng lãng phí đầu tư, thất thoát vẫn cao. “Phải giám sát kĩ việc sử dụng vốn ở các tập đoàn nhà nước… Việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn”, ĐB Dung nói.
Theo ĐB Thủy Trang (TP.HCM), cần chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân trong sai phạm ở các tập đoàn. 

P.Loan - T.Chung - X.Linh - V.Anh
Ảnh: Lê Anh Dũng

‘Vinalines như chuyện đùa’

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/73645/-vinalines-nhu-chuyen-dua-.html


- Vinalines nối tiếp Vinashin... Từ bài học về thất thoát ngân sách cho dự án của các tập đoàn, ĐBQH yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình trách nhiệm khi bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải.
 
Vụ Vinalines nóng cả ở phiên thảo luận tổ chiều 24/5 về đề án tái cơ cấu kinh tế lẫn bên hành lang Quốc hội, đặt ra nhiều vấn đề gấp rút trong điều chỉnh cơ chế chính sách với DNNN.

ĐB Trần Du Lịch: Bộ trưởng Thăng phải giải trình việc bổ nhiệm
Tôi biết rằng trong quá trình thanh tra một tổ chức kinh tế, trước khi có kết luận chính thức và ý kiến của Thủ tướng thì Thanh tra lập dự thảo và trao đổi với DN nhiều lần, vì thế DN có thể biết vấn đề ngay trong quá trình thanh tra. Cơ quan quản lý nhà nước không thể không biết. Bởi kết luận cuối cùng của Thanh tra bao giờ cũng được trao đổi trước với người lãnh đạo. Và cho anh giải trình. Tới khi anh giải trình không được và không thuận, thì Thanh tra mới kết luận. 



  Đại biểu Trần Du Lịch

Do đó không thể nói đã bổ nhiệm trước khi Thanh tra kết luận. Đó là sự chống chế không thuyết phục. Tôi cho rằng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phải giải trình trách nhiệm việc bổ nhiệm Cục trưởng Dương Chí Dũng. Tôi tin rằng nhiều đại biểu sẽ chất vấn về việc đó.
Từ vụ việc Vinashin, tôi thấy nhân dân bức xúc về cách sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Để giải quyết căn cơ, phải sớm có một đạo luật, trong đạo luật này phải giao Quốc hội thẩm quyền giám sát, đặc biệt là giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Còn biện pháp trước mắt tôi cũng đề nghị nhiều lần, đó là lựa chọn trước các tập đoàn, tổng công ty lớn, Chính phủ với tư cách đại diện chủ sở hữu cao nhất yêu cầu các tổ chức kinh tế này phải công khai, minh bạch các hoạt động giống như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.  

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Tham nhũng liên kết lợi ích nhóm
Vụ việc Vinalines xảy ra nằm trong chuỗi đầu tư công dàn trải, lãng phí, thất thoát. Vụ việc cho thấy mức độ nghiêm trọng, sự trắng trợn của những người tham nhũng, đó là những người được giao phó trọng trách sử dụng đồng vốn Nhà nước từ tiền đóng thuế của dân. 



Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Từ vụ việc này cho thấy nổi lên vấn đề về công tác quản lý, thanh kiểm tra, giám sát khi một sự kiện nghiêm trọng như thế, đụng đến hàng tỷ đôla lại được đem ra sử dụng hời hợt mà không ai phát hiện ra; không ai ngăn chặn được. Khi thất thoát diễn ra mới phát hiện, thậm chí đối tượng cần bắt lại bỏ trốn. Nghiêm trọng hơn là một số người trong nhóm để xảy ra sai phạm đó lại được đề bạt bổ nhiệm quản lý nhà nước ở cấp cao hơn.
Vì sao chúng ta có đủ bộ máy ban, ngành các cấp mà không thể ngăn chặn được sự thất thoát tài sản, tham nhũng, vi phạm lớn đến thế? Trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ai? 

Quan sát nền kinh tế 10 năm qua có thể thấy đã phát sinh những nhân tố góp phần tạo ra những khó khăn hiện nay, nổi bật là tham nhũng và lợi ích nhóm.

Tham nhũng với lợi ích nhóm đang liên kết nhau. Đây là sự liên kết nguy hiểm vì đôi khi tham nhũng nấp ở dưới những lợi ích mà xem ra không sai trái gì cả. Ví dụ người ta có thể đề xuất phải có rất nhiều cảng, sân bay ở cả nước. Địa phương nào cũng muốn có cảng, có sân bay để phát triển. Nhưng những đề xuất ấy khi được thông qua lại động đến nguồn lực, tài sản và đầu tư không đến nơi đến chốn do những mục tiêu không rõ ràng, dẫn đến dàn trải, lãng phí, thất thoát. Chính sự tham nhũng, dàn trải, lãng phí là một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng lạm phát, chứ không chỉ có nguyên nhân khách quan của tình hình kinh tế.
ĐB, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: Vinalines như ‘chuyện đùa’
Cử tri kêu nhiều, chỉ riêng vụ Vinalines lỗ, làm chìm dưới biển không biết bao nhiêu tiền. Một đất nước biển rộng, tài nguyên phong phú thì sự tồn tại của ngành tàu biển là tất yếu. Nhưng để vươn ra thế giới, không thể đi quá nhanh khi khả năng hiện giờ của ngành công nghiệp tàu thủy mới chỉ dừng ở chủ yếu gia công, sơn sửa. 



Đại biểu Nguyễn Bá Thanh

Vinalines thua lỗ, Chủ tịch bỏ trốn. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào. Sự việc trên cho thấy cách điều hành quá lỏng lẻo. Chúng ta quản lý con người, tập đoàn kiểu gì? Trước khi có kết luận, thanh tra phải đi lại 5 đến 10 lượt, yếu kém như thế nào thì lãnh đạo thừa biết rồi nhưng bất chấp đề bạt, phản cảm ghê gớm. Hơn nữa, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin...
Phải siết lại kỷ cương, trật tự, ít nhất thành lập cơ quan quản lý nhà nước quản lý hết các tập đoàn, nhân sự, vốn liếng… Vinalines ốm yếu rồi còn gánh thêm Vinashin nữa... Rõ ràng Vinalines mua tàu gì, dự án gì cũng phải thông qua Bộ, các cơ quan phê duyệt phải chịu trách nhiệm như nào?
 
Linh Thư (ghi) - Ảnh: Lê Anh Dũng - Bình Minh


Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

'Phải xem tái cấu trúc là một sản phẩm chiến lược'

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/pgs-ts-tran-dinh-thien-phai-xem-tai-cau-truc-la-mot-san-pham-chien-luoc.nd5-dt.151879.113209.html

Thời gian gần đây, chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế luôn được đề cập đến như một vấn đề bức thiết, mang tính sống còn và không thể không làm ngay. Trong đó, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế phải bắt đầu từ đổi mới mô hình tăng trưởng, dẫn tới đòi hỏi phải cải cách thể chế chính trị với mục tiêu và chương trình hành động cụ thể. Nhưng việc xoay chuyển thể chế chính trị như thế nào để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả như kỳ vọng có lẽ sẽ không dễ dàng.

PGS. TS Trần Đình Thiên
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện kinh tế Việt Nam, tái cấu trúc nền kinh tế muốn hiệu quả thì trước hết phải có thiết kế cụ thể, nhất là lựa chọn một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với Việt Nam và môi trường kinh tế toàn cầu. Sau đó, đề ra những chương trình cụ thể và bước đi rõ ràng để đạt được mục tiêu.

- Tái cơ cấu nền kinh tế là phải thay đổi cái cũ bằng cái mới phù hợp hơn. Vậy theo ông, cái mới đó sẽ phải như thế nào ?
Để tái cơ cấu thành công thì phải thoát khỏi cái cơ cấu cũ, chuyển sang cơ cấu mới ưu việt hơn cái cũ. Nhưng cơ cấu mới thế nào thì đến giờ vẫn chưa có hình dung thực sự rõ ràng. Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong quá trình thiết kế.
Theo tôi, về nguyên tắc, nhận diện tái cấu trúc (TCC) phải xem như một sản phẩm chiến lược, chứ không phải là sản phẩm của một quá trình chỉnh sửa lặt vặt, cũng không phải là tân trang hay mông má. Ở đây, sản phẩm chiến lược bao hàm hai nội dung: một là, bảo đảm nền kinh tế có thể gia nhập được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu với năng lực ngày càng tăng lên; Hai là, bản thân Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, như đã từng rơi vào bẫy thu nhập thấp, mà chúng ta vừa thoát ra được. Đa số các nước cũng đang mắc phải nên chúng ta phải đặt ra mục tiêu, TCC để Việt Nam có một hệ thống kinh tế giúp chính mình vận động, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình đó.

 - Vậy nhận diện chân dung các bộ phận cấu thành đó như thế nào, thưa ông?
Có 3 lớp nhận diện. Về cơ cấu ngành, Việt Nam phải định nghĩa cơ cấu ngành trong tương lai như thế nào, sản xuất sản phẩm gì, chứ không thể nói chung chung. Về cơ cấu vùng, các vùng kinh tế của nước ta với đặc sắc riêng được nhận diện sẽ phát triển ra sao trên bản đồ thế giới? Và vấn đề quan trong là, các lực lượng chủ thể sẽ đóng vai trò gì và làm thế nào trong đó? Vì hiện nay, đang có chuyện lộn xộn giữa vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế. Cho nên, TCC là làm thế nào để khu vực kinh tế nhà nước làm đúng chức năng, vai trò của mình trong kinh tế thị trường.
Hiện nay, do chưa có cơ chế giám sát nên các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đảm nhận nhiều lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia như điện, than, dầu khí… Hoặc một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa công mà tư nhân không muốn làm hoặc  họ chưa có điều kiện để làm. Trong giai đoạn tới, nhà nước sẽ chuyển giao cho tư nhân làm một số lĩnh vực và nhà nước giám sát, tức là, bắt đầu định vị lại chức năng của nhà nước và tư nhân. Chính phủ cũng thay đổi cấu trúc quản trị để làm cho việc sử dụng các nguồn lực theo đúng cơ chế thị trường và hiệu quả hơn.
Còn khu vực doanh nghiệp FDI cũng phải thay đổi đầu tư chiến lược để không phải là đi thu hút trăm thứ “bà hầm” vào, hay dùng lợi thế lao động rẻ để thu hút. Đây không phải là chân dung công nghiệp mà thu hút FDI đem lại cho nước ta trong giai đoạn tới. Đồng thời, chúng ta phải cấu trúc lại hệ thống tài chính ngân hàng cho đúng chức năng nhiệm vụ, chứ không thể để tình trạng yếu kém như hiện nay.
Đó là chân dung tái cấu trúc đang được thiết kế, mà đòi hỏi phải quyết tâm làm một cách bài bản, có hệ thống. Nhưng có lẽ sẽ rất khó làm, vì nó đòi hỏi trí tuệ rất lớn,  tầm nhìn mới, chứ không chỉ hô hào, quyết tâm  suông.


- Làm thế nào để đưa DNNN về đúng chức năng của nó khi mà lợi ích nhóm đang chi phối quá lớn, thưa ông?
Trong khi câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công là việc sử dụng đồng vốn, phân bổ đồng vốn sao cho có hiệu quả thì tái cơ cấu DNNN lại là sử dụng các nguồn lực để gia tăng giá trị đóng góp cho nền kinh tế.
DNNN lẽ ra là xương sống của nền kinh tế, nhưng trong một thời gian dài nhiều DNNN hoạt động và phát triển chưa tương xứng, đầu tư ngoài ngành dàn trải hoặc đầu tư “lấn sân” sang cả khu vực tư nhân. Thế nên, phải “trả” DNNN về đúng vị trí của nó, hoặc trước mắt chỉ cần DNNN thực hiện nghiêm không đầu tư ra ngoài ngành để tạo tiềm lực cho nền kinh tế.
Mục tiêu lớn nhất của một trong 3 trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế là đưa DNNN trở về đúng chức năng của mình, tức là định vị lại chức năng của DNNN, chứ không phải đi tranh giành với khu vực tư nhân để giành cơ hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cái gì tư nhân làm tốt thì hãy để tư nhân làm, còn DNNN chỉ phát triển những ngành nghề trụ cột, mang tính xương sống.
Hiện chúng ta đang TCC trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng cũng có cái dễ, có cái khó. Nền kinh tế đang gặp khó khăn thực sự: bất ổn vĩ mô kéo dài, tăng trưởng sụt giảm, buộc phải TCC và xử lý những khó khăn nhất thời. Vì thế, để đáp ứng được mục tiêu dài hạn và ngắn hạn phải có những phép tính không thể cực đoan từ một phía được. Chính phủ đã chọn 3 lĩnh vực để TCC là: TCC đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty; TCC hệ thống tài chính ngân hàng, trọng tâm là ngân hàng thương mại.
Ba lĩnh vực trọng tâm ấy đều gắn với phạm vi nhà nước có thể ban hành những chính sách tác động trực tiếp được, nghĩa là nhà nước có thể can thiệp rất nhanh và mạnh. Nhưng phải chọn làm những việc làm được ngay và dễ làm để làm luôn để tạo niềm tin rằng nhà nước đang hành động thực sự.
Tuy nhiên, nếu chỉ thấy thế mà mãn nguyện là không đủ. Hiện nay, cả một khung khổ TCC chung (Đề án TCC tổng thế) cần được thảo luận ráo riết hơn. Đồng thời, có những biện pháp rất cấp thiết được tiến hành ngay. Ví dụ, gắn với câu chuyện sửa đổi hiến pháp là TCC cực lớn trên bình diện tổng thể. Ở đây, có liên quan đế nhiều vấn đề như sở hữu đất đai, phân cấp quản lý, cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường… Tôi cho rằng, các vấn đề này cần phải thảo luận ráo riết và đưa luôn vào hiến pháp để triển khai quyết liệt.
 
- Xin cảm ơn ông!
 Hồ Hường (ghi)

Văn Giang và viễn cảnh nông dân “góp cổ phần”

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/tin-dia-phuong/van-giang-va-vien-canh-nong-dan-gop-co-phan.nd5-dt.151949.113117.html



Thay vì phản ứng lại “lực lượng cưỡng chế”, những người dân Văn Giang bị thu hồi đất có thể góp vốn bằng chính giá trị quyền sử dụng đất của mình và trở thành cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico). Nhưng kịch bản tốt đẹp này vì sao chưa thể xảy ra?

Những thử nghiệm thất bại

Ngay cả khi chỉ phải đền bù với mức giá 135 nghìn đồng/m2, để giải tỏa những diện tích lên tới hơn 500 ha như khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) tại Hưng Yên, các chủ đầu tư vẫn phải bỏ ra một khoản tiền mặt khá lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Thay vì việc bỏ tiền mặt, chủ đầu tư có thể ghi nhận đóng góp của người dân bị thu hồi đất dưới dạng cổ phần để họ có thể ủng hộ việc triển khai dự án một cách tuyệt đối trên cơ sở được đảm bảo lợi ích lâu dài. Đến khi hoàn tất dự án, các bên cùng chia sẻ lợi ích thu được trên cơ sở các giao kèo được ký từ trước. Điều tưởng như rất lý thuyết này, trên thực tế đã được áp dụng thử tại một vài nơi.

Bản dự thảo đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020” được Bộ Tài chính công bố mới đây cho hay việc nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là một cơ chế rất mới và còn thiếu khung pháp lý để có thể triển khai thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Trên thực tế, một số địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án. An Giang và Thanh Hoá có 4 dự án có tổng diện tích đât nông nghiệp góp vốn là 8.121 m2. Ngoài ra, có thể kể tới 2 dự án lớn, có tính tiêu biểu là dự án khu đô thị công nghiệp cảng Cái Phước do Công ty Cổ phần Tân Thuận làm chủ đầu tư liên doanh với đối tác nước ngoài là tập đoàn Dubai World và dự án của Tập đoàn Cao su Việt Nam tại tỉnh Sơn La do Công ty Cổ phần Cao su Sơn La làm chủ đầu tư.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện tổng kết nâng lên thành chính sách chung để áp dụng trong cả nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, mô hình này vẫn thiếu tính khả thi. Chưa nói đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án bất động sản, việc nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đã là thiếu thuyết phục.

Vấn đề nông dân khi tham gia làm cổ đông ở các công ty cổ phần có thể góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đã được pháp luật nước ta công nhận trong Luật Đất đai, Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Nhưng một báo cáo của Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) công bố mới đây đã cho biết là mô hình này đã thất bại sau khi được thử nghiệm tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Báo cáo cho hay nếu nông dân nhượng quyền sử dụng đất hoặc giao đất cho doanh nghiệp, nhận đền bù bằng tiền mặt thì họ sẽ có nhiều lựa chọn, có tiền để chuyển đổi nghề kinh doanh.

Trong khi đó, nếu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì giá trị đất đó được các doanh nghiệp định giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp khi nhận đất góp của nông dân nhiều năm báo lỗ và khoản lỗ này nông dân phải cùng gánh chịu và hậu quả là chỉ sau vài năm, nhiều nông dân đã mất hết quyền sử dụng đất vào tay doanh nghiệp.

Chuyện dài sở hữu

Vẫn theo các chuyên gia của Ipsard, hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì sợ mất đất vĩnh viễn nếu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng sang công. Khi trở thành cổ đông, nông dân không thể tham gia vào quản lý công ty vì họ không có kỹ năng, lượng vốn nhỏ không có đáp ứng tỷ lệ vốn của đại cổ đông.

Không thể giải quyết thấu đáo vấn đề sở hữu, việc người nông dân không mặn mà với ý tưởng trở thành cổ đông cũng là điều dễ hiểu. Trước Ipsard, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã tiến hành một nghiên cứu về ruộng đất của nông dân, qua đó đi sâu vào vấn đề sở hữu đất nông nghiệp.

Chế độ sở hữu đất nông nghiệp ở Việt Nam được phân chia thành hai quyền: quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hai quyền ấy được phân cho hai chủ thể khác nhau là nhà nước và người nông dân.

Chính “đặc thù” này đã đưa đến hệ quả là hình thành hai thị trường đất đai: thị trường cấp 1 là thị trường giao dịch giữa nhà nước và người sử dụng đất với nhiều hình thức khác nhau như giao đất có thu tiền, không thu tiền; giao có thời hạn khác nhau; cho thuê…. Trong khi đó, thị trường cấp 2 là thị trường giao dịch giữa những người sử dụng đất nông nghiệp với nhau.

Trong khi thị trường cấp 2 chưa được tổ chức một cách đầy đủ để thúc đẩy hoạt động chuyển nhượng, thị trường cấp 1 lại phụ thuộc quá nhiều vào vai trò nhà nước: Nhà nước vừa quản lý hành chính công đối với đất đai, vừa là chủ sở hữu, có quyền quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của nông dân, chuyển mục đích sử dụng và giao lại đất nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác.

Điều này dẫn tới tình trạng người nông dân luôn ở vào thế yếu trong giao dịch đất nông nghiệp và, hoặc họ chống lại quá trình đó, hoặc họ đòi hỏi được “trả giá” tương xứng.

Không thể trách người dân đã thiếu “hợp tác” với các chủ đầu tư và chính quyền các cấp trong việc đóng góp vốn tự có là đất nông nghiệp thành cổ phần. Thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2010, cứ mỗi năm cả nước mất đi 100 nghìn ha đất nông nghiệp do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Đối với người nông dân, những ví dụ nhãn tiền từ các mảnh đất vĩnh viễn mất đi, có sức nặng nhiều hơn là những chủ trương chính sách trên giấy, dẫu đầy thiện chí!

Trở lại với câu chuyện Văn Giang, Vihajico thì chưa bao giờ đề xuất với nông dân về chuyện góp vốn cổ phần bằng đất nông nghiệp. Nhưng, như đã phân tích, nếu có đề xuất này đi chăng nữa, thì trong bối cảnh hiện tại, thất bại cũng là điều được dự báo trước. Chính vì vậy, hoàn thiện các quy định pháp lý để việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo một cơ chế "thị trường" nhất và hài hòa nhất về mặt lợi ích cần được xem là giải pháp căn cơ và lâu dài.

(Theo Vneconomy)

“Tái” cái gì, bắt đầu từ đâu?

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/ts-vu-dinh-anhtai-cau-truc-nen-kinh-te-tai-cai-gi-bat-dau-tu-dau.nd5-dt.151998.113209.html

Để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, trong điều kiện nguồn lực và năng lực có hạn, phải xác định đúng điểm xuất phát - tái cấu trúc bắt đầu từ đâu?  


Từ những điểm đột phá nào để quá trình tái cấu trúc diễn ra hiệu quả trong bối cảnh phát triển phức tạp, khó dự đoán của thế giới và Việt Nam. TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đã trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi xung quanh Hội thảo về tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tổ chức mới đây tại Hà Nội…

PV: - Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng: Khái niệm “đầu tư công” ở Việt Nam đến nay vẫn đang bị hiểu theo nghĩa mập mờ, còn nhiều chỗ chưa rõ ràng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
TS. Vũ Đình Ánh: - Đầu tư công của Việt Nam hiện chưa có khái niệm rõ ràng. Mặc dù vậy, theo cách hiểu chung hiện nay thì đầu tư công là đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước, bao gồm đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đầu tư từ vốn tín dụng Nhà nước và đầu tư từ DNNN. Theo đó, DNNN sẽ không tập trung vào mục tiêu lợi nhuận mà dựa vào đồng vốn của Chính phủ giao thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của họ chứ không phải vấn đề sử dụng làm sao thu được nhiều lợi nhuận nhất.

TS. Vũ Đình Ánh.
PV: - Câu chuyện đầu tư công cũng giống như câu chuyện về tăng trưởng, nghĩa là có đầu tư thì mới có tăng trưởng. Vậy, chúng ta sẽ huy động các nguồn lực nào để duy trì và phát huy được vấn đề đầu tư công, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: - Nguồn lực ở đâu để duy trì tỉ lệ đầu tư công như hiện nay, tôi cho đó là câu chuyện không đơn giản. Ngân sách Nhà nước cho đầu tư công rất cao nhưng hiệu quả thu lại quá thấp. Tiếp đến là nguồn vay, hiện nay quy mô nợ của Việt Nam (nợ công cũng như nợ nước ngoài) đang ở mức rất cao, gây ra những dấu hiệu rủi ro cao do sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, việc tái cấu trúc DNNN trong một chừng mực nào đó sẽ hạn chế nguồn lực các DNNN cho đầu tư công nói chung.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xác định, quy mô dành cho đầu tư công trong một vài năm tới, thậm chí trong 5- 10 năm tới sẽ dựa vào quy mô tăng trưởng kinh tế, vì vậy phải duy trì tỉ lệ đầu tư công. Nhất là trong bối cảnh nguồn lực hạn chế như hiện nay thì chúng ta phải tập trung vào những dự án có hiệu quả nhất. Và quan trọng là những dự án ấy không chỉ phục vụ cơ sở hạ tầng mà xét về mặt tài chính phải tạo ra hiệu quả kinh tế để có thể khoán vốn, trả nợ lãi, trả nợ gốc, giảm nhẹ gánh nặng rủi ro nợ công.

PV: - Thưa ông, có một thực tế là nhiều DNNN hiện nay hoạt động độc quyền, kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, không đúng chức năng nhiệm vụ nên phải tái cấu trúc lại. Nếu giao cho các DNTN làm thì liệu kết quả có tốt hơn không?
TS. Vũ Đình Ánh: - Theo tôi, khi chúng ta chưa xác định rõ các DNNN đóng vai trò gì trong nền kinh tế thì rất khó trả lời được. Chúng ta phải đặt vào một ngành rất cụ thể. Ví dụ, đầu tư vào sắt thép, rất nhiều người nói rằng việc gì Nhà nước phải đầu tư vào đây trong khi sắt thép bây giờ đang ế thừa. Hay ví dụ ở địa phương, đầu tư vào xi-măng, mía đường chẳng hạn. Tóm lại là chưa có lời giải chung. Nguyên tắc là từ năm 2000, khi đề ra chiến lược phát triển KT-XH có đề xuất là Nhà nước và DNNN chỉ đầu tư, hoạt động ở những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không được làm, không muốn làm và không thể làm. Nhưng đề xuất ấy đã bị loại và đó cũng chính là lí do mà hiện nay các DNNN khó xử và buộc phải tái cấu trúc. Đơn cử, câu chuyện của ngành đóng tàu, Việt Nam hiện bắt chước mô hình Hàn Quốc, chọn đóng tàu là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đầu tư. Nhưng ở Hàn Quốc, mô hình đầu tư của họ là Nhà nước thông qua một tập đoàn tư nhân chứ không phải DNNN như Tập đoàn Vinashin của Việt Nam. Chính vì vậy, họ đạt được mục tiêu đề ra, còn ở ta thì tiền Nhà nước ném ra nhưng ngành đóng tàu không nhìn thấy đâu, DNNN phá sản, hoạt động không hiệu quả. So sánh như thế để thấy, cùng một cách thức, nhưng cách sử dụng lại hoàn toàn khác nhau.
Tôi cho rằng, hiện tại rất khó để đánh giá là liệu thay vì Nhà nước thì tư nhân làm có tốt hay không. Đơn cử như EVN chẳng hạn, bảo giao cho tư nhân làm có tốt hay không cũng chưa biết vì đã cho làm bao giờ đâu. Do vậy, cần phải có những tính toán, phân tích có lí, đừng đem người dân ra thử nghiệm…

PV: - Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Linh

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Tái cơ cấu: E ngại với 'tuần tự tiệm tiến'

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phan-tich-du-bao/tai-co-cau-e-ngai-voi-tuan-tu-tiem-tien.nd5-dt.151714.113121.html


Không phải chờ khi đề án tái cơ cấu kinh tế ra đời, Việt Nam thực chất đã "tái cơ cấu" xuyên suốt ¼ thế kỷ đổi mới. Nhưng người dân lại cảm nhận, chúng ta đang tranh tối tranh sáng nửa kinh tế thị trường, nửa kinh tế tập trung. Vì sao người dân lại đánh giá thấp nỗ lực cải cách đến vậy?
Tranh tối tranh sáng

Chủ trì một hội thảo về thương mại 2 tuần trước, ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Trong khối ASEAN, Việt Nam được "nằm" trong nhóm "CMLV", tức Campuchia, Myama, Lào, Việt Nam, 4 nước đang ở cấp kém nhất của khối và vì thế, có thể được ưu ái hơn. Dự kiến, năm 2015, ASEAN có thể bảo lưu các yêu cầu cam kết giảm thuế cho 4 nước này để có thêm thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh trong sân chơi bình đẳng.

Tin này vừa vui, vừa buồn. Vui thì đã rõ, vì chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị nội lực, nhưng buồn thì nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ, nỗ lực đổi mới 25 năm qua của Việt Nam vẫn chưa có kết quả "đột phá" như mong muốn.  Chương trình hành động sau khi gia nhập WTO, rồi chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2000-2010, 2011-2020 vẫn chưa có sự "tăng tốc" tích cực như cam kết.

Phải chăng, đó là lý do mà cuộc điều tra cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường do Ngân hàng thế giới và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa công bố đã khẳng định hệ thống kinh tế Việt Nam đang tranh tối tranh sáng?

Có tới 25% ý kiến tham gia điều tra cảm nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã là "kinh tế thị trường", 60% số người chỉ đồng tình nhận định này một phần.

Một con số tương ứng đối lập lại luồng quan điểm này là 22% ý kiến cảm nhận Việt Nam vẫn đang là nền kinh tế tập trung Nhà nước.

Dù rằng, cuộc điều tra này chỉ hỏi về suy nghĩ và nhận thức mang nhiều cảm tính hơn là yêu cầu lý tính phải rạch ròi đúng - sai thì kết quả trên cũng quả là đáng tiếc cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách hiện nay.
Qua ¼ thế kỷ, vì sao vẫn chỉ có ¼ người dân trong cuộc khảo sát tin rằng, nền kinh tế thị trường đã được hình thành ở Việt Nam? Nếu như thực sự nền kinh tế Việt Nam đã "thị trường" và cải cách như mong đợi thì hẳn, không thể có một kết quả cảm nhận còn lấp lửng như vậy.

Doanh nghiệp Nhà nước vẫn tỏa bóng lớn ở nền kinh tế hiện nay (ảnh: Phạm (Huyền)

Chưa hết, nhóm nghiên cứu này còn cho hay, có tới 28% người dân cảm thấy, tốc độ chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây là rất chậm, hoặc chậm. Một tỷ lệ xấp xỉ như vậy, 26% ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển đổi đó chẳng nhanh, cũng chẳng chậm. Đó là một tỷ lệ đáng kể cho sự không hài lòng của người dân vào sự vận động và phát triển của kinh tế kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đây thực sự là một nghịch lý. Ba dấu mốc quan trọng không thể quên cho tiến trình hội nhập: năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, năm 2000, Việt Nam ký kết  BTA với Hoa Kỳ 2000 và năm 2007, trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Việt Nam mất 11 năm để đàm phán gia nhập WTO với hàng bao kỳ vọng. Có hàng loạt các hiệp đinh đối tác, các cam kết song phương, đa phương đã được ký kết. Hành trình gian nan hội nhập và thương hiệu WTO hẳn là một động lực lớn lao thúc đẩy mạnh mẽ cải cách kinh tế toàn diện, nhưng rốt cục, câu trả lời lại là một nỗi than phiền về tình trạng "quá độ" kéo dài và "tranh tối tranh sáng".

Bước thụt lùi của cải cách
Có thể, nhiều nhà quản lý và hoạch định chính sách không muốn tin vào kết quả cảm nhận của người dân. Nhưng khi soi chiếu lại hiện trạng của nền kinh tế để xem xét thì có thể biết, cảm nhận ấy là chính xác hay là cảm tính vô căn cớ?

Sự đối lập giữa hai giai đoạn rất rõ ràng: trước WTO, giai đoạn 2001-2005, tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng đẹp lên, GDP tăng lên, nhập siêu chưa thành vấn đề, xuất khẩu tăng lên, đầu tư khá tốt. Nhưng từ năm 2006-2010 thì đầu tư công gia tăng, GDP chậm lại và rủi ro vĩ mô rập rình và rất mạnh, nhập siêu thì quá lớn.

Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội trong 5 năm qua. Khoảng thời gian này, kinh tế thế giới biến động dữ dội: thăng hoa- lạm phát- suy thoái- khủng hoảng. Trên bàn giấy và nghị trường, đã xuất hiện những tranh cãi gay gắt về thế nào là một mô hình kinh tế ưu việt?

Việt Nam bị tổn thương nhưng kéo dài đến nay, vẫn đang suy giảm, lao đao, đình đốn. Giữa cơn bão tố đó, Việt Nam vẫn chuyển động và vẫn có thích ứng nhưng chậm chạp. Những chương trình - thực thi sự đổi mới, cải cách, tái cơ cấu- tưởng chừng phải "tăng tốc, đột phá" là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh thì lại trở nên trì trệ và thụt lùi hoặc "tuần tự tiệm tiến" một cách rùa bò.

Nếu như giai đoạn 2002-2005, số các doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh, nhờ vào cổ phần hóa, mua bán sáp nhập, thoái vốn đầu tư..., đến giai đoan 2005-2008, tốc độ này đã giảm chậm hơn. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, xu hướng thấy rõ là ngừng trệ hẳn, thậm chỉ đảo ngược khi có tới 175 doanh nghiệp Nhà nước lại được thành lập mới ở cấp Trung ương. Xu thế này vẫn còn đang tiếp diễn ở năm 2001 và 2012.

Sau "tái cơ cấu" llần 1, Việt  Nam vẫn chủ yếu gia công thuê cho nước ngoài

Ngay cả với các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, đều chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, trong đó, không ít doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn nắm giữ môt phần chi phối lớn trên 50% trong các DN đã cổ phần hóa này.

Cuộc điều tra của VCCI và Ngân hàng thế giới còn cho thấy, tới 31% người dân tin rằng, sở hữu Nhà nước đang là chủ đạo thay vì sở hữu tư nhân. Có tới 34% người dân đánh giá, tốc độ chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang tư nhân trong 5 năm gần đây là quá chậm, rất chậm. 1% ý kiến đánh giá tiêu cực nhất, nghĩa là có sự chuyển đổi ngược lại và vai trò của tư nhân đang bị giảm sút trong nền kinh tế.

Khi công bố số liệu này, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tự nhận mình thuộc nhóm 1% này. Kèm theo đó, ông nói một cách hóm hỉnh: "Và chân lý đôi khi lại không thuộc về số đông!"

Không thiếu dẫn chứng để thấy, nền kinh tế đã từng được hô hào là cải cách mạnh mẽ, toàn diện, nhưng trên thực tế, có một khoảng cách xa cách biệt.

Năm ngoái, Samsung xuất khẩu 6 tỷ USD nhưng tỷ lệ nội địa hóa có 16%, năm nay, doanh nghiệp này phấn đấu xuất khẩu 10 tỷ USD nhưng nội địa hóa thì có lẽ chưa thể "đột phá" được.

Đây là biểu hiện gần như dậm chân tại chỗ của quá trình chuyển dịch cơ cấu trong công nghiệp và nền kinh tế nói chung . Từ tinh thần chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ phải phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng hàm lượng giá trị gia tăng nhưng đến thực tế thì đã biến thành "đầu voi đuôi chuột".

Tới năm 2015, 90% dòng thuế nhập khẩu vào Việt Nam sẽ về 0%, và phần lớn số còn lại sẽ về 0% vào năm 2018. Chỉ còn 3-7 năm nữa để tăng cường nội lực, liệu nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam có tăng tốc đột phá về sức cạnh tranh được hay không?

Năm 2008, dân chúng nghe quá nhiều những cụm từ mỹ miều dành cho Việt Nam: Con rồng mới của châu Á, Ngôi sao đang lên... Nhưng 1 năm sau, từ 2009 đến nay, không thấy bất cứ vị chuyên gia hay lãnh đạo nào "dám" dùng tới hình tượng ấy, dù chỉ là thể hiện sự kỳ vọng.

Nói như ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, có một tình trạng phổ biến trong các đề án, chiến lược, nghiên cứu là "phân tích thì rất dày, đến kiến nghị thì mỏng". Liệu rằng, đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế có rơi vào lối mòn tư duy cũ, chỉ "tuần tự tiệm tiến" mà không thể "đột phá tăng tốc" như sách lược đề ra?

(Theo VEF)

Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phan-tich-du-bao/tai-cau-truc-nen-kinh-te-don-da-ke-benh-nhan-co-chiu-uong-thuoc.nd5-dt.107924.113121.html


Bàn cờ kinh tế VN bị chia thành rất nhiều mảnh nhỏ. Các mảnh này thường bị chi phối bởi các nhóm độc quyền và đặc quyền - TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lý giải vì sao Việt Nam thiếu các chính sách tốt.

Ông Anh cho biết cho đến nay, chưa thể có sự thống nhất về mô hình tăng trưởng tốt nhất cho Việt Nam vì đây là một vấn đề rất rộng và phức tạp.

Hơn nữa, tái cấu trúc và thay đổi mô hình tăng trưởng mới chỉ được thảo luận từ sau giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô 2007 - 2008.


TS. Vũ Thành Tự Anh
TS Vũ Thành Tự Anh: So với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn phát triển tương đương, tăng trưởng của Việt Nam hiện đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi về đầu tư. 


Tuy nhiên, giới nghiên cứu đã tiến gần tới sự đồng thuận về những khiếm khuyết nội tại, có tính cố hữu của nền kinh tế Việt Nam. Nếu như trước đây người ta thường tìm cách biện minh cho các điểm yếu đó thì bây giờ chúng đã được chấp nhận như những thực tế phải sửa đổi.

Gồm những điểm yếu nào, thưa ông?
- Điểm yếu cơ bản nhất trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng chủ yếu nhờ vào việc bán tài nguyên và gia công trình độ thấp, nhờ vào tăng lượng đầu tư và lấy khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả làm chủ đạo.

Điều này dẫn đến một số hệ quả như đã thấy trong giai đoạn bất ổn vĩ mô và suy giảm kinh tế gần đây.
Thứ nhất là nền kinh tế kém hiệu quả. Số đơn vị đầu tư cần thiết để tạo ra một điểm phần trăm tăng trưởng GDP (tức là hệ số ICOR) của nền kinh tế tăng rất nhanh, từ 3 vào đầu những năm 1990 lên trên 6 mấy năm gần đây.

Như vậy, so với Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc trong giai đoạn phát triển tương đương, tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi về đầu tư. 

Thứ hai là nguy cơ thường trực về bất ổn vĩ mô. Mô hình tăng trưởng hiện nay chạy theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào tăng vốn) mà không theo chiều sâu (không cải thiện được năng suất).

Hệ quả là để tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam cần rất nhiều đầu tư, khiến tín dụng tăng theo. Nhưng do nền kinh tế kém hiệu quả nên kết cục tất yếu là lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai lớn.
Thứ ba là một số nhóm đặc quyền đặc lợi cản trở cải cách. Những cải cách quan trọng và thành công nhất của Việt Nam kể từ Đổi mới chủ yếu liên quan tới khu vực nông nghiệp và dân doanh mà chưa đụng chạm nhiều tới những khu vực được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhất là những DNNN lớn.

Những DN này được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khan hiếm như đất đai và tín dụng nhờ vào vai trò chủ đạo (có tính mặc nhiên) của chúng trong các ngành kinh tế trọng yếu.

Khi không chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường và giám sát chặt chẽ từ nhà nước, các DN này đầu tư ào ạt và dàn trải để mở rộng “đế chế” của mình mà không quan tâm đến hiệu quả vì họ biết rằng nếu có thua lỗ chăng nữa thì nhà nước sẽ cứu.

Không những thế, để bảo vệ quyền lợi của mình, các DN này có thể còn cản trở nhiều cải cách hướng đến một nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng và hiệu quả hơn. Khu vực dân doanh vì thế cũng không thể phát triển dù rất năng động và đầy tiềm năng.

Bàn cờ kinh tế bị chia cắt
Theo ông, cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây có đưa ra được giải pháp khắc phục điểm yếu cơ bản này không?
- Đã có một số ý kiến rất đích đáng được nêu tại hội thảo.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng “thay đổi cần bắt đầu từ cái đầu”, tức là nếu nhận thức và tư duy mà không thay đổi thì không thể cải cách được.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đồng tình và nói thêm rằng đổi mới tư duy cần xuất phát từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. GS Võ Đại Lược khẳng định nếu vẫn giữ khu vực nhà nước làm chủ đạo thì không thể tái cấu trúc nền kinh tế.

GS Nguyễn Quang Thái cho rằng đổi mới thể chế là điều kiện tiên quyết để có thể đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên. Còn TS Nguyễn Đình Cung, người chủ trì đề án tái cấu trúc nền kinh tế, nói tái cấu trúc không thuần túy là vấn đề kinh tế mà thực chất là một vấn đề kinh tế - chính trị.

Thế còn quan điểm của ông?
- Một nguyên lý cơ bản của kinh tế học là hành vi của con người bị chi phối bởi các động cơ và khuyến khích, mà những động cơ và khuyến khích này lại được quy định bởi hệ thống thế chế.



Mô tả ảnh.
Nguồn: Số liệu về vốn, doanh thu và lao động lấy từ Báo cáo giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (2009). Số liệu GDP là của năm 2008 lấy từ Tổng cục Thống kê, trong đó khu vực nhà nước bao gồm các DNNN và các hoạt động phi kinh doanh (như quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao v.v...).

Thể chế ở đây được hiểu một cách rộng rãi bao gồm những quy tắc thành văn (hiến pháp, luật, quy định v.v...), những quy tắc không thành văn (văn hóa, phong tục, tập quán v.v...), và những cơ chế cưỡng chế thi hành các quy tắc này.

Một hệ thống thể chế tốt sẽ giúp thu hút người hiền tài vào khu vực công và góp phần tăng hiệu quả, hiệu lực cho những chiến lược, chính sách của nhà nước, mà đây chính là điều chúng ra đang thiếu.
Hãy hình dung nền kinh tế Việt Nam như một bàn cờ. Chia theo cột dọc là 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Chia theo hàng ngang là 63 tỉnh thành. Chia theo đường chéo là mười mấy tập đoàn kinh tế nhà nước, vì các tập đoàn hoạt động đa ngành ở nhiều địa phương khác nhau. Bàn cờ kinh tế đã bị chia cắt thành rất nhiều mảnh nhỏ.

Sẽ không có gì đáng lo ngại nếu mỗi mảnh nhỏ đều được điều tiết và bảo đảm có sự cạnh tranh lành mạnh. Vấn đề ở nước ta là các mảnh nhỏ này thường bị chi phối bởi các nhóm độc quyền và đặc quyền. Mỗi mảnh nhỏ này là một “nền kinh tế” và những người có quyền lợi sẽ cố hết sức để bảo vệ nó như bảo vệ thành trì của mình.
Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục phá hỏng hoàn toàn chiến lược và quy hoạch tổng thể, dù chiến lược và quy hoạch này đúng đắn đến đâu đi chăng nữa.

Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng biển, các KCN và khu kinh tế mở đua nhau mọc lên bất chấp hiệu quả kinh tế. Đất rừng bị cho thuê rẻ vô tội vạ. Các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm ở miền Trung và Tây Nguyên. Các tập đoàn đua nhau mở ngân hàng, lập công ty chứng khoán.

Không chỉ bị giới hạn về không gian, tầm nhìn chính sách còn bị giới hạn về thời gian do “tư duy nhiệm kỳ”. Thực chất, “tầm nhìn” của mỗi nhiệm kỳ không phải là 5 năm mà chỉ còn 3 năm vì năm đầu tiên và năm cuối cùng người ta không làm được bao nhiêu.

Khi tầm nhìn chính sách bị giới hạn cả về không gian và thời gian, không những thế, khi các “nền kinh tế nhỏ” phải cạnh tranh với nhau để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của mình thì chúng sẽ phá vỡ hoàn toàn các chính sách tổng thể. Đây thực sự là vấn đề lớn, là lý do chính tại sao chúng ta thiếu chính sách tốt.

Cải cách tập đoàn: Bài học từ Trung Quốc
Giải quyết những khuyết tật này như thế nào?
- Đây là câu hỏi lớn, không thể trả lời thỏa đáng trong phạm vi một bài phỏng vấn. Tôi nghĩ cần xuất phát từ một sự đồng thuận cơ bản, đó là nền kinh tế của chúng ta vẫn còn lạc hậu và đang kém hiệu quả, vì vậy cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn.

Đề án tái cấu trúc nền kinh tế do CIEM - Bộ KH&ĐT thực hiện là bước đi cần thiết và đúng hướng.
Để tái cơ cấu thì phải nhận dạng được những “méo mó” quan trọng nhất của nền kinh tế, mà đầu tiên là tình trạng phân bổ và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty và các siêu dự án đầu tư công. Khắc phục được tình trạng “méo mó” này sẽ là tiền đề quan trọng để giải quyết các trục trặc có tính cơ cấu khác.

Về phương diện cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh nghiệm của Trung Quốc có thể hữu ích cho Việt Nam.

Từ sau khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã hiểu ra rằng sự tồn tại của những DNNN có sức mạnh kinh tế và thế lực chính trị nhưng lại không bị điều tiết tất yếu sẽ dẫn tới sự bành trướng, độc quyền và lũng đoạn.

Vì vậy, để cải cách các tập đoàn này, phải thay đổi cơ chế giám sát và buộc chúng phải cạnh tranh. Trung Quốc đã thực hiện khá tốt điều này theo ba cách.

Thứ nhất là ép các tập đoàn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế Hồng Kông, London... Do vậy buộc chúng phải minh bạch về tài chính theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, các DNNN phải cạnh tranh quyết liệt với nhau và với các DN nước ngoài trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Thứ hai, khi buộc phải niêm yết và có tính cạnh tranh thì các DN này sẽ phải thuê các chuyên gia quản trị được đào tạo ở nước ngoài.

Các chuyên gia này sẽ mang tới nhiều thay đổi quan trọng về tư duy, quản trị, giúp kết nối DN Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với khát vọng bá chủ thế giới và vì lợi ích chung của dân tộc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chấp nhận “thuê ngoài thể chế”, miễn là điều này mang tới sự cải thiện hiệu quả.

Điều thứ ba, cũng rất quan trọng, khi đã có một số hình mẫu thành công thì cả hệ thống dần dần điều chỉnh theo, không phải để chống lại cái mới mà để thu nạp, nhân rộng nó.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy thực ra việc “kê đơn” đúng không quá khó, điều thực sự khó là làm thế nào để bệnh nhân chịu uống thuốc, mà điều này lại phụ thuộc vào ý chí của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Bước đầu tiên trong quá trình cải cách các tập đoàn nhà nước mà Việt Nam có thể thực hiện là công bố báo cáo tài chính của các tập đoàn theo chuẩn mực quốc tế.

Khi được ưu tiên sử dụng các nguồn lực khan hiếm của đất nước và nhận tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước, chính xác hơn là từ tiền đóng thuế của người dân, các tập đoàn này phải chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng.

Đồng thời, họ phải tự chứng minh mình xứng đáng với vai trò chủ đạo, thực sự là “quả đấm thép” bằng cách tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, cạnh tranh thành công trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

  • Lê Nhung//VietNamNet

Tái cơ cấu kinh tế: Chưa đào tận gốc vấn đề

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phan-tich-du-bao/tai-co-cau-kinh-te-chua-dao-tan-goc-van-de.nd5-dt.151692.113121.html



Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án này vẫn chưa có nét mới đột phá.
Chưa có điểm mới?

Hơn hai mươi năm trước, chúng ta đã thực hiện cấu trúc lại nền kinh tế để tạo nên sự đổi mới. Tuy nhiên, trong một thế giới liên tục thay đổi, những năm qua nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế. Tái cấu trúc lại được đặt ra với mong muốn tạo nên bước đột phá. Đề án "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực canh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020", đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn tất, nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng đề án được hy vọng tạo ra nét đột phá mới nhưng lại chưa thể hiện được gì mới.

Theo ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu Giám đốc Ngân hàng Bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cũng giống như các nước châu Âu, Việt Nam 10 năm qua chạy theo kinh tế ảo với phát triển dựa trên biến động giá cả thị trường, nói cách khác tức là đầu cơ. Điều này gây ra nhiều nguy hiểm, có thể dẫn tới sự suy sụp. Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia độc nhất trên thế giới đã mạnh dạn đưa ra chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng được cả thế giới đánh giá cao.

"Chúng tôi mong đợi và hy vọng rất nhiều ở Đề án tái cấu trúc nền kinh tế lần thứ 2 này, tuy nhiên mới đây khi Đề án được Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra, xem xong, không khỏi thất vọng", ông Phạm Nam Kim nói.
Bởi, đề án tái cấu trúc nền kinh tế với kỳ vọng đột phá mới nhưng thực ra chẳng có gì là mới cả, vẫn đi theo chiều hướng cũ, thiếu quán triệt điểm cơ bản là kinh tế thị trường.

Trong số các ngành sản xuất cần tái cơ cấu, không thấy nói gì đến điện (ảnh Phạm Hải).

Theo ông Kim, trước hết Việt Nam cần phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Điều này rất quan trọng bởi có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

Khi đã có được thị trường đúng nghĩa tức là có "luật chơi" sòng phẳng thì việc tái cơ cấu các ngành nghề như tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đầu tư công... cũng phải thực thi theo "luật chơi" này, có như vậy mới đảm bảo sự đổi mới thực sự.

Đáng tiếc là trong đề án này, các nhà soạn thảo vẫn chưa quán triệt điều này nên chỉ nói: "hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước" mà không coi nó là nền tảng cơ bản để đổi mới nền kinh tế.

Lấy ví dụ về cơ cấu DNNN, hiện nay 60% GDP là do DNNN làm ra. DNNN lại sống nhờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, thị trường được bảo vệ, vốn nhà nước sử dụng thiếu hiệu quả... Quy chế người lãnh đạo DNNN lại do Nhà nước quy định, giống như của một công chức thì dù có thay đổi thế nào đi nữa, cũng không có gì thay đổi, bởi vẫn là tư duy công chức. Mọi việc lại xin quyết định từ trên cao, người thi hành rất thoải mái do không phải là người quyết định, đẩy trách nhiệm lên trên, vì vậy tái cấu trúc phải đặt trọng tâm vào thay đổi là quy chế quản lý DNNN để đảm bảo DN phải tuân thủ "luật chơi" thị trường, không có sự bảo hộ của nơi khác. Muốn vậy, như đã nói, phải xây dựng được thị trường đúng nghĩa của nó đã.
Thiếu mũi nhọn
Ông Kim cho rằng, việc tái cấu trúc các ngành nghề là rất tốt, tuy nhiên hơi dàn trải và không thấy đâu là mũi nhọn của kinh tế đất nước. Kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các quốc gia phải tìm chỗ đứng cho mình. Sẽ không có chỗ đứng nếu không có thế mạnh. Những ngành mà Đề án tái cấu trúc đưa ra lịêu có phải là thế mạnh của Việt Nam và nó đang ở đâu? Tất cả vẫn chưa rõ ràng. Tái cấu trúc các ngành sản xuất phải xét trên thực tế nó có thế mạnh, tạo ra cho đất nước lợi nhuận cao và tăng trưởng bền vững.

Đối với sản xuất,  việc tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh, điều này không có gì là mới cả. Ngay từ năm 1991, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tới 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp với khả năng làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực tự sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Muốn vậy cần phải nhanh chóng rời bỏ mô hình phát triển theo kiểu gia công, đưa vào mô hình kỹ nghệ tiên tiến, đảm bảo tạo ra sự khác biệt với các quốc gia khác. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 20 năm nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô, lao động rẻ, chưa hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh phụ kiện, xuất khẩu tinh, trong khi đó thời gian còn lại quá ít, 8 năm nữa liệu có thể tiến tới làm chủ công nghệ với việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao?  Vấn đề là làm như thế nào để đưa nó trở thành hiện thực mới là quan trọng thì không thấy đề cập đến.

Có thể nói, đề án này sẽ khó thực hiện, nếu có thực hiện cũng không đưa đến một cái gì mới mẻ, không có sự cải cách gì và không đem lại hiệu quả.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, năm 2009, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chuyển Quốc hội Việt Nam 1 tài liệu dày 200 trang về tái cấu trúc nền kinh tế, đến nay trải qua mấy năm rồi tái cấu trúc đến đâu, có làm hay không, không thấy nói đến, nay lại tiếp tục tái cấu trúc. Đề án này khác với trước là nó chỉ có 14 trang, đã tóm gọn không còn dàn trải kể lể mà không có giải thích.

Nhận xét về đề án, ông Thành cho biết, nó vẫn không đặt ra vấn đề phát triển căn bản của nền kinh tế, nó mang tính chất kỹ thuật thì đúng hơn là đề án tái cấu trúc. Ông nhận xét: "Tôi không thấy có một đường hướng cụ thể nào. Chẳng hạn, nếu nói định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải nói định hướng nó là cái gì, phát triển ra sao, trung hạn, dài hạn như thế nào".

Không thấy nêu ra nhưng vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, vậy thì ngân hàng trung ương làm cái gì, sẽ như thế nào, là tổ chức độc lập hay thuộc Chính phủ?

Hay trong số các ngành sản xuất, không thấy nói gì đến điện. Theo tổng sơ đồ điện VII, thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt tổng công suất nguồn phát khoảng 75.000 MW gấp 3 lần hiện nay và đến năm 2030 khoảng 146.800 MW, gấp 6 lần hiện nay mới đủ đáp ứng nhu cầu cả  nước. Thời gian không còn nhiều, vậy có giải quyết được không, cần bao nhiều nguồn tài nguyên, vốn để đáp ứng? Nếu không thực hiện được thì giải pháp như thế nào? Điện không phát triển thì nói gì đến phát triển kinh tế, quan trọng như thế mà không thấy nêu ra.

Với các ngành khác như đóng tàu, thì phải cụ thể nó nằm trong khung công nghệ nào, phần nào là công nghệ cao, phần nào là công nghệ thấp, hướng đi ra sao, đào tạo như thế nào... chưa thấy đề cập đến.
Nói tóm lại, đề án mới chỉ "rờ" tới những cái lá, chưa thấy nói chuyện gốc. Từ gia công đi lên công nghệ cao, từ gia công đến sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đi như thế nào không thấy nói. Có lẽ mới chỉ là kỳ vọng thôi, mà kỳ vọng ảo hay kỳ vọng thật cũng chưa rõ, vẫn còn rất mơ hồ.

(Theo VEF)