Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Thị trường tiền tệ: Dòng tiền trú ẩn vào đâu?

http://webgiavang.com/News/Details/3092-thi-truong-tien-te-dong-tien-tru-an-vao-dau


Huy động và cho vay vốn của hệ thống NHTM không tăng, thị trường bất động sản vẫn “đóng băng”, dòng tiền trên TTCK tiếp tục sụt giảm... vậy dòng tiền hiện đang trú ẩn vào đâu? Năm 2012 xu hướng dịch chuyển của dòng vốn này sẽ theo hướng nào?

Tiền đổ vào vàng
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, hoạt động của các NHTM trong năm qua chịu tác động bất ổn của các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Sự sụt giảm huy động vốn của hệ thống NHTM là do mối quan hệ giữa lãi suất VNĐ - USD - tỷ giá - lạm phát. Năm qua lãi suất VNĐ cao hơn lãi suất ngoại tệ, vì vậy vốn huy động VNĐ vẫn cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ.

Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy 10 tháng năm 201,  huy động vốn bằng VNĐ tăng 8,61%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng 6,22%.

Điều này cho thấy tâm lý thị trường cùng với hiện tượng nắm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, 2 tháng gần đây giá vàng biến động theo xu hướng có lợi như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Vì vậy, một bộ phận tiền gửi tiết kiệm giảm do người gửi tiền rút ra đầu tư, kinh doanh vàng dẫn đến tình hình thanh khoản khó khăn cục bộ ở một số NHTM.

Theo số liệu thống kê (chưa đầy đủ) từ 13 NHTM cổ phần có huy động và cho vay vốn bằng vàng, lượng vàng giữ hộ có xu hướng tăng, hiện lượng vàng giữ hộ trên 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Phó Tổng giám đốc Tanimex, có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng trú ẩn của dòng vốn. Một trong những yếu tố là khi mặt bằng giá cả thay đổi theo hướng tăng cao, người dân và doanh nghiệp phải dự trữ tiền mặt để thanh toán, chi tiêu nhiều hơn so với trước.

Chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cũng làm “đọng” vốn, khả năng luân chuyển vốn của nền kinh tế chậm hơn. Các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước đây có thể 3-6 tháng hoàn thành, nay kéo dài hơn. Trước đây người dân còn có các nguồn thu nhập khác từ chứng khoán, bất động sản, nay nguồn thu nhập hạn hẹp, chủ yếu từ lương.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng Thống đốc NHNN cũng thừa nhận khả năng giảm lãi suất trong những tháng đầu năm 2012 khó khả thi, càng khiến các thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục ảm đạm. Dòng tiền trên thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Lòng vòng giữa các nhà băng
 Một vấn đề khác đặt ra xoay quanh câu hỏi dòng vốn ngân hàng đang ở đâu là tổng tài sản có (bao gồm vốn điều lệ, vốn huy động) của hệ thống NHTM trong năm qua tăng khá cao.

Riêng TPHCM năm 2011 tổng tài sản tăng 15%, tương đương tăng 200.000 tỷ đồng, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thấp (trên địa bàn TPHCM năm 2011 tín dụng chỉ tăng 6,3%, tương đương 753.760 tỷ đồng).

Chưa kể cuối năm 2011 một số NHTM đã hoán đổi một lượng vàng lớn sang tiền đồng thông qua việc bán vàng bình ổn và mua dần vàng để cân bằng trạng thái trên tài khoản giao dịch vàng quốc tế.

Một chuyên gia ngân hàng lý giải năm 2011 tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống NHTM tăng mạnh, nếu tính con số tuyệt đối sẽ không nhỏ so với số vốn huy động và vốn vay tăng thêm trong năm. Trừ đi tỷ lệ nợ quá hạn, dòng vốn còn lại vẫn lớn nhưng nằm chủ yếu lòng vòng trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và các khoản tạm ứng (mua chứng khoán…), các khoản phải thu của NHTM.

Trong khi đó, dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng càng về sau giá càng cao khi nhu cầu thanh khoản của NHTM nhỏ tăng. Tình trạng nợ xấu cũng là một trong những nguyên nhân làm đọng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được vốn vay giá rẻ của ngân hàng.

“Cung tiền dồi dào lãi suất xuống.  Còn cung tiền không có làm sao lãi suất xuống được” - vị chuyên gia này nói. Thực tế, trong báo cáo tổng kết năm 2011 của NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho thấy đã có sự dịch chuyển vốn từ thị trường 1 (thị trường tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế) sang thị trường 2.

Bên cạnh dòng vốn của nền kinh tế chạy lòng vòng giữa các NHTM, có thể thấy sự mất cân đối giữa kỳ hạn vốn huy động và cho vay cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn ách tắc. Hiện nay, hơn 90% huy động vốn của các NHTM là ngắn hạn.

Bởi lạm phát và sự biến động của thị trường cùng với quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa 14%/năm được các NHTM áp dụng cho tất cả kỳ hạn đã tác động đến tâm lý người gửi tiền. Vì vậy, người gửi tiền chủ yếu gửi kỳ hạn ngắn.

Bản thân các NHTM cũng không dám nhận kỳ hạn dài vì sợ trần lãi suất sẽ giảm, trong khi tổng dư nợ trung và dài hạn chiếm 45-47% tổng dư nợ. Như vậy, hầu hết dòng vốn đang nằm trong các dự án trung và dài hạn, tất yếu không còn nhiều tiền để cho vay nền kinh tế.
Mai Thảo
 SGĐT

Không có nhận xét nào: