Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Điện không lo thiếu vì doanh nghiệp "chết" nhiều

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=368381

Điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế khó khăn là tình hình cung ứng điện ổn định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, tình huống trở nên bi hài khi nhà đèn hứa đủ điện thì nhiều doanh nghiệp không còn sống để hưởng.

EVN hứa sẽ cung ứng đủ điện. Ảnh: Hoàng Hà
EVN hứa sẽ cung ứng đủ điện. Ảnh: Hoàng Hà

Tại phiên Họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết riêng trong quý I/2012, đã có gần 12.000 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và ngừng hoạt động. Con số này tuy vẫn thấp hơn 15.300 doanh nghiệp thành lập song tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4% cho thấy nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn khó khăn, mặc dù các yếu tố vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định, khởi sắc.
UBND TP HCM cho biết, trong quý I, có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố, tăng 4,6 lần cùng kỳ 2011. Tình hình trở nên căng thẳng và ngày 3/4 vừa qua, UBND thành phố đã phải họp bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với nỗi lo trên, nhiều bộ ngành đã lên tiếng cảnh báo về mức độ tăng trưởng thấp trong quý một. Bộ Kế hoạch Đầu tư thẳng thắn, ngành công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ trưởng 2,94%, bằng 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn Bộ Công Thương khẳng định, mặc dù tăng trưởng 3,2%, song ngành công nghiệp chế biến đang thuộc diện khó khăn nhất vì con số này thấp hơn nhiều so với 13,4% cùng kỳ. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến thì có đến 18 mặt hàng có chỉ số sản xuất giảm như xi măng, sắt thép, sản xuất sợi, bao bì, bột giấy...
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy, khối xây dựng - bất động sản rất sa sút. Thủ Đức House lợi nhuận sau thuế năm 2011 chỉ còn 31 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ 248 tỷ đồng của năm trước. Địa ốc Đất xanh, doanh thu đạt 75% so với năm 2010 và lợi nhuận cũng giảm mạnh chỉ bằng 42% so với năm 2010. Địa ốc Hoàng Quân, doanh thu đạt 216 tỷ đồng, trong khi đó năm 2010 con số này lên tới 1.325 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 26 tỷ đồng, bằng 5% so với năm 2010. Góp mặt trong bức tranh ảm đạm còn có cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với doanh thu năm 2011 bằng 51% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 48% so với năm 2010.
Một trong những điểm sáng hiếm hoi được các bộ ngành đánh giá là tình hình cung ứng điện quý I/2012 an toàn, ổn định. Sản lượng điện khai thác theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp đủ điện cho mùa khô. Trong 3 tháng đầu năm, điện sản xuất toàn ngành đạt gần 26.000 triệu kWh tăng 15,1% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm ước đạt hơn 22.000 triệu kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
"Cấp điện từ đầu năm tới nay chắc là thoải mái", một lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư nói vui như vậy tại cuộc họp giao ban tháng 3, khi các số liệu cho thấy sản lượng điện tăng mà tình hình sản xuất công nghiệp đình đốn.
Trong năm 2011, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cục Điều tiết điện lực yêu cầu EVN xây dựng kế hoạch cung cấp, cắt giảm điện từ tháng 3.

Trái ngược với bối cảnh năm 2011, năm nay điện hứa cung ứng đủ trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp giải thể khiến người trong cuộc dở khóc, dở cười. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong quý một năm nay, tình trạng điện có vẻ khả quan hơn cùng kỳ, ngoại trừ một số nơi bị mất điện cục bộ thì "nhìn chung là ổn". Năm ngoái, doanh nghiệp sống dở chết dở vì thường xuyên bị cúp điện. Chỉ cần vài phút bị mất điện khi đang nung lò cao thì doanh nghiệp đã mất cả tỷ đồng. Do đó, mặc dù lượng tiêu thụ giảm mạnh trong quý một và ngành thép gặp muôn vàn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức 17-18%, giá phôi lên tới 650 USD mỗi tấn thì thông điệp của nhà đèn phần nào an ủi được doanh nghiệp.

"Mặc dù nhà đèn có những tiến bộ nhất định, song không thể phủ nhận một trong những lý do khiến EVN không lo thiếu điện trong năm nay là nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể", ông Nghi thẳng thắn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN Cao Sĩ Kiêm chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp co cụm sản xuất tiêu hao năng lượng ít đi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không như các ngành khác, sản lượng điện sản xuất ra không dùng hết sẽ không thể "để trong kho". "EVN sẽ thảnh thơi vì tiêu thụ điện trong sản xuất ít. Nhưng nếu kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ điện quá ít quá thì ngành điện lại rất gay go", ông Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, câu chuyện sẽ trở nên bi hài vì doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn.
 
Doanh nghiệp ăn nên làm ra thì luôn bị cúp điện, và khi điện cung ứng đủ thì họ lại không còn tồn tại để hưởng.
Không bình luận về việc nhiều doanh nghiệp đóng cửa nên nhà đèn sẽ dễ thở hơn trong việc cung ứng điện vì sợ "đụng chạm và không hay", song lãnh đạo của EVN cam kết, tình hình cưng ứng điện ổn định, không thiếu. Thủy điện Sơn La đã hoạt động 4 tổ máy, dự kiến tháng 5, tháng 8 sẽ lần lượt đưa hai tổ máy 5 và 6. Nhiều nhà máy nhiệt điện than cũng sẽ chạy nên nếu không có gì biến động, điện sẽ đủ. "Ngành điện sợ nói trước bước không qua. Vì thời tiết thay đổi thất thường, nay nắng, mai mưa nên không dám hứa. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo cung ứng đủ điện cho người dân", lãnh đạo EVN thẳng thắn.
Trao đổi với Báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, chuyện 12.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động và giải thể là hoàn cảnh khách quan. Bộ Công Thương luôn mong muốn sản xuất kinh doanh của đất nước đi lên, kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng. Còn chuyện doanh nghiệp giải thể nên tiêu dùng năng lượng ít đi thì "chẳng thể trách ai". "Tôi tin rằng EVN sẽ hết sức cố gắng để những năm sau, sản xuất kinh doanh đi lên thì có thể đáp ứng đủ điện", ông Hải chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương vẫn đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Cần phải bình tĩnh vì bên cạnh doanh nghiệp khó khăn về vốn, giải thể thì có một lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng khá lớn", ông Hải nói.

Không có nhận xét nào: