Nguồn vốn tích lũy kém, lệ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng (NH) trong khi lãi suất (LS) quá cao, tiền tệ bị siết... Đó là lý do khi NH lâm bệnh, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đứng bên bờ vực phá sản.
90% doanh nghiệp phụ thuộc 100% vốn NH
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu
thủy sản VN (VASEP), có nhiều nguyên nhân khiến các DN thủy sản trong
nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay, nhưng đáng kể nhất vẫn là
việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay NH. Trước đây, các NH đua nhau cho
DN thủy sản vay để xây dựng nhà xưởng ồ ạt. Đến khi kinh tế bị khủng
hoảng, họ đồng loạt rút vốn về khiến DN lâm vào hoàn cảnh sống không
nổi, chết không xong. Ông Minh cũng thừa nhận, trên thực tế hiện có đến
90% các DN chế biến thủy sản VN hoạt động dựa 100% vào nguồn vốn vay NH,
từ chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn cố định, vốn lưu động... Do đó,
khi NH thu vốn về thì các DN này chỉ còn nước đóng cửa.
Ở lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ
tịch HĐQT Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, "mô hình" chung của các DN
hiện nay chỉ có vốn từ 10% - 30%, số còn lại phụ thuộc vào nguồn vay NH
và tiền đầu tư của khách hàng. Do đó khi thị trường BĐS bị đóng băng, NH
không cho vay thì các DN cũng không có đường xoay xở. TS Đỗ Thị Loan,
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng bên cạnh việc LS
chính thức đang cao ngất ngưởng, họ phải chịu thêm từ 3% - 5% LS phi
chính thức. Mức LS phi chính thức phụ thuộc vào mối quan hệ của từng DN
với NH tùy theo thời điểm cụ thể. Hồi cuối năm 2011, có DN cho biết tổng
mức LS cả chính thức và phi chính thức lên đến gần 30%.
Ông Hồ Thanh Hiển, giám đốc một DN sản xuất ngành thép ở TP.HCM cho
hay kể từ năm ngoái, công ty ông không tiếp tục vay NH, chấp nhận không
đầu tư mới và tập trung vào trả hết các khoản vốn vay trước đó. “Đặc thù
của DN sản xuất trong nước là vốn đầu tư vào nhà máy quá lớn, nhập khẩu
toàn bộ máy móc thiết bị của nước ngoài với giá cao, đổ vốn xây dựng
nhà xưởng cùng phí thuê đất hoặc mua đất xây nhà xưởng đắt đỏ, mua xe
vận chuyển hàng hóa... cùng những chi phí xăng dầu tăng, điện tăng...
khiến cho việc tích lũy vốn không dễ dàng. Trong khi các nguồn vốn khác
như chứng khoán, đầu tư gián tiếp lại vô cùng hạn chế, nên bắt buộc DN
trong nước hầu hết phải lệ thuộc vào nguồn vốn của NH”, ông Hiển nói.
Nhiều doanh nhân thú nhận, vấn đề của DN Việt Nam là từng có một thời
gian dài đầu tư dàn trải. Vốn tự có chỉ 1 đồng nhưng vay tới 4 đồng để
mở rộng sản xuất hoặc đầu tư vào BĐS... Nhiều DN có cái nhìn ngắn hạn,
tích lũy được 30 tỉ đồng đã vội vàng vay 20 tỉ để mua đất đai, đến lúc
thị trường đất đai đóng băng không thể thu hồi vốn, không chỉ mất 30 tỉ
tích lũy mà còn phải trả nợ cả gốc lẫn lãi vốn NH. Nếu tình trạng này
tiếp diễn, trong khi thị trường mở cửa, DN nước ngoài mạnh vốn vào Việt
Nam ngày càng nhiều thì sẽ mất hoàn toàn thị trường.
![]() Nguồn vốn vay ngân hàng có vai trò sống còn với nhiều doanh nghiệp trong nước - Ảnh: D.Đ.M |
Không vay được cũng chết mà vay được cũng chết, đó là tình trạng của
các DN do tín dụng bị siết chặt và LS quá cao hiện nay. Vì vậy, để giảm
LS, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế
TP.HCM, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc
gia, cần khống chế chênh lệch chi phí đầu vào - đầu ra và nhà nước cần
xem LS là mặt hàng cần bình ổn giá. Đường đi của NH Nhà nước thời gian
qua hoàn toàn đúng nhưng thị trường cần các bước đi nhanh hơn. Theo số
liệu thống kê đến ngày 20.3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,44% so
với cuối năm 2011, tổng số dư huy động tăng 1,56%, còn tổng dư nợ tín
dụng liên tục giảm 3 tháng liên tiếp và giảm 2,13% so với cuối năm 2011.
Tín dụng giảm thì không có lý do gì giữ LS ở mức cao. Nếu xử lý nhanh
các vấn đề như nợ xấu, thanh khoản..., LS huy động giảm được về 10%/năm,
lúc đó LS cho vay về khoảng 14%/năm từ tháng 6 trở đi.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học
NH TP.HCM lại cho rằng, ngoài việc giảm LS, nhà nước cũng nên có những
chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm thuế, tạo ra các thị trường
khác để giúp DN tìm kiếm nguồn vốn rẻ. Bản thân các DN cũng cần đa dạng
nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn tín
dụng từ NH như hiện nay. Phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị
trường chứng khoán cũng là một kênh phổ biến trong thời gian qua. Ngoài
cổ phiếu, các DN hiện nay còn chưa quan tâm nhiều đến việc phát hành
trái phiếu vì thời hạn dài. Do đó cần tạo một thị trường giao dịch trái
phiếu DN để khi họ mua xong, cần bán thì có thể bán lại được cho người
khác để khơi thông nguồn vốn này.
Thâm dụng vốn
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, điểm yếu rất lớn của DN VN và toàn nền kinh tế là “thâm dụng vốn”. Thâm dụng thể hiện ở 2 góc độ, một là sử dụng vốn quá nhiều để tạo ra giá trị hàng hóa, hai là dựa vào vốn vay lớn, với mức vay bình quân có thể lên đến 60% - 70% tổng vốn kinh doanh.
Đối với các nước phát triển, ở đó thị trường vốn phát triển đầy đủ với các kênh huy động vốn đa dạng, uyển chuyển, thì khi DN gặp phải tình cảnh khó khăn từ nguồn vốn NH, họ có thể tiếp cận nhiều nguồn khác như trái phiếu, thuê - mua, tái thế chấp, M&A... của các định chế tài chính như NH đầu tư, công ty thuê mua tài chính, công ty mua - bán nợ, quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm... còn tại VN hiện nay NH thương mại vẫn là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho DN. Do vậy các phương cách tái cấu trúc vốn cho DN VN bị hạn chế rất nhiều, khiến DN Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn khó khăn vốn hiện nay.
Chí Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét