Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Loay hoay với tái cấu trúc kinh tế

http://sgtt.vn/Goc-nhin/163564/Loay-hoay-voi-tai-cau-truc-kinh-te.html


Thống nhất với nhận định đầu tư công đang là điểm nóng của nền kinh tế hiện nay, song các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo “Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” tổ chức hôm qua (3.5) tại Hà Nội vẫn chưa đưa ra được giải pháp, kiến nghị có tính đột phá.
Đầu tư công: vòng xoáy nợ nần

Đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20 – 30%, chi phí cao, như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương chưa sử dụng đã hỏng. 
 Theo TS Vũ Đình Ánh, suốt giai đoạn 1995 – 2011, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Đặc biệt, những năm 2005 – 2009 và 2011, tỷ trọng này lên trên 50%, thậm chí trên 60%. Đầu tư công tăng tỷ lệ thuận với nợ công. Tính đến cuối năm 2011, nợ công chiếm 54,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,6% GDP và nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP – tương đương 50 tỉ USD.


“So với mức độ nợ công chung của các nước mới nổi và đang phát triển thì nợ công của Việt Nam có quy mô lớn hơn và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng do cả nguyên nhân thâm hụt ngân sách lẫn vay nợ để đầu tư”, ông Ánh nhận xét. Nếu theo chuẩn quốc tế thì thâm hụt NSNN đã tăng vọt từ dưới 10.000 tỉ đồng năm 2006 lên hơn gấp đôi vào năm 2007, hơn tám lần vào năm 2009 và có giảm nhẹ trong năm 2010 xuống còn 3,03% GDP.

Để bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào đợt phát hành mới – như một hình thức đảo nợ, đặc biệt là nợ vay trong nước. NSNN Việt Nam đang đứng trước vòng xoáy nợ nần với quy mô nợ Chính phủ ngày càng lớn. Theo tính toán của ông Ánh, Việt Nam dành khoảng 15% tổng chi NSNN (tương ứng 40.000 – 45.000 tỉ đồng giai đoạn 2006 – 2010) cho trả nợ và con số này tiếp tục gia tăng trong những năm tới do đến hạn trả nợ cũng như biến động tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, khi so sánh mối quan hệ giữa đầu tư công – nợ công giai đoạn 2001 – 2011, ông Ánh đã chỉ ra kết quả đáng kinh ngạc là so với GDP (giá thực tế) thì đầu tư công có xu hướng giảm rõ rệt trong khi nợ công lại có xu hướng tăng mạnh và nợ nước ngoài cũng vậy. “Vậy thì một phần nợ công đã chuyển đi đâu, phải chăng là sang tiêu dùng chứ không hẳn cho đầu tư phát triển?”, ông Ánh đặt câu hỏi.
Khi so sánh mối quan hệ giữa đầu tư công – nợ công giai đoạn 2001 – 2011, TS Vũ Đình Ánh đã chỉ ra kết quả đáng kinh ngạc là so với GDP (giá thực tế) thì đầu tư công có xu hướng giảm rõ rệt trong khi nợ công lại có xu hướng tăng mạnh và nợ nước ngoài cũng vậy. “Vậy thì một phần nợ công đã chuyển đi đâu, phải chăng là sang tiêu dùng chứ không hẳn cho đầu tư phát triển?”, ông Ánh đặt câu hỏi.
Ông Ánh cũng chỉ ra rằng với cơ cấu chi thường xuyên chiếm trung bình 60 – 65% tổng chi NSNN, để tăng chi cho đầu tư phát triển, Việt Nam không có cách nào khác ngoài tăng quy mô của tổng thu NSNN – hiện xấp xỉ 30% GDP, một mức đã khá cao.


Giáo sư Nguyễn Văn Nam lo ngại, để tăng đầu tư công, hiện Chính phủ chỉ có thể thực hiện bằng hai cách: tăng thu NSNN, nghĩa là diệt doanh nghiệp, diệt sản xuất, diệt nền kinh tế; hoặc phải tăng vay nợ, nghĩa là thêm gánh nặng nợ nần. “Trong khi đó, với cách thức quản lý như hiện nay, nợ công của chúng ta chỉ ở mức 30% GDP đã đủ chết, đừng nói tới 50 – 60% GDP như hiện nay. Không thể dựa vào “nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn” theo chuẩn của các nước để vung tay vay nợ, vung tay đầu tư, vung tay chi tiêu như hiện nay được. Muốn tăng đầu tư phát triển, buộc phải giảm chi tiêu ngân sách”, ông Nam nhấn mạnh.
Ba mũi nhọn là quá nhiều?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: đầu tư công ở Việt Nam tập trung vào đầu tư cho kinh tế với tỷ trọng rất cao, xấp xỉ 75 – 76% trong khi tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực xã hội lại thấp và có xu hướng giảm dần, từ mức 17,6% năm 2000 xuống còn 15,2% năm 2009, trong đó đầu tư cho khoa học, giáo dục và đào tạo giảm từ 8,5% xuống còn 5,1%. Theo ông Doanh, đầu tư công là sản phẩm của cơ chế xin cho, trong đó cả hai phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có cả hiện tượng “gửi dự án”. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20 – 30%, chi phí cao, như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương chưa sử dụng đã hỏng, nhiều công trình đầu tư tiền tỉ không được sử dụng….

Để tái cơ cấu kinh tế, theo GS.TSKH Võ Đại Lược, viện Kinh tế và chính trị thế giới, cần phải thay đổi cả quan điểm về kinh tế – chính trị. Đại hội Đảng xác định kinh tế Nhà nước làm chủ đạo trong khi chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, năm ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối đã chiếm đến 70% thị phần ngân hàng. Tương tự là khối doanh nghiệp nhà nước. Ông Lược nói: “Những gì liên quan đến khái niệm “công”, “Nhà nước” hiện chiếm thị phần quá lớn. Chúng ta quyết tâm thay đổi, nhưng lại vẫn trên nền quan điểm cũ thì rất khó hiệu quả”.

Còn theo góc nhìn của phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, chương trình tái cơ cấu cả một nền kinh tế lại được giao cho từng bộ, ngành thực hiện đề án nên cuối cùng chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Thực tế cũng đã cho thấy không có sự liên kết nào giữa các đề án tái cơ cấu theo ba mũi nhọn được ba cơ quan xây dựng là ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính và bộ Kế hoạch và đầu tư.

Trong khi đó, ông Đặng Xuân Thanh, phó viện trưởng viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, lại lo ngại về khả năng, hiệu quả thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế bởi mục tiêu đặt ra quá lớn khi nhắm tới 13 lĩnh vực với ba khâu đột phá, trong đó liên quan đến 11 tập đoàn kinh tế lớn, hơn 50 ngân hàng thương mại, 64 tỉnh, thành phố… Ông Thanh so sánh, chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện mười năm nay mà vẫn “chưa đâu vào đâu”; hay như việc tái cơ cấu tập đoàn Vinashin bốn năm nay vẫn dở dang.

Bài học thành công từ công cuộc đổi mới năm 1986 được ông Thanh dẫn lại: chúng ta khi đó bắt đầu từ khu vực nông nghiệp, bằng cách giải phóng sản xuất, giải phóng tư tưởng, từ đó tạo ra nguồn lực, sức mạnh để tái cơ cấu cả nền kinh tế. Do vậy, theo ông Thanh, chúng ta chỉ nên chọn ra một tập đoàn, hoặc một địa phương để thí điểm thực hiện tái cơ cấu, nhưng phải làm quyết liệt. “Có đột phá là đúng rồi nhưng có tới ba lĩnh vực đột phá là quá nhiều, sức đâu mà làm?”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Thảo Nguyễn
.

Không có nhận xét nào: