Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

'Phải xem tái cấu trúc là một sản phẩm chiến lược'

http://www.tinkinhte.com/viet-nam/phong-van-yeu-nhan/pgs-ts-tran-dinh-thien-phai-xem-tai-cau-truc-la-mot-san-pham-chien-luoc.nd5-dt.151879.113209.html

Thời gian gần đây, chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế luôn được đề cập đến như một vấn đề bức thiết, mang tính sống còn và không thể không làm ngay. Trong đó, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế phải bắt đầu từ đổi mới mô hình tăng trưởng, dẫn tới đòi hỏi phải cải cách thể chế chính trị với mục tiêu và chương trình hành động cụ thể. Nhưng việc xoay chuyển thể chế chính trị như thế nào để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả như kỳ vọng có lẽ sẽ không dễ dàng.

PGS. TS Trần Đình Thiên
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện kinh tế Việt Nam, tái cấu trúc nền kinh tế muốn hiệu quả thì trước hết phải có thiết kế cụ thể, nhất là lựa chọn một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với Việt Nam và môi trường kinh tế toàn cầu. Sau đó, đề ra những chương trình cụ thể và bước đi rõ ràng để đạt được mục tiêu.

- Tái cơ cấu nền kinh tế là phải thay đổi cái cũ bằng cái mới phù hợp hơn. Vậy theo ông, cái mới đó sẽ phải như thế nào ?
Để tái cơ cấu thành công thì phải thoát khỏi cái cơ cấu cũ, chuyển sang cơ cấu mới ưu việt hơn cái cũ. Nhưng cơ cấu mới thế nào thì đến giờ vẫn chưa có hình dung thực sự rõ ràng. Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong quá trình thiết kế.
Theo tôi, về nguyên tắc, nhận diện tái cấu trúc (TCC) phải xem như một sản phẩm chiến lược, chứ không phải là sản phẩm của một quá trình chỉnh sửa lặt vặt, cũng không phải là tân trang hay mông má. Ở đây, sản phẩm chiến lược bao hàm hai nội dung: một là, bảo đảm nền kinh tế có thể gia nhập được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu với năng lực ngày càng tăng lên; Hai là, bản thân Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, như đã từng rơi vào bẫy thu nhập thấp, mà chúng ta vừa thoát ra được. Đa số các nước cũng đang mắc phải nên chúng ta phải đặt ra mục tiêu, TCC để Việt Nam có một hệ thống kinh tế giúp chính mình vận động, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình đó.

 - Vậy nhận diện chân dung các bộ phận cấu thành đó như thế nào, thưa ông?
Có 3 lớp nhận diện. Về cơ cấu ngành, Việt Nam phải định nghĩa cơ cấu ngành trong tương lai như thế nào, sản xuất sản phẩm gì, chứ không thể nói chung chung. Về cơ cấu vùng, các vùng kinh tế của nước ta với đặc sắc riêng được nhận diện sẽ phát triển ra sao trên bản đồ thế giới? Và vấn đề quan trong là, các lực lượng chủ thể sẽ đóng vai trò gì và làm thế nào trong đó? Vì hiện nay, đang có chuyện lộn xộn giữa vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế. Cho nên, TCC là làm thế nào để khu vực kinh tế nhà nước làm đúng chức năng, vai trò của mình trong kinh tế thị trường.
Hiện nay, do chưa có cơ chế giám sát nên các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đảm nhận nhiều lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia như điện, than, dầu khí… Hoặc một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa công mà tư nhân không muốn làm hoặc  họ chưa có điều kiện để làm. Trong giai đoạn tới, nhà nước sẽ chuyển giao cho tư nhân làm một số lĩnh vực và nhà nước giám sát, tức là, bắt đầu định vị lại chức năng của nhà nước và tư nhân. Chính phủ cũng thay đổi cấu trúc quản trị để làm cho việc sử dụng các nguồn lực theo đúng cơ chế thị trường và hiệu quả hơn.
Còn khu vực doanh nghiệp FDI cũng phải thay đổi đầu tư chiến lược để không phải là đi thu hút trăm thứ “bà hầm” vào, hay dùng lợi thế lao động rẻ để thu hút. Đây không phải là chân dung công nghiệp mà thu hút FDI đem lại cho nước ta trong giai đoạn tới. Đồng thời, chúng ta phải cấu trúc lại hệ thống tài chính ngân hàng cho đúng chức năng nhiệm vụ, chứ không thể để tình trạng yếu kém như hiện nay.
Đó là chân dung tái cấu trúc đang được thiết kế, mà đòi hỏi phải quyết tâm làm một cách bài bản, có hệ thống. Nhưng có lẽ sẽ rất khó làm, vì nó đòi hỏi trí tuệ rất lớn,  tầm nhìn mới, chứ không chỉ hô hào, quyết tâm  suông.


- Làm thế nào để đưa DNNN về đúng chức năng của nó khi mà lợi ích nhóm đang chi phối quá lớn, thưa ông?
Trong khi câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công là việc sử dụng đồng vốn, phân bổ đồng vốn sao cho có hiệu quả thì tái cơ cấu DNNN lại là sử dụng các nguồn lực để gia tăng giá trị đóng góp cho nền kinh tế.
DNNN lẽ ra là xương sống của nền kinh tế, nhưng trong một thời gian dài nhiều DNNN hoạt động và phát triển chưa tương xứng, đầu tư ngoài ngành dàn trải hoặc đầu tư “lấn sân” sang cả khu vực tư nhân. Thế nên, phải “trả” DNNN về đúng vị trí của nó, hoặc trước mắt chỉ cần DNNN thực hiện nghiêm không đầu tư ra ngoài ngành để tạo tiềm lực cho nền kinh tế.
Mục tiêu lớn nhất của một trong 3 trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế là đưa DNNN trở về đúng chức năng của mình, tức là định vị lại chức năng của DNNN, chứ không phải đi tranh giành với khu vực tư nhân để giành cơ hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cái gì tư nhân làm tốt thì hãy để tư nhân làm, còn DNNN chỉ phát triển những ngành nghề trụ cột, mang tính xương sống.
Hiện chúng ta đang TCC trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng cũng có cái dễ, có cái khó. Nền kinh tế đang gặp khó khăn thực sự: bất ổn vĩ mô kéo dài, tăng trưởng sụt giảm, buộc phải TCC và xử lý những khó khăn nhất thời. Vì thế, để đáp ứng được mục tiêu dài hạn và ngắn hạn phải có những phép tính không thể cực đoan từ một phía được. Chính phủ đã chọn 3 lĩnh vực để TCC là: TCC đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty; TCC hệ thống tài chính ngân hàng, trọng tâm là ngân hàng thương mại.
Ba lĩnh vực trọng tâm ấy đều gắn với phạm vi nhà nước có thể ban hành những chính sách tác động trực tiếp được, nghĩa là nhà nước có thể can thiệp rất nhanh và mạnh. Nhưng phải chọn làm những việc làm được ngay và dễ làm để làm luôn để tạo niềm tin rằng nhà nước đang hành động thực sự.
Tuy nhiên, nếu chỉ thấy thế mà mãn nguyện là không đủ. Hiện nay, cả một khung khổ TCC chung (Đề án TCC tổng thế) cần được thảo luận ráo riết hơn. Đồng thời, có những biện pháp rất cấp thiết được tiến hành ngay. Ví dụ, gắn với câu chuyện sửa đổi hiến pháp là TCC cực lớn trên bình diện tổng thể. Ở đây, có liên quan đế nhiều vấn đề như sở hữu đất đai, phân cấp quản lý, cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường… Tôi cho rằng, các vấn đề này cần phải thảo luận ráo riết và đưa luôn vào hiến pháp để triển khai quyết liệt.
 
- Xin cảm ơn ông!
 Hồ Hường (ghi)

Không có nhận xét nào: