Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Chấp nhận sự độc quyền?

Thị trường vàng chưa thoát khỏi cảnh "náo loạn", bởi chưa bao giờ giá vàng miếng của các thương hiệu trong nước lại "chênh" nhau nhiều đến vậy. Vàng miếng SJC cao hơn những thương hiệu khác khoảng 500-600 nghìn đồng/lượng, thậm chí có những thời điểm chênh tới một triệu đồng/lượng. Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại những thương hiệu vàng miếng khác sẽ biến mất, còn SJC sẽ độc quyền…
 
Người dân vẫn mua vàng để tích trữ.Ảnh: Chí Lâm

Trước khi sửa đổi dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng được công bố, thị trường vẫn diễn biến khá ổn định. Nhưng ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra bản dự thảo, thị trường rơi vào tình trạng "náo loạn". Dù không đến mức người người xếp hàng mua vàng, bất chấp giá trong nước chênh giá thế giới tới vài triệu đồng/lượng, để rồi sau đó lại "rồng rắn" bán, chấp nhận mất hàng triệu đồng/lượng; song thị trường mấy tuần gần đây cũng khiến nhiều người lo ngại. Không phải ngẫu nhiên mà giới đầu tư lại nháo nhác đến vậy, nghị định quản lý kinh doanh vàng mới chỉ là dự thảo, nhưng những điều khoản được nêu ra trong nghị định gây xôn xao.

Theo dự thảo, chỉ có những DN có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất, mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng, như vậy trong số hàng chục DN hiện nay chỉ có SJC đáp ứng điều kiện. Thông tin này được đưa ra tác động mạnh tới thị trường. Nếu như những thời điểm trước, khi nhà đầu tư đổ xô mua vàng, các loại vàng miếng của nhiều DN khác nhau đều được gom, từ SBJ, 3A, PNJ…, thì nay người ta chỉ "nhắm" vào SJC. Những người đã tích trữ các thương hiệu không phải SJC đều có tâm lý lo ngại, phản ứng của họ là bán đi để mua lại vàng SJC. Tại hầu hết cửa hàng kinh doanh vàng của SJC, người dân xếp hàng mua, trong khi tại những điểm bán hàng của các thương hiệu khác, người ta lại chen chúc nhau để bán.

Tình trạng này đẩy những DN kinh doanh vàng miếng không phải SJC có những thời điểm không đủ nguồn tiền để mua lại những sản phẩm do DN mình sản xuất. Trước sự náo loạn của thị trường, NHNN đã công bố những thông tin trong một dự thảo mới hơn về nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có quy định các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất, lưu thông vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực. Thông tin này cũng tác động tích cực, giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định nên không còn "ào ào" bán những thương hiệu vàng miếng không phải SJC.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, lãnh đạo NHNN lại khẳng định, chỉ có thương hiệu SJC đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng, bởi hiện tại vàng SJC đã chiếm 90% thị phần vàng miếng trên cả nước, chất lượng vàng đã được khẳng định với thị trường trong nước và thế giới. Do đó, giai đoạn trước mắt, việc sử dụng vàng SJC là phù hợp và đem lại nhiều lợi ích. Đồng thời, việc nắm giữ, mua bán vàng miếng của người dân với tổ chức kinh doanh vàng được phép tiếp tục được nhà nước bảo đảm các quyền lợi hợp pháp. Vậy là thị trường vàng chưa kịp bình ổn lại rơi vào cảnh biến động và một lần nữa, người dân giữ vàng miếng không phải SJC lại lo lắng.

Giá vàng miếng SJC tiếp tục lên "ngôi", trong khi những thương hiệu khác phải giảm giá mạnh để hấp dẫn người mua. Liên tiếp trong nhiều ngày, giá vàng miếng SJC "chênh" những thương hiệu vàng miếng khác 500-700 nghìn đồng/lượng, thậm chí là 1 triệu đồng/lượng. Giá những thương hiệu khác gần như không còn khoảng cách với vàng thế giới, ngay cả khi chưa tính thuế nhập khẩu và các chi phí liên quan khác nhưng vẫn không đủ sức kéo người mua. Tại thời điểm 10h ngày 4-12, trên thị trường Hà Nội, vàng SJC được niêm yết ở mức: 45,08 triệu đồng/lượng (mua vào) - 45,28 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng mang thương hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chỉ có giá 44,30 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Những thương hiệu vàng miếng khác cũng chỉ được giao dịch với mức giá tương đương.

Việc NHNN đưa vàng SJC trở thành thương hiệu vàng của quốc gia sẽ giúp thị trường bình ổn, vàng trong nước sẽ không bị làm giá, đầu cơ, nên sẽ tránh được tình trạng giá trong nước cao hơn thế giới tới hơn 1 triệu đồng, thậm chí là 2 triệu đồng/lượng. Nhưng, có nhiều chuyên gia nhận định, NHNN nên tính kỹ tới quyền lợi của người dân, bởi thói quen tích trữ vàng đã có từ khá lâu và lượng vàng tích trữ trong dân khá lớn. Hơn nữa, đã là vàng thì dù là vàng mang thương hiệu gì, nếu bảo đảm chất lượng vẫn cần được chấp nhận. Đó là chưa kể trong một nền kinh tế không nên tồn tại sự độc quyền, nếu đưa thương hiệu vàng SJC trở thành độc quyền cũng là việc cần phải cân nhắc.

Đức Anh 


http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Kinh-te/532205/chap-nhan-su-doc-quyen.htm

Không có nhận xét nào: