Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Mừng hụt với lãi suất

http://webgiavang.com/News/Details/2865-mung-hut-voi-lai-suat


Dồn dập những thông tin gần đây về lạm phát, điều hành giá khiến những tuyên bố về định hướng giảm lãi suất mất dần trọng lượng trong con mắt của nhà đầu tư.

Ngày 22/12, thông tin về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Hà Nội, TP.HCM và cả nước khá cao đã khiến thị trường chứng khoán phản ứng một cách dữ dội. Nhà đầu tư tháo chạy ồ ạt đã tạo nên một phiên giao dịch sụt giảm mạnh nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Thông tin này khiến các cam kết hạ lãi suất của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước càng trở nên thiếu chắc chắn trong ngắn hạn. 

Mặc dù việc hứa hẹn đưa lãi suất về quanh mức 10% trong năm 2012 cũng được loan báo khá sớm, thị trường vẫn phản ứng rất tiêu cực. Từ góc độ tâm lý, không khó để thấy sự suy diễn của số đông nhà đầu tư theo hướng chủ quan. Đa số nhìn nhận đây là thông tin hỗ trợ tích cực, nhất là vài tháng nay, các bước đi trong lộ trình giảm dần lãi suất được công bố một cách dày đặc. 

Tuy nhiên, sự chủ quan trong các đánh giá về thông tin phụ thuộc quá nhiều vào vị thế giao dịch của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu và bị lỗ sẽ cố gắng diễn giải những thông điệp trên theo hướng tích cực, mà không chú ý đến bản chất không thể tách rời của các điều kiện.
Thông điệp đưa lãi suất về mức 10% trong năm 2012 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát đi nằm trong một điều kiện tiên quyết: Nếu khống chế được mức lạm phát thì lãi suất huy động cuối năm 2012 dao động trong khoảng 10% là hợp lý. Có hai điểm có thể khiến nhà đầu tư đang hào hứng lạc quan phải thất vọng. 

Thứ nhất là điều kiện kiềm chế lạm phát sẽ quyết định mức lãi suất. Mệnh đề "nếu”... "thì” này không mới và mất đi vế "nếu” cũng sẽ không có vế "thì”. Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô năm 2012 được đặt lên hàng đầu, và điều này phù hợp với thông điệp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ. 

Điểm thứ hai là thời điểm giảm lãi suất về mức 10% không thể xảy ra trong ngày một ngày hai, mà là cuối năm 2012. Điều này có nghĩa là các bước giảm nếu có (trên cơ sở kiềm chế lạm phát) sẽ đi theo từng bước. 

Yếu tố mùa vụ bắt đầu thể hiện rất rõ trong CPI tháng 12 và còn có thể gia tăng trong hai tháng tới, đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, ẩn số giá điện bắt đầu lộ diện và không loại trừ khả năng sẽ còn tác động lớn hơn thời gian tới.

Thị trường chứng khoán đã nếm đủ cay đắng với thông tin giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống 12% hồi đầu tháng. Áp đặt ý nghĩa của thông tin theo hướng chủ quan chỉ khiến cho các quyết định sai lầm dễ dàng trở thành hiện thực. 

Mặt khác, việc giảm lãi suất huy động không liên quan trực tiếp đến việc giảm lãi suất cho vay, mặc dù là điều kiện quan trọng. Lãi suất cho vay chỉ thực sự giảm khi cung cầu vốn phù hợp với điều kiện thị trường, chứ không bằng các mệnh lệnh hành chính. Điều này lại cần có thời gian. 

Ngoài ra, việc định hướng dòng vốn trong năm 2012 cũng có thể làm thị trường chứng khoán thất vọng. Sẽ không có "cửa” cho những dòng vốn đầu cơ dễ dãi từ ngân hàng chảy qua thị trường chứng khoán. 

Tín dụng cơ bản vẫn sẽ được hướng vào khu vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội. Suy diễn đơn giản rằng hạ lãi suất sẽ kích vốn cho chứng khoán một lần nữa có thể đem lại sự thất vọng lớn, mặc dù các doanh nghiệp niêm yết có thể hưởng lợi.

Thị trường chứng khoán mấy phiên gần đây đang chứng kiến áp lực bán kỹ thuật rất rõ rệt. Hoạt động cắt lỗ, giải chấp thông thường đi kèm với nhu cầu tiền mặt cuối năm khiến các chủ thể tham gia thị trường không còn cách nào khác ngoài việc bán bớt tài sản có thanh khoản cao. 

Hoạt động bán này cũng đã kéo dài từ đầu tháng, trong khi nguồn tiền mới tham gia hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến thị trường nếu có hồi phục cũng chỉ đi được một hai phiên ngắn ngủi, trước khi tiếp tục xu hướng giảm.
Hoàng Ngân
 Đại đoàn kết

Không có nhận xét nào: