Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Ngân hàng Nhà nước cũng phải được tái cấu trúc?

http://webgiavang.com/News/Details/3028-ngan-hang-nha-nuoc-cung-phai-duoc-tai-cau-truc

NHNN là chủ thể “đẻ” ra 130 tổ chức tài chính, tín dụng. Đây là quan điểm của PGS. TS Võ Đại Lược – nguyên Thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Chính vì thế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đầu tiên phải tái cấu trúc Ngân hàng Nhà nước.

“Trong nền kinh tế thị trường, NHTW phải tăng tính độc lập. Nó càng độc lập bao nhiêu thì chính sách tiền tệ mới có thể phù hợp với kinh tế thị trường bấy nhiêu. Trong nền kinh tế thị trường, khi mà NHTW không có tính độc lập đủ để điều hành nền kinh tế, điều hành thị trường tiền tệ thì chắc chắn có vấn đề. Do vậy, chúng ta nên bàn đến đề án tái cấu trúc ngân hàng trung ương, đứng về cả chức năng nhiệm vụ và các thể chế qui định” – ông Võ Đại Lược nói. 

Trở lại với câu chuyện tái cấu trúc hệ thống các NHTM, PGS Võ Đại Lược cho rằng: Các NH của chúng ta hiện nay quản trị rất tùy tiện. Ngân hàng là một khu vực hết sức nhạy cảm, là động mạch của nền kinh tế thì không thể tùy tiện như cách làm hiện nay được mà phải theo chuẩn quốc tế. Các NH ở các nền kinh tế phát triển quản trị như thế nào thì chúng ta nên áp dụng bắt buộc đối với ngân hàng của ta như thế, từ việc công khai thông tin…

Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội): Để tái cấu trúc NH thành công phải đánh giá đúng thực trạng, bản chất và mức độ nghiêm trọng của những yếu kém trong hệ thống ngân hàng. Xác định đúng nguyên nhân và đưa ra quá trình tái cấu trúc tổng thể. Nếu không làm được điều này thì tái cấu trúc sẽ là quá trình ngắn hạn, chỉ đạt mục tiêu trước mắt. Trong dài hạn, nó sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề hiện có và nó sẽ làm cho hệ thống ngân hàng không thể phát triển bền vững”.

TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng: “Phía các NHTM nếu không hoạt động theo nguyên tắc thị trường, không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch thì rồi một ngày nào đó nó lại sẽ tiếp tục trở lại vấn đề đang đối mặt. Tại sao trước đây các NH báo lãi nhiều, đùng một cái giở sổ ra thì các NH lỗ rất nhiều và không cân đối được. Nó là hậu quả của việc không minh bạch, không đầy đủ. Nếu minh bạch thì tự thị trường sẽ điều tiết”.

Thế nhưng, thực tế, nợ xấu của NH hiện nay là bao nhiêu, ở mức nào thì không bao giờ được công bố. “NHNN công bố nợ xấu 3,5% nhưng tin tức nước ngoài lại bảo là phải 10%. Các NHTM của ta có tới 2-3 số liệu chứ không phải 1 số liệu, sổ sách đưa ra ngân hàng nào cũng rất nhiều lãi. Bên cạnh đó, chúng ta đặt ra hàng loạt điều kiện lãi suất trần, kiểm tra, cấm đoán… Với cách điều hành bằng hành chính rất mạnh thì đương nhiên các NHTM sẽ đối phó bằng những số liệu không thể chính xác được. Đây là nguy cơ rất lớn vì chúng ta không nắm được thông tin chính xác. Chính vì vậy, nhiều người nghi ngờ không chắc chỉ có 3 ngân hàng đã được sáp nhập là yếu mà có thể còn nhiều hơn”, theo PGS Võ Đại Lược.

Và trên hết, theo TS Quách Mạnh Hào - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, việc đưa ra con số báo cáo đẹp có thể làm hài lòng một số người về mặt giấy tờ, còn con số khả năng thực tế sẽ làm chúng ta giật mình về thực trạng.

Để xác định ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể, NHNN cần phải dựa trên các thông tin minh bạch để đánh giá và sàng lọc kỹ càng. Nợ xấu của các ngân hàng tăng nhanh nhưng thực chất vấn đề này của từng NHTM thế nào thì không ai có thể biết chính xác được, kể cả lãnh đạo NHNN, bởi vì còn có những NH báo cáo không trung thực.

Chỉ là chuyện cộng gộp hữu cơ?
Việc hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần được coi là sự kiện mở màn cho quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, còn nhiều chuyện đáng bàn về chủ đề này. “Chúng ta sáp nhập cũng bằng biện pháp hành chính chứ không phải là do thị trường quyết định như ở các nước. Gộp 3 ông lại chưa chắc đã mạnh, thậm chí có thể yếu hơn. Cách hợp nhất theo thị trường thì phải do những anh mạnh sẽ thôn tính anh yếu, tạo ra một anh mạnh hơn. Ba anh đều yếu gộp vào nhau thì không thể mạnh hơn được” – PGS Võ Đại Lược phân tích.

Việc nhìn rõ những điêm yếu của hệ thống ngân hàng từ phía những người làm thực tiễn sẽ mang lại một cách nhìn hiệu quả hơn trong quá trình tái cấu trúc. Xét cho cùng, nếu như sự thay đổi của một nền kinh tế nên bắt nguồn từ người tiêu dùng, thì sự thay đổi của hệ thống ngân hàng cũng nên bắt đầu từ quan điểm của những người làm thực tiễn, cụ thể là doanh nghiệp và người gửi tiền tiết kiệm. “Bước cần thiết đầu tiên của quá trình tái cấu trúc là việc tạo ra một hệ thống gương soi chuẩn cho hệ thống ngân hàng dựa trên thực tiễn Việt Nam, thay vì máy móc áp dụng những mẫu hình kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Nhiều ý kiến nói về việc sáp nhập ngân hàng như là một giải pháp, tôi cho rằng điều đó nên là hệ quả” – TS Quách Mạnh Hào nói.

 Nếu chi phí phân bổ không được làm rõ, việc tái cấu trúc tiếp tục bị trì hoãn do thiếu kinh phí cuối cùng sẽ phải chịu gánh nặng tài chính lớn hơn. Chi phí tái cấu trúc, một khi đã xảy ra khủng hoảng, thì sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, ví dụ như 20% GDP của Hàn Quốc, hơn 30% Thái Lan và 50% ở Indonesia.

Nợ xấu và xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2012 khi tỷ lệ nợ xấu thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với mức trên 3% tổng dư nợ mà NHNN công bố cuối tháng 8/2011. Theo lộ trình, từ ngày 1/4/2012, NHNN sẽ chính thức công bố đều đặn 5/12 chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng gồm CAR, ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự nợ trong từng lĩnh vực. Theo đó, việc chính thức công khai tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống có thể có những ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của người dân vào tính an toàn của hệ thống ngân hàng./.


Vũ Hạnh
 VOV

Không có nhận xét nào: