Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Tái cấu trúc ngân hàng: Nhìn thẳng, làm thật

http://webgiavang.com/News/Details/2959-tai-cau-truc-ngan-hang-nhin-thang-lam-that

Bài học thành công trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Hàn Quốc rất đáng học hỏi.

Trước khi bắt tay tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sau khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, Hàn Quốc đã tiến hành rà soát, phân loại các ngân hàng. Họ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá tình hình tài chính, nợ xấu và phân loại ngân hàng thành 3 nhóm (lớn, trung bình, nhỏ) để làm cơ sở sáp nhập. 

Chính phủ nước này cũng lập ra công ty xử lý nợ xấu là KAMCO nhằm mua lại các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng có kế hoạch sáp nhập và hợp nhất. Hàn Quốc đã dành tương đương 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1997 để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó có phân nửa là để mua nợ xấu.

Đó là cách làm của Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam có thể học hỏi để tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trước hết cần phải nhìn thẳng vào thực trạng của hệ thống này.

Một hệ thống bất ổn
Một trong những điểm bất ổn của hệ thống ngân hàng được Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu ra tại hội thảo về tái cấu trúc ngân hàng gần đây tại Hà Nội là sự mất cân đối giữa kỳ hạn tiền gửi và cho vay đang trở nên nghiêm trọng. 

Các khoản cho vay dài hạn lại chiếm tỉ trọng lớn hơn và quy mô lớn hơn nhiều so với các khoản tiền gửi có cùng kỳ hạn. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng trong một thời gian dài đã được sử dụng như sân sau của các ông chủ ngân hàng, cho vay các dự án đầu tư dài hạn, trong đó chủ yếu là bất động sản, dẫn tới sự mất cân đối về kỳ hạn.

Một vấn đề nổi cộm khác là quản trị hoạt động kém dẫn tới rủi ro nợ xấu cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu và nợ dưới chuẩn (non-performing loan - NPL) của các ngân hàng Việt Nam ở mức 3,1% tổng dư nợ vào ngày 30.6.2011, tương đương gần 4 tỉ USD. Nhưng ông Hào cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn.

Hệ quả tất yếu của nợ xấu là khả năng bị mất vốn. Ông Hào đã trích dẫn tài liệu của các chuyên gia Hoàn Trần và Thuân Nguyễn từ Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus (2011). Theo đó, dù các ngân hàng đã đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) hơn 8% nhưng tỉ lệ này sẽ bị giảm sút rất nhanh nếu như hạch toán đúng dự phòng cho các khoản nợ NPL.
Số liệu của StoxPlus đã chỉ ra vốn chủ sở hữu của 43 ngân hàng thương mại trong nước là 276.000 tỉ đồng (khoảng 14 tỉ USD) vào ngày 30.12.2010. Nếu NPL của hệ thống tăng thêm 10% (từ mức 3,1% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tại ngày 30.6.2011 lên 13,1%) và giả sử phải trích lập dự phòng đầy đủ (100% cho tất cả nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5), chi phí sẽ tăng thêm khoảng 10 tỉ USD. “Khi đó, vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn 4 tỉ USD và tỉ lệ CAR sẽ thấp hơn nhiều so với con số 8%”, ông nói.

Làm thật
Ông Hào đề xuất bước đi cần thiết đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc ngân hàng là tạo ra “gương soi” chuẩn cho toàn hệ thống, nhưng không áp dụng cứng nhắc theo mô hình của nước nào mà phải dựa trên thực tế Việt Nam.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, thì cho rằng ngân hàng phải tham gia vào các hoạt động khác trong mảng tín dụng, cũng như phi tín dụng vì họ đang tập trung quá nhiều vào mảng cho vay. 

Và nếu xét đến nhóm khả năng sinh lời thì so với các nước Đông Nam Á khác, lợi nhuận/tài sản (ROA) của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp hơn, nhưng lợi nhuận/vốn (ROE) lại nằm ở mức giữa. Điều này có nghĩa là các ngân hàng chưa khai thác hết và hiệu quả các nguồn lực trong nước.

Quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng bắt buộc phải có bàn tay của Nhà nước chứ không nên phó mặc cho từng ngân hàng, bởi đây là câu chuyện liên quan đến sức khỏe cả hệ thống. 

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho lộ trình này cũng như tạo điều kiện thuận lợi để quá trình này diễn ra suôn sẻ, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc tái cơ cấu. 

Và các ngân hàng thương mại cũng cần được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để có thể vượt qua khó khăn trong khi tái cấu trúc.

Xét ở góc độ vĩ mô, hệ thống ngân hàng là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống tài chính. Do vậy quá trình tái cấu trúc ngân hàng phải gắn chặt với tái cơ cấu toàn bộ hệ thống tài chính. Đặc biệt, ý nghĩa của tái cấu trúc ngân hàng sẽ mất đi nếu vai trò của từng kênh dẫn vốn trong nền kinh tế không được xác định lại.

Vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là nợ xấu gia tăng và thanh khoản thấp. Bởi vậy khi tiến hành cải tổ, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các nguyên tắc xử lý nợ xấu và tính thanh khoản cả trước, trong và sau khi tái cơ cấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống.

“Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng chỉ thành công khi gắn kết với việc cơ cấu lại từng ngân hàng thương mại, từ vốn điều lệ đến tài sản Có và tài sản Nợ”, ông Ánh kết luận.

Thành Trung

Không có nhận xét nào: