Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Một năm 'dậy sóng' của giới buôn vàng

http://webgiavang.com/News/Details/2933-mot-nam-day-song-cua-gioi-buon-vang

Chạnh lòng về số phận vàng miếng phi SJC có nguy cơ bị xoá sổ, đau đầu trước áp lực doanh thu, căng thẳng ứng phó các cơn sốt giá bất thường... là những cung bậc cảm xúc mà các nhà kinh doanh vàng trải qua năm 2011.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank, cái khó lớn nhất của kinh doanh vàng trong năm qua chính là việc dự báo chính sách của cơ quan chức năng (thay đổi liên tục). Điều này làm cho doanh nghiệp khó đưa ra những chiến lược phát triển ổn định. Điển hình như việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến xoá hết các thương hiệu vàng miếng và chỉ giữ lại SJC, làm người dân nắm giữ vàng phi SJC lo lắng mà doanh nghiệp cũng gặp khó.

Khi xưởng vàng tạm đóng cửa, là một lãnh đạo phải chứng kiến cảnh cơ sở vật chất bị bỏ phí, nhân viên chưa biết làm gì, tim ông như thắt lại. Ngoài ra, việc giá vàng liên tục biến động thất thường, để ra một quyết định mua bán hợp lý không phải dễ. Tổng giám đốc Agribank luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, trong đầu lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn các phương án để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. "Chỉ cần tính sai một nước cờ sẽ rất dễ đi đến thua lỗ cho doanh nghiệp", ông nói.

Để tìm hướng đi cho công ty, bên cạnh kinh doanh vàng miếng, ông Trúc quyết định mở rộng hoạt động sang ngành nữ trang và một số ngành phụ khác như bất động sản, khai khoáng, hoặc làm đại lý cho Agribank huy động vàng...nhằm tăng doanh thu. "Nhờ đó, năm nay lợi nhuận không đạt như kế hoạch đề ra nhưng cũng bằng năm ngoái, doanh thu năm 2011 vẫn lên 8.000 tỷ đồng", ông cho biết.

Trong khi đó, CEO của Công ty Sacombank-SBJ Nguyễn Ngọc Quế Chi từng mất ăn mất ngủ bởi người dân thờ ơ với vàng trang sức trước cơn điên của giá vàng. Thế nhưng, nữ doanh nhân này vẫn quyết định tung ra những mẫu mã nữ trang có kiểu dáng độc đáo và quyến rũ ... để kéo khách trở lại.
Với sự cố gắng lớn của bà và cả tập thể, SBJ đã gặt hái được một số thành công nhất định, đưa tốc độ tăng trưởng năm 2011 tăng hơn 60% so với năm 2010 (một mặt do giá vàng năm nay tăng cao nên giúp doanh số cao). "Tôi cũng nghiệm ra rằng, đôi khi những áp lực và thách thức lớn chính là điều tạo nên lực hấp dẫn rất mạnh của ngành vàng", bà Chi chia sẻ.

Giá vàng đã gây bất ngờ cho tất cả những ai tham gia thị trường, chính là suy nghĩ đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú khi nhìn nhận về diễn biến một năm qua. Theo ông, giá biến động bất thường và khó đoán, có lúc người ta nghĩ giá lên thì nó lại "bổ nhào" và chỉ trong 2 ngày, kim loại quý rớt tới 200 USD một ounce. Điều này khiến giá vàng nội cũng nhảy múa loạn xạ, lúc vọt lên 49,3 triệu đồng và rồi lại xuống còn hơn 42,5 triệu đồng khi về cuối năm.

Là đầu mối lớn nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khó khăn của DOJI phải luôn chuẩn bị đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường bất cứ lúc nào. Ngược lại, luôn chuẩn bị sẵn nguồn tiền nhằm thu mua khi khách hàng cần bán.

Ngoài ra, việc phải áp giá vàng công khai trên hệ thống kinh doanh để tạo niềm tin cho khách, tức phải cam kết mua bán đúng với giá công bố trong bối cảnh giá quốc tế biến động liên tục là một thách thức không nhỏ. Để làm tốt điều này, ông buộc phải ăn với vàng, ngủ với vàng 20/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả lúc thị trường vàng trong nước đã ngủ yên.

Lợi nhuận đóng góp của kinh doanh vàng miếng trong năm qua rất hẹp, chỉ bằng 0,1% doanh thu. Nhưng người 'đứng mũi chịu sào' như ông, phải luôn chọn cho mình phương án điều hành thích hợp. Bên cạnh việc tập trung nguồn lực vốn bằng tiền và vàng đủ mạnh, bài toán xoay vòng vốn cũng phải xử lý hết sức linh hoạt. Vòng quay ấy không được quá 24 giờ, kể cả trong giai đoạn có những cơ hội bất ngờ với biên lợi nhuận cao nhưng vì thực hiện nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, chúng tôi không chờ đợi giá lên cao nhất để bán và giá xuống thấp nhất để mua.

Tuy nhiên, thời gian qua DOJI được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu vàng và tranh thủ khi giá trong nước xuống thấp hơn thế giới đã xuất khẩu một phần....Nhờ những may mắn đó, doanh thu năm 2011 lên 30.000 tỷ đồng (năm ngoái chỉ 20.000 tỷ), lợi nhuận cũng tốt hơn năm 2010. Tăng trưởng của ngành nữ trang năm nay cũng đạt tới 70% so với năm trước đó.

Nhìn lại năm qua, ông cho rằng, với vàng miếng thì rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Thành quả của bạn sẽ biến trong nháy mắt khi thị trường đột ngột thay đổi. "Đừng bao giờ nghĩ tới lợi nhuận tối đa mà luôn nghĩ đến việc phòng ngừa rủi ro tối đa", ông đúc kết.

Còn nữ CEO của PNJ Cao Thị Ngọc Dung thì áp lực về kinh doanh và đảm bảo giá trị nguồn vốn là điều làm bà suy nghĩ khá nhiều. Bởi với sự biến động khó lường của giá vàng, nhiệm vụ của người kinh doanh như bà lúc nào cũng phải canh theo giá thế giới và trong nước để kịp ứng phó. "Cái khó của người lãnh đạo là phải làm sao vừa kinh doanh nhưng lại vừa đảm bảo được giá trị nguồn vốn của mình không bị sụt giảm mỗi khi giá biến động mạnh", bà bộc bạch.

Nhờ những nổ lực lớn đó, bà đã góp phần giúp PNJ tiếp tục gặt hái được một số thành công nhất định, đưa doanh thu của công ty trong 11 tháng tăng hơn 33%; lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất đạt 289,3 tỷ đồng, tăng 19% và vượt 98% kế hoạch năm.

Riêng với ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu, khó khăn đã giúp ông tìm ra được hướng đi khác biệt. Mới đây, việc dập đúc vàng miếng đã tạm ngưng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu hồi vốn hiện đã hoàn tất. Đồng thời, để tránh sự lãng phí và tạo công ăn việc làm cho người lao động, đơn vị đã tận dụng hệ thống máy móc chuyên dụng này để chế tác các dòng tặng phẩm lưu niệm.

Ngoài ra, nhận thấy những khó khăn hiện hữu của ngành này, ngay trong năm 2010, ACB đã xây dựng Nhà máy tinh luyện vàng và Phòng thí nghiệm giám định tuổi vàng theo tiêu chuẩn châu Âu. Hai dịch vụ trên mang lại kết quả khả quan trong năm 2011, giúp ACB thu hồi vốn đầu tư. Vàng thấp tuổi khi đưa vào Trung tâm vàng ACB có thể tinh luyện thành vàng 24 Karat (vàng 4 số 9) và đã được các hãng tinh luyện quốc tế kiểm chứng, chứng minh năng lực tinh luyện vàng.

Ông cho rằng, Việt Nam đang rất yếu và thiếu khâu tinh luyện vàng nguyên liệu và giám định chất lượng tuổi vàng. Nếu làm tốt hai việc này, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ về mặt chất lượng và đất nước sẽ không còn phải lãng phí ngoại tệ để nhập khẩu vàng thỏi tinh chất từ nước ngoài nữa.

Cũng theo ông Khanh, hiện nay môi trường pháp lý của ngành vàng đang có sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi đó không hoàn toàn bất lợi. "Thay vào đó, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu cần thiết tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành vàng bạc đá quý để đưa ngành này tiến lên phía trước. Ít nhất là nó có thể cạnh tranh với các nước ASEAN, sau đó là vươn ra thị trường quốc tế", ông Khanh nói.


Lệ Chi
 VnExpress

Không có nhận xét nào: