Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

tính thanh khoản

http://webgiavang.com/News/Details/3053-mau-chot-la-tinh-thanh-khoan

Nếu không tăng được tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ khó thực hiện được các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác, là nhận định được thống nhất bởi các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Cơ hội và thách thức.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, tính thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng tiếp tục là vấn đề khó giải quyết triệt để trước nửa đầu năm nay. Vì thế, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có chậm lại, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu của thế giới giảm, áp lực tăng giá đầu vào bớt căng thẳng khiến việc kiềm chế được lạm phát tăng dưới 10% hiện thực hơn nhưng vẫn khó kiểm soát. “Nguyên nhân của việc khó kiểm soát lạm phát cũng như thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là do lãi suất khó có thể giảm mạnh, tính thanh khoản chưa thể xử lý kịp thời tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Thành phân tích.

Cho rằng, nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kép và là cơ hội để Việt Nam giảm lạm phát xuống mức 9% trong năm 2012, nhưng Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cũng dự báo, ngay cả đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát “ngoạn mục” thì lãi suất cho vay cũng vào khoảng 15%/năm. “Với mức lãi suất này sẽ có thêm những doanh nghiệp đình đốn sản xuất, giải thể, phá sản khiến cho việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% có những thách thức nhất định”, ông Thiên nói. 

 “Nếu thực hiện biện pháp “lấy độc trị độc” - tăng lãi suất theo đúng thị trường đồng thời với việc cắt giảm mạnh đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt 3-4%, cùng lắm là 5% nhưng bù lại lạm phát năm 2012 nhiều khả năng chỉ còn khoảng 6-7%, tạo nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định vào những năm sau đó”, ông Thiên đề xuất.

Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng ngoài nhóm cho vay ưu đãi vẫn còn ở mức 20%/năm, nhiều ngân hàng vẫn đang thực hiện cho vay với lãi suất 21-22%/năm. “Mức lãi suất này chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Các ngân hàng đã mất niềm tin lẫn nhau khiến thị trường liên ngân hàng nhiều phiên chứng kiến sự rối loạn chưa từng có”, ông Nghĩa nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chỉ có thể giảm được lãi suất khi ổn định được tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý I/2012 thông qua các công cụ tái cấp vốn trực tiếp từ NHNN; tăng dự trữ bắt buộc để tạo nguồn cho cho NHNN điều hoà vốn từ ngân hàng thừa vốn sang ngân hàng thiếu vốn...

“Hiện các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 100 tấn vàng, vì vậy cần phải xem xét cho phép các ngân hàng sử dụng một phần số vàng này để kinh doanh vàng qua tài khoản nhằm sử dụng nguồn vốn từ vàng, ít nhất cũng vào khoảng 6-7 tỷ USD bổ sung tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa đề xuất.



Không có nhận xét nào: