Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Trần lãi suất đang bị xé

http://webgiavang.com/News/Details/3056-tran-lai-suat-dang-bi-xe


Sau một thời gian “lặng sóng”, thị trường tiền tệ bắt đầu tái diễn tình trạng lách trần lãi suất huy động, trong đó nhiều NHTM đẩy lãi suất tiết kiệm lên đến 21%/năm.

Bệnh cũ tái phát nhưng với cách thức khôn khéo, tinh vi hơn. Thách thức đặt ra là NHNN khó có thể trị theo kiểu “bắt tận tay” như năm ngoái.
“Chợ” loạn giá
Ngày 10-1 tại một NHTM khách hàng quen gửi 100 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất thực 18,5%/năm thông qua việc nhận tiền mặt tương đương 4,5%/năm trên hợp đồng ghi 14%/năm. Nhiều NHTM nhỏ khác chào lãi tiền gửi với số tiền trên 1 tỷ đồng lên 21%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Để né cơ quan chức năng, nhiều NHTM cử nhân viên đến tận nhà khách hàng để giao dịch. Giám đốc một chi nhánh VCB cho biết thời điểm rộ lên thông tin tái cơ cấu, hợp nhất NH, VCB hút được một lượng tiền lớn khi người dân chuyển tiền gửi từ NHTM cổ phần nhỏ sang NHTM nhà nước.
Tuy nhiên, gần đây VCB đã không thể giữ chân khách hàng vì lãi suất của nhiều NHTM lên đến 19-20%/năm. Theo vị lãnh đạo này, nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ gây thiệt hại cho những NHTM lớn thực hiện nghiêm túc trần lãi suất.
Đánh giá tình trạng trên, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng những năm gần đây NHTM giống như cái chợ, mỗi NH mỗi giá. Sở dĩ tái phát tình trạng này vì nếu cùng một mặt bằng lãi suất, người dân sẽ chuyển sang gửi tiền ở NHTM lớn. Để thanh tra NHNN khó phát hiện, nhiều NHTM đã lách bằng nhiều hình thức.
Vì vậy, theo ông Tuấn, nên khuyến khích các NHTM tự giám sát lẫn nhau. “Nếu phát hiện NHTM lách trần lãi suất, chỉ cần gửi tin nhắn thanh tra, giám sát NHNN sẽ vào cuộc ngay” - ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, một lãnh đạo NHTM cho biết các NHTM đang “thủ thế” và cẩn trọng hơn trước nhằm tránh bị NHTM khác “gài bẫy”. Hơn nữa, thủ thuật lách rất tinh vi và cơ chế cho phép nên NHNN dù biết cũng khó phạt.
Theo số liệu NHNN chi nhánh TPHCM, năm 2011 NHNN đã kiểm tra, phát hiện 62 đơn vị có sai phạm thông qua khuyến mại dưới hình thức tặng quà, thực hiện mua vàng có kỳ hạn có chênh lệch lỗ, nhận ủy thác đầu tư, môi giới hoa hồng…
Tuy nhiên, với những hình thức lách mới như chào mời khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 18%/năm thì không vi phạm quy định, vì đó là lãi suất trái phiếu.
Với hình thức này, NH huy động được vốn nhờ tiền gửi tiết kiệm, doanh nghiệp thì bán được trái phiếu để có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh. Khi bán trái phiếu cho khách hàng, NH còn cam kết sau một thời gian nhất định sẽ mua lại trái phiếu trên.
Biết vi phạm vẫn làm
Tại sao các NHTM lại lách lãi suất dù trước đó không ít NHTM đã bị NHNN xử phạt mạnh tay? Một lãnh đạo NHTM cổ phần cho biết nhiều NH đã bị mất khả năng thanh khoản do tình trạng nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ tín dụng khó, trong khi dòng vốn huy động tiếp tục sụt giảm.
Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy so với năm 2010, tiền gửi VNĐ của các tổ chức kinh tế và cá nhân giảm 6,43%. Với người dân, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ cao nên đây vẫn là kênh đầu tư tốt.
Do vậy khi áp trần lãi suất 14%/năm và giá vàng biến động sẽ khiến nhiều người rút gửi tiền để đầu tư, kinh doanh vàng, dẫn đến tình hình khó khăn cục bộ ở một số NHTM.
Ngoài ra, thị trường 2 (liên NH) cũng là nguyên nhân khiến NHTM lách lãi suất tiền gửi. Nhiều NHTM kiến nghị NHNN nên có giải pháp kích hoạt lại thị trường liên NH, vì gần đây thị trường này gần như không có giao dịch.
Các NHTM lớn vốn là chủ nợ duy trì giao dịch thanh khoản trên thị trường 2 như VCB, BIDV, Agribank gần như không bơm vốn ra thị trường này. Các NH có vốn ngại cho vay và yêu cầu có tài sản thế chấp, bởi trước đó nhiều NHTM nhỏ vay khất nợ đến nay vẫn chưa trả.

Trên thị trường liên NH đang có tình trạng NHTM được vay lãi suất rẻ lại không vay, trong khi có NHTM chấp nhận lãi suất cao nhưng không được vay. Chính lãnh đạo NHNN thừa nhận các NHTM có vốn trên thị trường 2 đang làm giá. Hiện tại ghi nhận lãi suất liên NH cao nhất đã lên đến 32%/năm.

Với mức lãi suất “cắt cổ” này nhưng phải thế chấp tài sản, các NHTM nhỏ không còn cách nào khác ngoài việc phải lách trần lãi suất huy động dù biết rằng có thể bị NHNN xử lý nặng nếu phát hiện.

Nhất là thời điểm cận tết nhu cầu rút tiền mặt của dân cư và doanh nghiệp rất lớn để mua sắm, chi lương thưởng cho người lao động. Điều này làm cho tình trạng thanh khoản của các NHTM nhỏ vốn đã khó càng khó hơn, đẩy các NHTM phải “đánh liều” huy động lãi suất vượt trần.

Liều thuốc nào?
Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng mục tiêu giảm lãi suất cho vay đang rất khó thực hiện bởi tình trạng lách lãi suất hiện nay. Theo ông Tuấn, có NHTM công bố dành 7.000 tỷ đồng cho vay khu vực nông thôn lãi suất 17%/năm. Nhưng thực tế NH này cho vay lãi suất 17%/năm chỉ chiếm 13%/tổng dư nợ, còn lại 87% dư nợ cho vay bình quân lãi suất 19,5%/năm.

Nhiều NHTM lớn kiến nghị NHNN nên đứng ra bảo lãnh các đảm bảo chi trả các khoản tiền gửi tại các NHTM yếu thanh khoản, khi đó các NHTM lớn thừa vốn mới dám bơm vốn cho vay để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường 2.

Theo một chuyên gia NH, trước áp lực lợi nhuận năm 2012 các NHTM sẽ càng tìm cách huy động để gia tăng cho vay. Đơn cử một NHTM có tổng tín dụng 10.000 tỷ đồng, được NHNN cho tăng trưởng tín dụng 10%, chắc chắn NH đó phải chạy đua huy động vốn thêm 1.500-2.000 tỷ đồng.
Vì thế, trong bối cảnh dòng vốn huy động đang sụt giảm, sẽ còn tái diễn việc các NHTM lách trần lãi suất trong năm 2012.

Theo nhiều chuyên gia NH, NHNN cần sớm tiến đến lộ trình bỏ trần lãi suất huy động. Nếu áp trần huy động phải quy định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể theo từng tổ chức tín dụng, phù hợp với năng lực tài chính, quy mô vốn và trình độ quản trị, trong đó đặt cả trong mối liên hệ với địa bàn, địa phương.

NHNN cũng có thể đưa ra hạn mức tín dụng từng quý, từng tháng. Chẳng hạn, NHTM nào đang mất khả năng trả nợ do mất cân đối giữa vốn huy động và cho vay, NHNN cần cấm NHTM đó cho vay trong quý I-2012 để tập trung thu hồi nợ.

Ngoài ra, NHNN cũng nên định hướng các NHTM yếu kém xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp với năng lực thực tế của mình, chứ không chỉ dựa vào vốn điều lệ rồi tìm mọi cách “chụp giựt” tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá.

Song song đó, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh lộ trình tái cơ cấu, sáp nhập những NHTM yếu kém để sớm làm lành mạnh hệ thống NHTM.


MAI THẢO
 

Không có nhận xét nào: